Dân bảo sai, xã nói “chuẩn”

21-09-2013 20:40 | Xã hội
google news

Di tích lịch sử Thành cổ Luy Lâu với những giá trị lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đang dần trở thành phế tích do bị lấn chiếm, xâm hại nghiêm trọng. Xung quanh câu chuyện quy hoạch, bảo vệ và trùng tu di tích này đang tồn tại hai quan điểm trái chiều cho thấy sự “vênh” nhau giữa người dân địa phương và chính quyền sở tại.

Di tích lịch sử Thành cổ Luy Lâu với những giá trị lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đang dần trở thành phế tích do bị lấn chiếm, xâm hại nghiêm trọng. Xung quanh câu chuyện quy hoạch, bảo vệ và trùng tu di tích này đang tồn tại hai quan điểm trái chiều cho thấy sự “vênh” nhau giữa người dân địa phương và chính quyền sở tại.

Thành cổ - dân “xà”, xã cũng… “xẻo”

Quần thể di tích thành cổ Luy Lâu thuộc thôn Lũng Khê, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bao gồm ngôi chùa Phi Tướng, đền thờ Nam Giao Học Tổ Sỹ Nhiếp và một hệ thống tường thành bao quanh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt, gắn liền với thời kỳ giặc phương Bắc xâm lược nước ta từ Tây Hán đế n nhà Đường. Theo các tài liệu cổ, thành Luy Lâu có cấu trúc dạng hình học chữ nhật quy mô lớn với lũy, hào, cửa, vọng gác... với diện tích khoảng hơn 10ha, nằm hơi chếch theo hướng Tây Nam.
 
Phía Đông thành nằm trọn trong thôn Lũng Khê. Phía Tây và một phần phía Bắc thành giáp xã Trí Quả, phía Nam giáp xã Thanh Khương, phía Tây và Nam thành có con sông Dâu lại là một ngoại hào tự nhiên bao bọc tòa thành, đồng thời là đường giao thông thủy rất quan trọng. Trước đây, 4 góc thành có 4 trạm gác gọi là “Tứ trấn", ở đoạn giữa phần quay ra sông Dâu có một ngôi nhà nhỏ gọi là vọng Giang Lâu với lối kiến trúc thời Lê Mạt. Nhiều công trình nghiên cứu, khảo cổ của các nhà khoa học đã chỉ rõ Luy Lâu không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm kinh tế - thương mại, trung tâm văn hóa - tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của Việt Nam. Nhận thức được những giá trị lịch sử, văn hóa có ý nghĩa hết sức đặc biệt của quần thể di tích này, thành cổ Luy Lâu đã sớm được Nhà nước đầu tư, nghiên cứu, bảo vệ và xếp hạng ngày 13/1/1964 theo Quyết định số 29/VHQĐ công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1964.
 
Tuy nhiên, tòa thành hiện nay chỉ còn lại một bãi đất trống với một đoạn tường thành còn sót lại, những di tích mộ táng, khu cư trú, hào sâu, thành đất cao, tất cả đều đã và đang bị con người xâm hại, lấn chiếm. Nhiều hạng mục công trình tại chùa Phi Tướng đang xuống cấp nghiêm trọng, bờ thành bị một số hộ dân san lấp, lấn chiếm làm đất canh tác nông nghiệp, tình trạng họp chợ nhếch nhác chiếm dụng lối vào thành đã tồn tại từ nhiều năm nay. Đặc biệt, một số hộ dân nằm trong khu vực thành cổ còn được cấp cả... sổ đỏ để xây nhà và sinh sống ổn định trong nhiều năm nay. Trong khi những bất cập, tồn tại nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến cho quần thể di tích lịch sử quốc gia này bị xâm hại nghiêm trọng thì mới đây, chính quyền sở tại lại chỉ đạo cho người đập toàn bộ chữ nổi của 6 mặt câu đối trên 2 cột, xóa bỏ dòng chữ chỉ dẫn lối vào thành trên cổng vào và thay vào đó là dòng chữ khác, đồng thời thay đổi vị trí bảng chỉ dẫn ra cách đó chừng 300m khiến nhiều người dân địa phương vô cùng bức xúc.
Dân bảo sai, xã nói “chuẩn” 1
 Ngay lối cổng vào sát tỉnh lộ 282 là tình trạng lộn xộn do người dân họp chợ.

Ai cũng bảo m.nh đúng!

“Những chữ trên cổng được viết bằng cả chữ nho và chữ Quốc ngữ, dịch nguyên văn từ văn bia đặt tại chùa Phi Tướng với mục đích chỉ dẫn, giới thiệu cho mọi người biết nơi đây có thành cổ Luy Lâu, chùa Phi Tướng và đền Sỹ Nhiếp chứ trước đây chưa có cổng chỉ dẫn thì không có nhiều người biết đến thành cổ Luy Lâu tồn tại ở khu vực này. Vậy mà chính quyền xóa bỏ hết các chữ chỉ dẫn lối vào thành trên cổng vào. Tôi cho đó là việc làm vùi lấp lịch sử...”, ông Nguyễn Văn Luận - hội viên Hội Người cao tuổi thôn Lũng Khê bức xúc. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Nam - Chủ tịch UBND xã Thanh Khương cho biết: “Việc chính quyền tiến hành đập bỏ các chữ trên cổng vào thành sát tỉnh lộ 282 và sơn phủ toàn bộ, thay thế bằng dòng chỉ dẫn mới là hoàn toàn đúng. Bởi từ xưa đến nay chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh đó là đường vào khu thành cổ Luy Lâu. Con đường đó mới được hình thành từ khoảng năm 2009 – 2010 và cổng thành cũng được xây dựng tự phát. Trên thực tế thì phải đập bỏ toàn bộ cổng.

Tuy nhiên, sau khi họp, chính quyền thống nhất chỉ thay đổi nội dung, không ghi thành cổ Luy Lâu mà chỉ ghi là đường vào chùa Phi Tướng. Chúng tôi cũng quyết định làm một biển chỉ dẫn sát tỉnh lộ 282, cách đó khoảng 300m. Đó mới là đường vào thành cổ từ xa xưa. Còn việc người dân được cấp sổ đỏ và sinh sống tại đó thì quả thực xã cũng không giải quyết được. Nếu tỉnh bố trí được đất tái định cư cho các hộ này thì xã mới có thể thu hồi được”.

Đối lập với quan điểm của vị chủ tịch xã này, nhiều hội viên Hội Người cao tuổi của 3 thôn Lũng Khê, Thanh Khương, Thanh Hoài lại cho rằng đường vào thành cổ Luy Lâu từ xa xưa chính là con đường tồn tại cổng vào vừa bị xã đập bỏ và thay đổi dòng chữ chỉ dẫn. Ông Nguyễn Văn Lâm - đại diện Hội Người cao tuổi khẳng định: “Đường vào thành cổ Luy Lâu chính là con đường hiện tại có cổng vào ngay sát tỉnh lộ 282 vừa bị chính quyền đập bỏ các chữ chỉ dẫn trên đó và thay đổi hiện trạng. Từ thời ông cha chúng tôi đã đi vào khu thành cổ bằng lối đi ấy. Nếu chính quyền khẳng định đó không phải lối vào thành từ xa xưa, chúng tôi có thể chứng minh với xã về quan điểm của mình...”.

Khi những bất cập trong công tác quản lý và quy hoạch, bảo vệ khu di tích thành cổ Luy Lâu còn chưa được giải quyết triệt để thì việc chính quyền thay đổi hiện trạng chỉ dẫn trên cổng vào và gắn biển chỉ dẫn ở vị trí khác càng khiến dư luận địa phương thêm bức xúc. Rõ ràng ngay trong sự việc này, quan điểm của chính quyền sở tại và người dân đã có sự “vênh” nhau hay đối lập hoàn toàn. Để giải quyết những vấn đề này cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý cấp cao hơn nhằm có sự thống nhất quan điểm giữa chính quyền và người dân địa phương trong việc bảo vệ, trùng tu cũng như quảng bá về một quần thể di tích lịch sử quốc gia có ý nghĩa đặc biệt này.

THÀNH NGUYỄN – THANH XUÂN

Ý kiến của bạn