Vài năm gần đây, việc “săn” thịt lợn rừng vào dịp Tết Nguyên đán không còn lạ với những gia đình khá giả tại Hà Nội. Tuy nhiên, vì hám lợi, không ít trang trại lén nuôi lợn rừng bằng các loại cám tăng trưởng. Chị Ninh (Yên Hòa, Cầu Giấy) cho biết, để phân biệt được con lợn nào nuôi bằng cám công nghiệp, con nào nuôi bằng nguồn thức ăn tự nhiên là điều rất khó.
“Vì vậy, dịp vừa rồi, gia đình tôi được bạn bè giới thiệu lên Lạc Sơn, Hòa Bình để đặt giống lợn rừng cắp nách. Sau khi chọn được con lợn ưng ý, chúng tôi làm hợp đồng đặt cọc 1 khoản phí với trang trại để đảm bảo, đến cận Tết sẽ thanh toán toàn bộ cũng như chi phí phát sinh”, chị Ninh tiết lộ.
Theo chủ trang trại Tuấn Nhi (Sơn Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái), thịt lợn rừng chuẩn nuôi bằng thức ăn tự nhiên, trọng lượng khoảng 20-25kg/con, giá thị trường ở đây khoảng 200.000-250.000 đồng/kg.
Anh Tuấn kể rằng, có nhiều gia đình - chủ yếu ở Hà Nội, tìm về trang trại của anh mua lợn để dùng cho Tết tới. Ấn tượng nhất với anh là gia đình anh chị Quang Hòa, cẩn thận tới mức nhà ở rất xa nhưng cuối tuần nào cũng về “thăm” con lợn đã mua từ đầu tháng 9 Âm lịch.
Theo anh Lê Đại (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngoài việc đặt giống lợn “đặc sản” của miền núi để dùng, anh còn để làm quà biếu các sếp trong dịp Tết. “Các loại cao lương mỹ vị, đồ nhập khẩu, rượu nội ngoại giờ đã ngấy, nhà sếp cũng chẳng thiếu. Từ năm ngoái anh đã mua thịt lợn rừng biếu sếp, được sếp khen lắm. Năm nay, anh chị bàn nhau vẫn biếu lợn rừng”, anh nói.
Anh Đại cho hay, hai tháng trước, anh về trang trại lợn ở Hòa Lạc đặt đôi lợn. Tuy là khách quen nhưng thỉnh thoảng anh cũng tạt qua kiểm tra, xem họ nuôi chuẩn bằng thức ăn tự nhiên hay không. Tuy có tốn kém nhưng như vậy anh mới yên tâm. “Quà biếu sếp thì phải chuẩn vì sếp sành ăn lắm”. Ngoài ra, đồ khô để lai rai ngày Tết như thịt trâu khô, lạp xưởng hun khói,... cũng đắt khách, được nhiều gia đình khá giả chọn lựa.
Vietnamnet