- Đáng giật mình! Nhưng giật mình hơn là ở ta, tỉ lệ công chức, viên chức trên đầu dân cao như thế nhưng việc quản trị hành chính công và kinh tế đất nước phát triển thế nào? Nhưng nghe nói từ lâu chúng ta đã có chính sách giảm biên chế?
- Vẫn phát biểu của ông Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết TW 6 khoá XII thì: “Theo Nghị quyết 39 mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm phải giảm 140.000 - 150.000 người, thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn”.
- Trời! Tăng biên chế hàng chục ngàn người thì sức nào mà nuôi cho nổi cán bộ quan chức, nợ nần chồng chất là phải.
- Không chỉ tăng biên chế mà tăng đến khó hiểu cán bộ lãnh đạo. Nhiều cơ quan tăng cấp phó đến mức không thể tin nổi, có vụ thuộc bộ nọ có đến 19 hàm phó vụ trưởng. Báo đăng có cục, sở, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên...
- Ai cũng thấy mà sao vẫn tồn tại được suốt bấy lâu nay, khác gì thách thức dân chúng và Nhà nước. Nhiều thế mà nơi nào cũng kêu là không đủ phó để đi họp.
- Không lẽ quan chức được bổ nhiệm là để đi họp chứ không phải để quản lý công việc? Họp và họp liên miên chỉ biến quan chức thành người truyền đạt. Tổ chức vận hành một bộ máy mà chỉ toàn họp thì đó là một sự thất bại.
Hai Phiếm ngửa mặt lên giời mà rằng:
- Bao giờ đất nước giảm bớt gánh nặng dân phải “cõng” cán bộ nhà nước như thế này!
- Đâu phải chỉ “cõng” gánh nặng nuôi cơm, mà quan trọng hơn là phải “cõng” cả những bất cập, tiêu cực khi càng dư thừa, càng lắm người “chỉ đạo”, ít người làm việc thì bộ máy trì trệ chưa kể nếu có “chạy ghế” thì người ta phải nhũng nhiễu, tham nhũng để “hồi vốn”!