Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon dẫn đầu đoàn đàm phán liên Triều và phái đoàn của Triều Tiên do ông Ri Son-gwon, Chủ tịch Ủy ban thống nhất Hòa bình Triều Tiên (CPRK) làm trưởng đoàn, đã bắt đầu đàm phán lúc 10h sáng qua. Nội dung chủ yếu của cuộc gặp là thảo luận việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon cho biếtTriều Tiên sẽ nỗ lực hết sức để biến kỳ thể thao này thành lễ hội hòa bình và trở thành bước đi đầu tiên hướng tới cải thiện mối quan hệ liên Triều. Trong bối cảnh quan hệ liên Triều căng thẳng một thời gian dài, cuộc đàm phán lần này được cho là bước đầu hàn gắn lại rạn nứt bấy lâu nay. “Thật tốt biết mấy nếu các mối quan hệ có thể dần được cải thiện”, một người dân Hàn Quốc được hãng tin Anh Reutersphỏng vấn cho biết.
2 trưởng đoàn đàm phán liên Triều gặp nhau tại Bàn Môn Điếm ngày 9/1.
Câu hỏi đặt ra hiện nay, là 2 miền Triều Tiên có xích lại gần nhau sau tín hiệu lạc quan này hay không? Những ngày đầu năm 2018 là kết quả của những tín hiệu tích cực giữa hai miền Triều Tiên, đặc biệt là sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để ngỏ khả năng cử một phái đoàn tham gia Thế vận hội mùa Đông và đường dây nóng giữa hai miền được mở lại cuối tuần trước. Phía Hàn Quốc mong muốn đối thoại lần này không chỉ giới hạn trong chủ đề Thế vận hội PyeongChang, mà còn thảo luận hai vấn đề khác là đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh Triều Tiên và giảm căng thẳng quân sự. Hiện, trưởng phái đoàn Hàn Quốc tham gia đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ông Lee Do Hoon đã lên đường tới Washington để thảo luận với giới chức Mỹ về cách giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Vậy liệu bầu không khí hòa hoãn có thể duy trì bao lâu giữa 2 miền Triều Tiên? Đây cũng chính là điều mà dư luận trông đợi vào cuộc gặp này.
Trong một diễn biến mới nhất, hôm qua (9/1), Triều Tiên đồng ý sẽ cử một phái đoàn lớn tham gia Thế vận hội Olympic mùa Đông tại PyeongChang diễn ra từ ngày 9-25/2 tới. Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung cho biết phía Hàn Quốc đã đề xuất trong tháng tới nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên, đồng thời tổ chức các cuộc đối thoại quân sự giữa hai miền.
Tuy nhiên, đàm phán liên Triều ngày 9/1 liệu có thể khai thông thế bế tắc hiện nay trong vấn đề Triều Tiên hay không, còn là câu hỏi đặt ra. Không phải ngẫu nhiên mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chọn ông Ri Son-gwon, người đứng đầu Ủy ban thống nhất Hòa bình Triều Tiên, một cơ quan chuyên trách quan hệ liên Triều làm trưởng đoàn. Giới phân tích cho rằng việc chọn một nhân vật cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng sẽ không dễ dàng nhượng bộ Hàn Quốc.
Về phần mình, Washington dù còn hoài nghi, song cũng thể hiện sự ủng hộ đối với tiến trình đối thoại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Hôm 8/1, Tổng thống Donald Trump còn tuyên bố “sẵn sàng điện đàm” với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. Rõ ràng, động thái trên cho thấy thái độ của Mỹ đã ôn hòa hơn rất nhiều so với trước đây.
Dư luận quan tâm xem động thái từ Trung Quốc, nước được cho là ảnh hưởng lớn nhất đến Triều Tiên sẽ ra sao? Trong một diễn biến mới nhất, Trung Quốc hoan nghênh đối thoại giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, sẽ là lạc quan nếu nói rằng đàm phán liên Triều ngày 9/1 sẽ thắp lại hòa bình. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cho biết, điều kiện tiên quyết của Mỹ để đối thoại là Triều Tiên phải dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể nói chuyện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Mà điều này, trên thực tế, là điều không bao giờ phía Triều Tiên chấp thuận.