Ký ức về loài cá hiếm
Đứng bên dòng suối Nậm Ngân chảy từ thượng nguồn núi Pù Hiêng, ở khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống, hồi tưởng ký ức đẹp một thời, ông Vi Quang Vinh, người dân bản Xốp Kho, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An) đưa tay vẽ một vòng rồi kể từ xa xưa đây là một trong những khu vực có nhiều cá mát nhất giữa đại ngàn Pù Huống.
Với người Thái, loài cá chỉ sống trong con suối lạnh này là sản vật thiêng liêng mà trời đất ban tặng cho họ. Không người dân nào ở đây lớn lên mà không biết những buổi đi săn cá mát để cải thiện bữa ăn gia đình. Không ngôi làng nào không dùng cá mát làm món ăn quý mỗi dịp cúng tế, lễ hội… Người dân nơi đây mang ơn loài cá này bởi nó tạo nên truyền thống văn hóa của địa phương.
"Cá mát theo tiếng Thái là "pá khỉnh", loại cá này chỉ sống ở vùng nước chảy, sạch, ăn rong rêu. Ngày còn nhỏ, tôi thường theo cha ra suối săn cá. Cách bắt cá rất dân dã mọi người thường áp dụng là "chụp", hoặc người đi trước nhặt đá ném, người đi sau ngụp bắt cá trong các hốc đá, hốc cây", ông Vinh kể.
Khoảng hơn 10 năm trước, ông đã không đi "chụp" thì thôi, chứ đi thì lúc nào cũng mang về vài ba cân cá. "Giờ cá vẫn còn đó nhưng để bắt được không dễ như trước đây mà phải dùng đủ kiểu lưới chài, bắt tay, thậm chí kích điện và đánh bắt bằng mìn. Ngoài cách đánh bắt đó, nhiều người sử dụng lá cơi (một loại lá cây rừng) mang về giã nát, ném xuống suối. Sau khi ném loại lá này xuống, nước chảy đến đâu, cá tôm chết đến đó. Những kiểu đánh bắt này đã hủy diệt nguồn lợi thủy sản ở các con suối của Nậm Ngân, Nậm Kho", ông Vinh buồn bã nói.
Ông Lương Văn Thuyết, Trưởng bản Xốp Kho, tỏ ra tiếc nuối khi nhắc về loài cá này. Theo ông, trước khi bị những người dân trong xã và nhiều xã khác mang dụng cụ lên khai thác, trên những dòng suối Nậm Ngân, Nậm Kho quanh năm cá bơi từng đàn.
Hương ước của các bản tại nhiều xã giữa đại ngàn Pù Huống quy định rõ từng thời điểm trong năm mới được đánh bắt cá.
"Hồi đó, rừng ở đây còn rất hoang sơ, thâm u, cá dưới suối rất nhiều. Đây là loài cá quý hiếm và có giá trị kinh tế cao bởi thịt cá trắng, thơm, không tanh, lành và nhiều chất dinh dưỡng. Người dân chế biến nhiều món ăn đặc trưng từ loài cá này như, cá nướng, gỏi cá, lạp cá… Cuộc sống ngày đông dân cư thêm và những suối cá theo thời gian cũng cạn kiệt dần!", ông Thuyết kể.
Giao thông, đường sá ngày càng thuận lợi, cá mát ở miền Tây Nghệ An càng "xuôi" nhiều về phố. Thịt cá ngon nên được giá, nhưng mấy năm gần đây, cá ít hẳn. Cá mát sinh trưởng khá nhanh, nhưng chỉ mới bằng ngón tay đã bị bắt hết và chúng cũng dần bị cạn kiệt nếu không có phương án bảo tồn", ông Thuyết nói.
Cứu cá, giữ mạch nguồn văn hóa
Trong đời sống văn hóa ẩm thực người Thái, Khơ Mú, Tày Poọng... cá mát là thứ không thể thiếu trong những dịp trọng đại của người dân và bản làng. Đó là món ăn mà người dân xem là đặc sản để thết đãi khách quý như một sự tự hào của gia đình, thôn bản…. Bởi vậy, trước nguy cơ tận diệt, từ đầu năm 2020, dân bản ở bản Xốp Kho, xã Nga My triển khai mô hình bảo vệ loài cá mát và môi trường thủy sinh, dân bản vốn thạo từng con suối, từng vách đá đã xung phong tham gia.
Đến nay, trên địa bàn huyện Tương Dương có 15 xã với gần 50 bản triển khai mô hình bảo vệ loài cá mát và nguồn lợi thủy sản với tổng số gần 70km chiều dài trên các dòng suối được thiết lập thành khu khoanh nuôi, bảo vệ. Không riêng gì huyện Tương Dương, từ nhiều năm trước, mô hình bảo vệ loài cá mát và nguồn lợi thủy sản trên suối đã triển khai ở các huyện miền núi Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu…
Cá mát nướng của người Thái khiến nhiều người mê mẩn. Thịt cá mát trắng, thơm, không tanh, lành và nhiều chất dinh dưỡng.
Ông Kha Văn Lập, Bí thư Đảng ủy xã Nga My cho biết, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có 11.300 ha nằm trên địa bàn xã. Cả xã có hơn 1.110 hộ sinh sống ở 9 bản, trong đó có 4 bản nằm trong vùng đệm của khu bảo tồn.
"Sau nhiều năm triển khai, mô hình bảo tồn này đã được người dân các bản thực hiện rất hiệu quả, góp phần bảo vệ loài cá mát, môi trường thủy sinh và đa dạng sinh học trên các dòng suối. Thành công từ những mô hình đầu tiên ở các bản Xốp Kho, Bay, Canh… đã được nhân rộng và duy trì hiệu quả", ông Lập cho biết.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Nga My, các bản vùng lõi của đại ngàn Pù Huống như Na Ngân và Na Kho, ý thức của người dân trong việc bảo vệ cá mát và nguồn lợi thủy sinh rất cao. Nhiều năm qua, cộng đồng dân cư nơi đây đã từ bỏ kích điện và không còn đắp bờ hay ngăn dòng chảy trên các suối.
Trưởng bản Xốp Kho, ông Lương Văn Thuyết, kể thêm rằng mô hình bảo vệ loài cá mát do cộng đồng dân bản quản lý và thụ hưởng nên mọi người đều ủng hộ, tham gia tích cực. Mỗi năm dân bản sẽ cho một nhóm người thuê một phần diện tích khu vực khoanh nuôi để thu bắt cá mát. Mỗi năm từ 1 đến 2 lần, mỗi lần diễn ra trong một ngày. Khi đánh bắt, những người tham gia chỉ được dùng các dụng cụ chài, lưới, nơm…để bắt cá. Số tiền bán cá dân bản sẽ gây quỹ để chi cho sinh hoạt cộng đồng bản.
Cầm quy ước bảo vệ các loài cá trên tay, Trưởng bản bản Khe Quỳnh, xã Xiêng My Ngân Văn Trọng cho biết, không dám nghĩ, quy ước bảo vệ cá lại thành công như vậy. Gần 3 năm qua, việc khoanh nuôi bảo vệ cá mát và nguồn thủy sản trên các dòng suối đã được người dân trên địa bàn chung tay thực hiện. Nhờ đó, nguồn cá mát đã phục hồi, phát triển nhanh chóng. "Để bảo vệ cá, dân bản chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra trên các con suối để ngăn cấm các hành vi khai thác trái quy ước của bản đã lập nên. Giữ được cá mát là giữ được nguồn sống, giữ được mạch nguồn văn hóa…", ông Trọng quả quyết.
Trải rộng trên diện tích hơn 46.460ha thuộc 15 xã của 5 huyện miền núi phía Tây Nghệ An, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống là 1 trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007.
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, khu bảo tồn hiện có gần 570 loài động vật, trong đó 69 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 51 loài nằm trong Danh lục đỏ IUCN 2020 và 36 loài thuộc công ước CITES. Khu vực này cũng có hơn 1.800 loài thực vật, với 76 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 15 loài trong Danh lục đỏ IUCN 2020. Cá mát loài cá mát quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam.
Vùng đệm của Khu bảo tồn hiện có hơn 120 bản, trong đó dân tộc Thái chiếm hơn 90%. Mô hình bảo vệ loài cá mát và nguồn lợi thủy sản tại các bản đã đạt hiệu quả cao, góp phần hạn chế số lượng người vào rừng đặc dụng trong khu bảo tồn. Nhờ đó, môi trường sinh thái được bảo vệ tốt hơn, giảm thiểu các mối đe dọa như săn bắn, bẫy động vật hoang dã và các tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học trong khu bảo tồn cũng giảm rõ rệt.