Ðã lâu rồi tôi mới được đọc một tập thơ không chỉ để thưởng lãm cái hay, cái đẹp của ngôn từ mà còn để ngẫm cái sự tình trong ý. Có điều, cái sự tình ấy lại chỉ được toát lên từ cái hay, cái đẹp của lời. Thiết nghĩ, thơ ta từ lâu đã không có được điều ấy là bao. Mới vỡ ra rằng Trần Nhuận Minh là người mạnh mẽ đến quyết liệt không chỉ trong việc đổi mới thơ mà quan trọng hơn là làm lại chính mình mà không cần quan tâm đến lý thuyết về các trào lưu, trường phái hay chủ nghĩa nào sất.
Trong Đối thoại văn chương giữa Trần Nhuận Minh và Nguyễn Đức Tùng (Canada), ông bảo rằng giai đoạn từ 1960 - 1986 là thời kỳ “tập sự” làm thơ, viết những cái mà cuộc sống cần phải có như thế. Còn từ sau 1986 là “tôi viết về những cái mà mình cần phải có ở tác phẩm của mình”. Trần Nhuận Minh từng chia sẻ về việc phân chia quá trình sáng tác thành 2 giai đoạn: “Và hình như trong thế hệ cầm bút với tôi, không có ai sự phân chia đó lại rõ ràng như tôi. Và thái độ cũng quyết liệt như tôi trong việc tự làm lại mình từ đầu”.
Quả thật, sau khi đọc 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, điều ấy được thể hiện rõ hơn không chỉ trong từng câu chữ, mà còn trong tư duy thơ của ông đã đổi khác nhiều so với những gì trước đây ông đã từng, từ việc tạo ý, lập tứ đến bố cục tác phẩm; từ ngôn ngữ đến hình tượng; từ giọng điệu đến khúc thức đều là của riêng Trần Nhuận Minh. Mới, rất mới! Và dường như duy chỉ có ông làm được như vậy. Tóm lại, ông đã thay đổi hoàn toàn cảm quan về thế giới. Tức là thế giới trong mắt thi nhân là thế giới tồn tại như nó vốn có chứ không phải tồn tại theo cái mà người ta cần. Chất hiện thực đời sống trong thơ ông ở giai đoạn trước là những điều mắt thấy tai nghe, có thể cân đo đong đếm được, người ta thường gọi là hiện thực hữu hình. Còn cái hiện thực ở giai đoạn sau là hiện thực của cảm và nghĩ. Càng cảm, càng nghĩ thì càng thấy vời vợi xa và thăm thẳm sâu, đấy là hiện thực vô hình. Theo tôi, ở giai đoạn sau, nhất là trong tập 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, Trần Nhuận Minh không viết thơ, làm thơ mà là sống thơ, cảm và nghĩ thơ, bất cứ ở đâu, lúc nào.
Có người hỏi tại sao lại cứ phải 45 khúc đàn bầu mà không là 46 hay 44, 50... Đọc kỹ 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh thì không quá khó để thấy rằng tổng hai chữ số 4 và 5 bằng 9. 9 là số của đạo, chẳng hạn như 9 vía, 9 kiếp tiền duyên. Lại nữa, vì sao không là 45 khúc đàn ghi-ta, đàn organ... mà cứ phải là đàn bầu. Bởi đàn bầu là nhạc cụ biểu trưng cho dân tộc Việt, tiếng đàn bầu là hồn cốt của người Việt từ hàng ngàn năm nay. Còn cái vô danh ư? Chính là cái danh không mặc định được, nó là vô cùng, vô tận, là MỘT và cũng là MUÔN, là TẤT CẢ. Chỉ riêng ẩn ý chứa trong tên của tập thơ, không phải ai cũng có thể dễ dàng hiểu thấu ngay được.
Trong 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, theo tôi, có hai mạch chính. Thứ nhất là mạch trữ tình chiêm nghiệm: Con người là những giọt nước mắt/ Của Đấng Âm U rơi xuống trần gian/ Giọt nước mắt bên phải là đàn ông/ Giọt nước mắt bên trái là đàn bà/ Chúng lẫn trong nhau/ Mà hóa ra bát ngát...
Hay: Dửng dưng với đói rét đau thương/ vương triều đổ nát/ Dửng dưng với cõi người/ quẩn quanh nhợt nhạt/ Dửng dưng với trăng sao/ giả dối tầm thường... Non sông dù đã thay/ Mặt người thì vẫn cũ/ Đi hết một vòng đời/ Lại gặp mình thuở nhỏ...
Hoặc: Buông trên vai Em/ Mà đêm mượt như nhung/ Lọc qua áo Em/ Mà hương trời thơm vậy/ Những ngôi sao yêu nhau ríu rít ở trên cành/ Ta đứng chờ Em bạc cả sắc thu xanh... Khát vọng Tự Do và nỗi cô đơn thăm thẳm/ Thấm vào tôi từ tuổi trong lành...
Rõ ràng âm hưởng trữ tình trong những câu thơ trên không phải là sự mủi lòng của những người dễ xúc động, mau nước mắt. Trái lại, cái trữ tình ở đây đầy tính chiêm nghiệm của một người từng nếm trải nhiều thăng trầm của cuộc đời.
Mạch thứ hai là tự sự khái quát, mang tính tổng kết kinh nghiệm và suy tư về cuộc đời. Nhưng cái tài của Trần Nhuận Minh là ở chỗ những nghịch lý muôn thuở của cuộc sống được ông nhìn nhận ở cả hai chiều kích có lý và phi lý sắc lẹm khiến người đọc phải quặn đau và mất ngủ: Chỉ cần đoàn kết, chẳng cần tài năng/ Cây cỏ thu mình trong hàng rào danh dự/ Bông hoa không thể nở ở ngoài tường... Hay: Tổ tiên đã chết ở đây/ Những gò đống cỏ xanh/ Nay đã ủi đi rồi/ San sát vũ trường/ sân gôn/ quán nhậu/ Còn sót lại một cánh cò trắng mong manh/ Thấp thoáng bay/ Trong ráng đỏ chiều hôm/ không tìm ra chỗ đậu... Hoặc là: Những con lợn/ Nuôi bằng thai nhi nạo/ Khi bị chọc tiết/ Khóc như người...
Có lẽ không cần bình luận gì nữa, mà tôi xin dành những câu thơ này để bạn đọc cảm nhận. Một khi nói thêm chưa hẳn đã hay và rõ hơn, mà có khi còn che lấp mất cái tươi rói, sự ám ảnh toát ra từ văn bản tác phẩm thì cách tốt nhất là không nên nói. Chỉ biết rằng với 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, Trần Nhuận Minh đã làm một bước nhảy từ cái tự nhiên của ta, cho ta (thực) sang cái tự nhiên của nó, tự nó (ảo) đúng như ông đã từng nói với các nhà báo rằng: Hai tập thơ đầu thế kỷ này của tôi là Bản xônat hoang dã và 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, tôi viết về đời sống thứ hai của con người. Ở đây, khái niệm nhân dân đã được thay thế bằng (khái niệm - Đ.N.Y) con người. Đó là đời sống văn hóa và tâm linh với những đúc kết, suy tưởng, chiêm nghiệm... Nó là hồn vía của cái thực. Cái thực không nhìn bằng mắt mà nhìn bằng hồn. Nó ảo...
Nhân dân, trong một góc nhìn nhất định cũng là con người. Bởi “nhân” có nghĩa là “người”. Nhưng ở một góc nhìn khác, khi Trần Nhuận Minh nói “khái niệm nhân dân đã được thay thế bằng (khái niệm - Đ.N.Y) con người” thì khái niệm “con người” rộng lớn và khái quát hơn. Nó không còn lẫn với các thuật ngữ chính trị - xã hội mà đã tách ra thành một thuật ngữ của thơ mang giá trị triết học và tâm linh. Thực chất diễn trình văn chương Việt không mấy người làm được như vậy. Bởi lẽ khi thơ, với phần đông người đời, còn là sự phản ánh những cái mình nghe, mình thấy, dù đấy là những cái hay, cái đẹp cần ngợi ca, khuyến khích hay là những cái dở, cái xấu cần phải lên án và xóa bỏ thì đích thị đấy vẫn chỉ là thơ thuộc thế giới của ta, cho ta, nghiêng về cái có ích, cần phải có. Còn khi thơ và người thơ đã vượt qua được ngưỡng ấy, tiệm cận với thế giới bản thể, tức bản thân thế giới là “bất sở cầu”, tồn tại vì chính bản thân nó giống như “hoa nở vì hoa không phải vì mùa” thì đích thị đấy mới là thế giới tự nó. Một thế giới “tự nhiên như nhiên”. Tôi đồ rằng không có nhiều người làm được như vậy trong diễn trình thi ca Việt đương đại.
Đỗ Ngọc Yên