Đàm phán Brexit thất bại – Anh rơi vào bế tắc

07-12-2017 17:10 | Quốc tế

SKĐS - Cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh tưởng như đã đi đến thời khắc quyết định, nhưng bất ngờ bị sụp đổ hoàn hoàn vì nguyên nhân xuất phát từ sự không thống nhất bên trong nội bộ nước Anh.

trở ngại đàm phán Brexit

Cuộc điện thoại vào giờ chót

Người ta đã mô tả về cuộc đàm phán giữa EU và Anh ở  thời điểm quyết định bị gián đoạn bởi một cuộc điện thoại mà vì nó, Thủ tướng Anh Theresa May đã quay 180 độ trước các nhà đàm phán EU, khiến thỏa thuận dự kiến đạt được bị đổ vỡ.

Trước thời điểm ngày 4/12, người ta đã đồn đoán và hy vọng đàm phán Anh rời khỏi EU (Brexit) sẽ khép lại một giai đoạn của tiến trình đàm phán Brexit, chuyển sang giai đoạn 2, đàm phán tương lai về quan hệ thương mại Anh và EU,  nhưng bất ngờ tất cả “tan thành mây khói” sau cú điện thoại của lãnh đạo đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) – đảng đang ủng hộ đảng Bảo thủ của Thủ tướng May tại Hạ viện.

Điều dư luận tò mò nhất là bà A.Foster, lãnh đạo DUP đã nói gì với bà May khiến Thủ tướng Anh phải ra quyết định như vậy. Đó là việc DUP không đồng ý với Chính phủ Anh đạt thỏa thuận mà ở đó vùng Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) tiếp tục theo các luật của EU, trong khi Anh rời khỏi EU. Đây được xem là một sự nhượng bộ của Chính phủ Anh về vấn đề biên giới, vẫn mở cửa biên giới giữa Bắc Ireland và CH Ireland.  Bà Foster tuyên bố: "Bắc Ireland phải rời khỏi EU với cùng điều khoản như phần còn lại của nước Anh. Chúng tôi không chấp nhận bất cứ sự ngoại lệ nào chia cắt Bắc Ireland với phần còn lại của nước Anh, cả về kinh tế lẫn chính trị. Sự toàn vẹn về kinh tế và hiến pháp của Anh không thể bị thỏa hiệp theo bất cứ cách nào".

Một trong những vướng mắc quan trọng nhất là điều khoản cho phép Bắc Ireland, một phần của Vương quốc Anh, nhưng vẫn ở lại  EU. Những người phản đối cho rằng thỏa thuận mà Chính phủ Anh đang dự kiến ký với EU đang tạo ra đường biên giới giữa Bắc Ireland và bản thân nước Anh cho dù Bắc Ireland thuộc về Vương quốc Anh.

Mặc dù đảng DUP,  chỉ có 10 ghế nghị sĩ trong Hạ viện Anh, nhưng Chính phủ của Thủ tướng May rất cần sự ủng hộ của đảng này trong các quyết sách quan trọng, đặc biệt là vấn đề Brexit.  Nếu Chính phủ Anh cương quyết bỏ qua yếu tố này, quyền nắm đa số ghế tại Quốc hội của Thủ tướng Anh có nguy cơ bị đe dọa.

Kịch tính vấn đề biên giới Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland

Để đạt được sự đồng thuận về vấn đề Bắc Ireland không hề đơn giản, bởi nó còn liên quan tới nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, lịch sử. Chính phủ Anh sẽ phải cân nhắc một cách thận trọng, chỉ cần một sự không thống nhất tiến trình đàm phán sẽ tiếp tục kéo dài.

Trở lại lịch sử, hòn đảo Ireland bị chia cắt từ năm 1922 với Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và nửa kia là Cộng hòa Ireland – phần không ngừng đòi thống nhất  hòn đảo.  Thỏa thuận hòa bình được ký năm 1998 xóa bỏ đường biên giới 2 bên, tuy nhiên vấn đề Brexit đang dựng trở lại đường biên giới đó. Khi Anh rời khỏi EU thì Bắc Ireland cũng phải rời khỏi khối – theo đúng nguyên tắc. Tuy nhiên các nhà đàm phán EU không muốn điều này xảy ra bởi sẽ gây nhiều hệ lụy về kinh tế và chính trị, thậm chí có thể khơi mào lại các cuộc xung đột lãnh thổ trong quá khứ.

Nhưng rõ ràng ở bên cạnh một quốc gia thuộc EU là CH Ireland, phần lãnh thổ Bắc Ireland sẽ trở thành bài toán khó đối với Thủ tướng Anh T. May. Một Chính phủ chưa đủ mạnh để có tiếng nói quyết định trong đàm phán khiến Anh rơi vào bế tắc. Hiện nay Thủ tướng May không chỉ chịu sức ép từ các nhà đàm phán EU mà còn nhận sức ép từ trong nước.

Thủ tướng May buộc phải rời khỏi đàm phán Brexit để quay trở lại thuyết phục các nghị sĩ DUP . Nếu không làm được điều này ngay cả Chính phủ của bà May cũng có khả năng sụp đổ. Còn neếu muốn thúc đẩy đàm phán tiến tới giai đoạn đàm phán thứ 2 về mối quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai trong Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra vào ngày 14/12 tới, bà May cần phải tìm được sự đồng thuận về vấn đề biên giới Ireland. Đồng hồ đếm tới thời điểm Brexit – Anh chính thức rời khỏi EU  (tháng 3/2019) – chưa bao giờ ngừng lại….


Ý kiến của bạn