Đây là bộ đàn đá cổ, quý giá được bảo tồn, gìn giữ trong suốt nhiều năm qua. Mỗi thanh đàn đá đều có một giá trị đặc biệt.
Theo Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn gồm 12 thanh ngắn, dài khác nhau (gọi là Đàn đá Khánh Sơn A và B) được phát hiện, sưu tầm vào năm 1979 từ gia đình ông Bo Bo Ren (Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà).
Đây là bộ đàn đá đặc sắc nhất, tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế bởi những giá trị văn hóa, âm nhạc vô cùng to lớn.
Đàn đá Khánh Sơn được cấu tạo từ một loại đá có tên gọi Rhyolit Porphyre có màu xám đen, độ cứng khá cao, luôn khô, được ghè đẽo thô sơ trên các phiến đá hình trụ.
Bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn vừa được công nhận là bảo vật quốc gia.
Tư liệu của Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa cung cấp cũng cho thấy, Khánh Sơn là địa bàn tụ cư lâu đời của đồng bào dân tộc Raglai thuộc hệ ngữ hệ Ma lai - Đa đảo.
Đàn đá được đồng bào Raglai dùng để xua đuổi muông thú, bảo vệ nương rẫy, mùa màng. Sau này, nó trở thành vật thiêng được sử dụng trong các lễ hội quan trọng của cộng đồng.
Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B là bộ hiện vật đàn đá mang tính độc bản, có giá trị lớn về mặt âm nhạc. Thang âm rộng với 12 thanh tạo thành chuỗi thanh âm liên tục (hoặc có thể tách ra thành 2 bộ A và B) từ thấp đến cao, có âm lượng đầy đặn, vang lên trong và đanh như tiếng sắt, tiếng đồng.
Đặc biệt, khi xếp hai bộ nối tiếp nhau theo thứ tự từ thấp đến cao thì 12 âm nối nhau như chỉ có một bộ duy nhất, tạo nên dàn âm thanh vô giá, khác biệt hẳn với các bộ đàn đá khác.
Sau khi phát hiện, bộ đàn đá Khánh Sơn A đã được đưa về nghiên cứu, bảo quản tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.
Sau đó, bộ đàn đá Khánh Sơn A và B đã được Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam bàn giao cho tỉnh Khánh Hòa vào ngày 27/3/2023.
Hiện bảo vật quốc gia đàn đá Khánh Sơn được giữ gìn, bảo quản nghiêm ngặt tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa.