Chia nhau miếng bánh mì ăn trưa lúc 15h chiều
Dù là nhà báo dày dặn kinh nghiệm hay phóng viên trẻ thì việc tác nghiệp các môn thi đấu tại SEA Games 31 chưa bao giờ là dễ. Để bắt trọn những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng để lan truyền đến bạn đọc, bè bạn quốc tế thì đòi hỏi mỗi nhà báo, phóng viên phải vận dụng hết những kinh nghiệm quý báu khi tác nghiệp.
Là một phóng viên trẻ, năng động và đã từng tham dự nhiều sự kiện lớn của đất nước cũng như TP. Hà Nội, Đặng Ngọc Tú (Báo Kinh tế - Đô thị) được lãnh đạo Báo tin tưởng giao trọng trách tác nghiệp các môn thi đấu tại SEA Games 31, nhằm mang lại những cảm xúc cho bạn đọc thông qua bài viết, hình ảnh, video. Chia sẻ về điều này, Đặng Ngọc Tú nói: "Là phóng viên ở bất cứ cơ quan nào, khi có sự kiện sắp diễn ra đều phải lên kế hoạch từ trước. Từ việc lên kế hoạch rồi đưa kế hoạch vào thực hiện như thế nào, ra sao là cả một quá trình, yêu cầu phóng viên phải tìm hiểu, tích lũy và đưa ra những phương án để vận dụng".
Anh cho biết thêm: "Hơn 10 ngày "ăn-ngủ" cùng SEA Games 31, các VĐV đã cho tôi những bài học quý giá với nghề từ việc xác định đề tài, bộ môn có gì đặc biệt và khả năng Việt Nam giành Huy chương Vàng hay không, cho đến chuẩn bị phương tiện tác nghiệp. Có quá nhiều yếu tố giúp phóng viên tác nghiệp thành công, nhưng có một điều tôi nghĩ đúng với bản thân là đam mê thể thao và trách nhiệm với công việc". Tại SEA Games 31 được tổ chức tại 11 tỉnh, thành phố, trong đó TP. Hà Nội được lựa chọn là địa điểm tổ chức Lễ Khai mạc và Bế mạc cùng nhiều môn thi đấu, chính vì vậy để có thể bắt trọn những khoảnh khắc đẹp và không bỏ lỡ các môn thi đấu, Đặng Ngọc Tú cùng các phóng viên khác trong cơ quan đã lên kế hoạch tác nghiệp chi tiết theo yêu cầu của cơ quan.
"Rõ ràng việc lập kế hoạch sẽ giúp phóng viên chủ động hơn trong công việc. Trong các môn được tổ chức, trừ những môn nổi bật như bóng đá, futsal, bóng chuyền... phóng viên sẽ phải sàng lọc những môn thi đấu trọng điểm, thuộc hệ thống môn thi đấu, từ đó sẽ lên kế hoạch di chuyển. Nếu như ở các tỉnh phải đi hết 1 ngày thì các môn ở Hà Nội sẽ khoanh vùng để thuận tiện di chuyển tác nghiệp", Đặng Ngọc Tú nhấn mạnh.
Do đặc thù của công việc, lịch thi đấu dày đặc và thường xuyên phải di chuyển nên chuyện ăn-uống của mỗi phóng viên đều ít ai nghĩ đến, Đặng Ngọc Tú nói: "Anh em phóng viên nhiều lần chia nhau miếng bánh mì dành để ăn trưa lúc 15h chiều". SEA Games 31 đã kết thúc thành công tốt đẹp nhưng nhớ lại những ngày đầy kỷ niệm ấy, có lẽ không chỉ riêng Đặng Ngọc Tú mà hàng trăm phóng viên, nhà báo trong nước và quốc tế đều đọng lại những ký ức không bao giờ quên.
12 ngày không quên cùng SEA Games 31
Nữ phóng viên trẻ Cao Oanh (Báo điện tử Dân Việt) đã từng tác nghiệp tại rất nhiều giải đấu trong nước và ngoài nước của môn bóng đá nam/nữ. Chính vì vậy, SEA Games 31 được xem là cơ hội hiếm có đối với Oanh khi được tổ chức tại Việt Nam. Chia sẻ về niềm vui, niềm hạnh phúc khi được tác nghiệp tại sự kiện thể thao lớn này, nữ phóng viên cho biết: "12 ngày ăn-ngủ cùng SEA Games quả thực là những ngày tôi không bao giờ quên được trong sự nghiệp của mình. Do đã từng tác nghiệp tại nhiều giải đấu bóng đá, tôi được tòa soạn giao trọng trách theo dõi các trận đấu môn bóng đá nam và nữ. Chính vì vậy, trong suốt thời gian diễn ra SEA Games tôi thường xuyên di chuyển đến các địa phương như: Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Ninh để tác nghiệp".
Cao Oanh cho biết, BTC SEA Games 31 đã tạo điều kiện rất nhiều cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, trong đó có việc bố trí xe đưa/đón đến các địa điểm trên để tác nghiệp nên giúp mỗi phóng viên cảm thấy yên tâm phần nào. Bên cạnh đó, việc di chuyển bằng xe tập trung cũng tạo cơ hội để mỗi phóng viên được giao lưu, học hỏi cũng như trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp trước mỗi trận đấu. Nhắc đến kỷ niệm của cá nhân mình trong suốt 12 ngày diễn ra Đại hội, nữ phóng viên này cho rằng, dù là nữ giới nhưng bản thân không bỏ lỡ bất kỳ trận đấu nào, cố gắng hết sức truyền tải thông tin nhanh, chính xác đến đông đảo bạn đọc. Đặc biệt, bản thân cô đã nhận không ít những sự quan tâm của các cầu thủ, Ban Huấn luyện 2 đội bóng.
Dù SEA Games 31 đã kết thúc nhưng "tiếng vang" về những chiến thắng, những niềm vui vỡ òa, giọt nước mắt hạnh phúc của các VĐV vẫn còn khiến nữ phóng viên không bao giờ quên. Cô cho biết, bản thân thật may mắn, hạnh phúc khi được chứng kiến những giây phút thăng hoa của Thể thao Việt Nam và những khoảnh khắc ấy lại được các nhà báo, phóng viên truyền tải đến đông đảo người hâm mộ khắp cả nước và bạn bè thế giới.
Những "chiến sĩ áo trắng" thầm lặng làm nên kỳ SEA Games thành công
Trước đây, nhà báo Đỗ Tuấn Anh (Báo Sức khỏe & Đời sống) thường tác nghiệp tại các sự kiện về văn hóa, xã hội và thường xuyên song hành cùng đội ngũ thầy thuốc chống dịch COVID-19. Vì vậy, khi được lãnh đạo Báo giao tác nghiệp tại SEA Games 31, anh cảm thấy mình may mắn và cũng là cơ hội thử thách đối với lĩnh vực khá mới này. Chia sẻ niềm vui của mình, nhà báo Đỗ Tuấn Anh nói: "Bản thân tôi có niềm đam mê về ảnh báo chí, chính vì vậy SEA Games 31 không chỉ là cơ hội mà còn là thử thách lớn đối với bản thân đối với lĩnh vực khá mới mẻ này".
Trước khi SEA Games 31 diễn ra, nhà báo Đỗ Tuấn Anh đã tự lên kế hoạch di chuyển, phối hợp cùng các đồng nghiệp để tác nghiệp một cách bài bản, ăn ý nhất. Anh cho biết: "Bản thân tôi là người "ngoại đạo" nên càng phải cẩn trọng trong lúc tác nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai tin, bài cũng cần để ý, học hỏi các phóng viên, nhà báo chuyên làm thể thao, để làm sao mình có thể thông tin một cách chính xác, nhanh và để lại ấn tượng cho bạn đọc khi bài được xuất bản". Nhà báo Đỗ Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, đội ngũ bác sĩ phục vụ cho SEA Games 31 là một phần không thể thiếu và có đóng góp vô cùng quan trọng, chính vì vậy trong quá trình tác nghiệp anh luôn đắn đo làm sao có thể truyền tải hết những hi sinh, vất vả của họ, tạo tiền đề để đóng góp cho thành công của Đại hội.
Tại SEA Games 31, hơn 1.000 cán bộ được huy động tham gia đảm bảo công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho hơn 7.000 VĐV thi đấu tại SEA Games 31. Tại mỗi điểm thi đấu, BTC luôn sắp xếp các bác sĩ, y tá, điều dưỡng có chuyên môn, kinh nghiệm trong cấp cứu chấn thương, thành thạo các kỹ năng hồi sức cấp cứu, vận hành máy sốc tim, cùng xe cứu thương với đầy đủ cơ số thuốc, bình oxy và các trang thiết bị, vật tư cấp cứu khác... Chính vì vậy, ngoài ghi nhận các môn thi đấu, anh luôn giành cơ hội sát cánh cùng lực lượng này để truyền tải tới bạn đọc. "Nhiều lần chứng kiến các VĐV bị thương, kiệt sức... là lực lượng y tế lập tức có mặt để sơ cứu, hồi sức, thậm chí phải đưa đến các cơ sở cấp cứu khiến bản thân tôi vô cùng xúc động", anh cho biết.
Nhà báo Đỗ Tuấn Anh nhận định, lực lượng y tế là những người có vai trò rất quan trọng tại các địa điểm thi đấu. Bản thân họ luôn phải ở trong trạng thái sẵn sàng để ứng biến khi cần thiết. Sự tận tâm và chu đáo của các bác sĩ vừa giúp VĐV bớt đau đớn khi chấn thương, vừa là nguồn động viên về tinh thần để họ có thể vượt qua giây phút khó khăn trong quá trình thi đấu đỉnh cao.
Cần hơn sự chuyên nghiệp từ người trẻ
"Gã đầu bạc" Phạm Quang Vinh (Báo Đại đoàn kết) được biết đến là nhà báo có thâm niên nhiều năm tác nghiệp tại tất cả các sự kiện lớn, trọng đại của đất nước cũng như đại dịch COVID-19 vừa qua, nhưng với SEA Games 31 anh lại khiêm tốn cho rằng: Không hề dễ như mình tưởng. Anh chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi tác nghiệp một kỳ SEA Games được tổ chức tại Việt Nam và cũng là lần đầu tiên tác nghiệp nhiều môn thi đấu nhất. Chính vì vậy, có những môn thi đấu đôi khi đã bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng. Nhưng ngay sau đó bản thân tôi đã phải quan sát, đánh giá lại để bắt trọn những giây phút quan trọng".
Đối với ảnh báo chí, ảnh thể thao thì khoảnh khắc luôn là mấu chốt của vấn đề, chính những bức ảnh này đã giúp bạn đọc, người dân cả nước và khắp thế giới biết đến SEA Games 31 nên bản thân nhà báo Phạm Quang Vinh luôn biết mình cần lựa chọn địa điểm, khoảnh khắc nào để quyết định bấm máy. "Rất nhiều khoảnh khắc đẹp, gây ấn tượng mạnh đã được nhiều đồng nghiệp ghi lại trong quá trình diễn ra SEA Games 31. Bản thân tôi may mắn khi chứng kiến các "cô gái vàng" của bộ môn Taekwondo giành chiến thắng vào chiều 17/5. Các cô gái đã ôm nhau khóc nức nở trong vui sướng, đó là những giọt nước mắt của niềm vui, của hạnh phúc. Và đặc biệt, trong số đó có 1 VĐV trong kỳ SEA Games 30 được tổ chức tại Philippines đã bỏ lỡ HCV trong những giây cuối cùng", nhà báo Phạm Quang Vinh nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm tác nghiệp những sự kiện lớn như SEA Games 31, nhà báo Phạm Quang Vinh cho rằng, phóng viên trẻ ngoài sự dấn thân, tay nghề tốt cần đòi hỏi kinh nghiệm để có thể tác nghiệp thành công một trận đấu tại SEA Games cũng như các sự kiện lớn. Anh lấy ví dụ cụ thể: "Tại một trận thi đấu của môn điền kinh trong khuôn khổ SEA Games 31 trên SVĐ Mỹ Đình, dù 16h mới bắt đầu trận đấu nhưng một nữ phóng viên trẻ của hãng tin Reuters đã có mặt từ lúc 13h để giữ chỗ. Bên cạnh đó nữ phóng viên này còn đặt một tấm biển "không di chuyển", điều này cho thấy tác phong làm việc, sự đầu tư thời gian, công sức, chú tâm tạo nên sự chuyên nghiệp trong khi tác nghiệp. Đó là điều mà các phóng viên trẻ của Việt Nam cần phải học hỏi".
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ và ấn tượng nhất tại SEA Games 31, nhiều phóng viên vui mừng nói, 19 năm SEA Games mới lại được tổ chức tại Việt Nam, có lẽ ai cũng muốn có những kỷ niệm với Đại hội. Ấn tượng nhất đối với nhiều phóng viên trẻ đó là hình ảnh cờ đỏ sao vàng ngập trên khán đài của người hâm mộ không chỉ cổ vũ cho Việt Nam mà còn cổ vũ cho các đoàn thể thao nước bạn. Ngoài ra, hình ảnh những giọt nước mắt của các vận động viên dù chiến thắng hay thất bại đã khiến cảm xúc của những người làm báo dâng trào.
Xem thêm video đang được quan tâm
Bài tập tăng chiều cao, tăng thể lực, đẹp dáng cho tuổi dậy thì