Hà Nội

Đàm phán thương mại Mỹ Trung: vào cuộc đua nước rút

17-02-2019 08:55 | Quốc tế
google news

SKĐS - Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ Trung đang có những tiến triển tốt là nhận định của cả hai bên tham gia đàm phán. Kết quả được coi là “khả quan” nhất trong đàm phán giữa hai bên là Tổng thống Mỹ mở ra khả năng gia hạn “đình chiến” thương mại Mỹ Trung.

Thắp lên tia hy vọng

Truyền thông Trung Quốc đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng sau cuộc đàm phán kết thúc vào trung tuần tháng 2. Tân hoa xã của Trung Quốc nhận định, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã “đạt được những tiến bộ quan trọng” để chuẩn bị cho vòng đàm phán mới tại Washington, Mỹ vào tuần này.

Chỉ còn 2 tuần nữa là thời hạn chót mà Mỹ đưa ra cho Trung Quốc là sau ngày 1/3, Mỹ sẽ nâng thuế quan bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% hiện nay lên 25%. Nếu Trung Quốc không có những cải tổ cơ cấu chuyển giao công nghệ, vấn đề sở hữu trí tuệ hay trợ cấp công nghiệp.

Tổng thống Mỹ lạc quan về triển vọng đàm  phán Mỹ Trung

Có người còn ví các cuộc đàm phán thương mại Mỹ Trung giống như một cuộc “chạy đua marathon đang vào giai đoạn nước rút”. Quả đúng như vậy, chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là thời hạn chót của “thỏa thuận đình chiến” thương mại Mỹ Trung sẽ điểm, nhưng “bộ mặt” của thỏa thuận thương mại Mỹ Trung vẫn chưa lộ diện. Dự liệu được những khó khăn trong đàm phán không thể đến “một sớm một chiều”, người đứng đầu Nhà Trắng lần thứ hai trong vòng 1 tuần qua đã khẳng định sẽ gia hạn thêm thời gian “đình chiến” để hai bên đi tìm một thỏa thuận thương mại.

Năm 2018, Mỹ đã áp thuế 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thuế đã giúp Mỹ thu được hàng tỷ USD. Nhà kinh tế học Wally Tyner, Đại học Purdue cho rằng,  Mỹ và Trung Quốc mỗi nước đã thiệt hại khoảng 2,9 tỷ USD trong năm 2018 do thuế quan của Bắc Kinh áp lên các mặt hàng nông sản gồm đậu tương, lúa mỳ và cao lương từ Mỹ.  Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng xấu tới Trung Quốc. Thực tế hàng rào thuế quan sẽ không chỉ nhằm vào Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới cả người tiêu dùng Mỹ bởi họ sẽ là người trả cuối cùng để mua hàng hóa Trung Quốc với giá cao ngất ngưởng.

Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung kéo dài suốt 7 tháng qua đã góp phần ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tăng  trưởng kinh tế (GDP) của Trung Quốc chỉ đạt 6,6%, thấp nhất trong gần 30 năm qua. Sự tụt dốc của nền kinh tế Trung Quốc sẽ khiến nước này phải có những động thái nhằm vực dậy tình hình và một thỏa thuận thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ là điều mà Trung Quốc mong đợi đạt được.

Liệu 2 nhà lãnh đạo Mỹ Trung có gặp nhau lần nữa để tìm tiếng nói chung giải quyết tranh thương mại?

Vượt qua khoảng cách?

Trong cuộc đàm phán cấp cao vừa diễn ra,  Mỹ hướng các cuộc thảo luận tập trung vào các vấn đề mang tính cấu trúc liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, nông nghiệp, dịch vụ, hàng rào phi thuế quan và tiền tệ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương.  Tính đến nay, Trung Quốc chỉ có những động thái rất nhỏ để xoa dịu Mỹ, tạo động lực cho đàm phán như nối lại việc mua từ đậu tương của Mỹ, đến cả máy bay trực thăng của nước này.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 2,4% so với năm ngoái, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đã tăng hơn 40%, nhưng Chính quyền Mỹ nhận thấy còn tồn tại nhiều vấn đề, đơn cử như trong danh sách các sản phẩm Mỹ nhập từ Trung Quốc có các bộ phận của lò phản ứng hạt nhân hay động cơ máy bay… với giá trị hàng hóa lên tới 50 tỷ USD mỗi năm, điều này sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Mỹ.

Hiện những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại vẫn còn có một khoảng cách. Trong khi Mỹ muốn công bố tên các doanh nghiệp quốc doanh mà Trung Quốc trợ cấp thì bị Trung Quốc từ chối. Reuters dẫn tin từ một số người tham gia đàm phán giấu tên cho rằng, Trung Quốc cam kết dừng tài trợ cho công nghiệp mà bị cáo buộc là vi phạm tự do cạnh tranh, nhưng biện pháp cụ thể thế nào hai bên vẫn chưa có sự thống nhất…. Đây chính là lý do mà các bên đều mong muốn tìm kiếm một nghị định thư, mở đường cho một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo để giải quyết các vấn đề mấu chốt nhất giữa hai nước tiến tới một thỏa thuận kết thúc chiến tranh thương mại đang “phủ bóng đen” lên nền kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh Trung Quốc cần thỏa thuận để tạo động lực cho nền kinh tế, còn người đứng đầu Nhà Trắng cần có một thỏa thuận có lợi để chứng minh cho cử tri và những người ủng hộ mình trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống vào năm tới sắp bắt đầu thì khả năng có một thỏa thuận thương mại Mỹ Trung càng mở ra.


Hải Yến
Ý kiến của bạn