Tôi đọc tác phẩm Minh Chuyên từ những năm đầu đổi mới với những bài ký gây bão trong dư luận, hằn sâu trong tâm thức bạn đọc như Người lang thang không cô đơn, Thủ tục làm người còn sống…, nhưng phải đến năm 1996 tôi mới gặp và thân thiết với anh qua một trại viết.
Tôi viết mấy dòng này trong tâm thế an nhiên tự tại giữa một đêm thu lãng đãng sương rơi, thoang thoảng mùi hương của những đóa phong lan ngoài ban công phòng viết gợi nhớ về những bạn viết thân quen nhiều năm gắn bó với đời văn của mình. Có một bạn viết thân thiết như em gái đã đưa mấy chữ “Yêu cần tri kỷ, viết cần tri âm” làm tiêu ngữ cho trang Blog Kim Dung/Kỳ Duyên của mình, nhưng có lẽ nàng chỉ muốn nhấn mạnh thôi bởi đã là bạn viết thâm giao thì cần cả hai. Với tôi, nhà văn kiêm đạo diễn cao cấp phim tài liệu truyền hình Minh Chuyên là người bạn viết như thế. Hơn thế nữa, từ tri kỷ tri âm đã hình thành trong tôi sự nể phục một con người đam mê sống chết với nghề, lấy công việc sáng tạo làm niềm vui, lẽ sống để vượt qua mọi thử thách và gần đây cả bệnh tật hiểm nghèo cũng không ngăn nổi những chuyến đi dài ngày của anh để viết, để ghi hình và gửi gắm vào đó những thông điệp về nỗi đau chiến tranh, lý tưởng tận hiến cho lớp trẻ...
Tác giả (trái) và nhà văn Minh Chuyên (phải).
Không chỉ là nhà văn của những phận người thời hậu chiến
Tôi đọc tác phẩm Minh Chuyên từ những năm đầu đổi mới với những bài ký gây bão trong dư luận, hằn sâu trong tâm thức bạn đọc như Người lang thang không cô đơn, Thủ tục làm người còn sống..., nhưng phải đến năm 1996 tôi mới gặp và thân thiết với anh qua một trại viết. Cũng năm đó, tôi và Minh Chuyên cùng nhận giải thưởng trong cuộc thi “Ký và phóng sự văn học” của báo Văn Nghệ, với Minh Chuyên là tác phẩm Vào chùa gặp lại, còn với tôi là Câu lạc bộ các tỷ phú. Hình ảnh ni cô Đàm Thân trong tác phẩm Vào chùa gặp lại của anh cứ ám ảnh tâm thức tôi về những phận người phụ nữ bất hạnh sau chiến tranh thao thiết tới mức nó đã đi vào nhiều truyện ngắn tôi viết sau này có liên quan đến đạo Phật và giáo lý thâm viễn của Phật hoàng Trần Nhân Tông như Lục Hòa, Hoa rơi cửa Phật, Thiền sư Kiến Đức hay tiểu thuyết lịch sử Khói mây Yên Tử... Mới hay sự ảnh hưởng qua lại giữa những người bạn viết tri kỷ tri âm là có thật! Tuy vậy, phải đến khi tôi theo chân anh làm phim truyền hình thì sự gắn bó và lòng nể phục trước một “người trần tâm Phật” cùng sự dấn thân sống chết với nghề của Minh Chuyên mới hình thành và lớn dần trong tôi, không thể phai mờ. Tôi đã cùng anh rong ruổi đường trường, tiếp xúc với biết bao nạn nhân chất độc da cam ở khắp tỉnh Thái Bình, vào tận Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh rồi các tỉnh Quảng Trị, Hà Tây (cũ)... Nhờ những chuyến đi ấy, tôi hiểu sâu sắc thêm rằng, chiến tranh luôn là thảm họa đối với mọi dân tộc, riêng với người Việt chúng ta có những nỗi đau cực kỳ dai dẳng, ngấm sâu vào cơ thể cả một dân tộc, hiển hiện ra trước mắt tôi những phận người chết chậm vì nhiễm chất độc da cam đã sang thế hệ thứ ba sau cuộc chiến tàn khốc. Chết nhanh trong tích tắc ngoài mặt trận đã là thảm họa, nhưng chết chậm vì chất độc da cam sang tới thế hệ thứ ba vì sự biến đổi gene lại càng kinh khủng gấp bội. Để làm sâu sắc thêm nỗi đau, tố cáo tội ác chiến tranh đầy sức thuyết phục, có những bộ phim như Cha con người lính Minh Chuyên đã phải kiên trì theo đuổi đề tài, bám sát số phận nhân vật suốt 15 năm liền mới hoàn thành nên tác phẩm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Bộ phim ấy đã nhận được giải thưởng cao nhất trong liên hoan phim tài liệu quốc tế tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý hơn đối với anh lại chính là tác phẩm đã góp phần hóa giải hận thù giữa hai dân tộc Việt - Mỹ bằng hình ảnh ở phần kết, nhân vật cô gái nạn nhân chất độc da cam mình đầy lông lá như con thú đã được giải thoát khỏi cái nơi mà chính cha cô đã phải cắn răng thắt ruột bầm gan tự giam giữ con mình trong lồng sắt như một thứ “cũi trần gian”; đưa sang Mỹ chữa trị bởi nhiều bác sĩ nổi tiếng nhất và với tấm lòng cảm thông sâu sắc, quan tâm chu đáo của hàng triệu người Mỹ tốt bụng. Ngay cả với phim Linh hồn Việt Cộng, lúc đầu có một vài ý kiến chê bai là không thật, nhưng tôi nhiều năm viết kịch bản, lời bình cho phim tài liệu lại rất cảm thông với bạn bởi tôi hiểu rõ đặc thù của nghề. Một bộ phim tái hiện sự thật trong quá vãng thì đôi lúc người làm phim phải “diễn” và trong quá trình mà người trong nghề gọi là “diễn” ấy có thể gặp một vài sơ suất nhỏ. Tuy nhiên sự thật lịch sử và những nhân chứng về nỗi dằn vặt của người lính Mỹ và tấm lòng nhân hậu hóa giải hận thù của thân nhân gia đình liệt sĩ bị chính anh lính Mỹ kia bắn chết đều hoàn toàn có thật nên đã làm rung động tâm hồn người xem, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ cùng thân nhân của họ bên kia bán cầu. Bởi thế, nó vẫn được Ban giám khảo Liên hoan phim truyền hình năm đó ở Nha Trang hoàn toàn công tâm đồng thuận trao giải Nhất.
Đề tài phim tài liệu truyền hình của Minh Chuyên không chỉ bó gọn trong các nạn nhân chiến tranh thời hậu chiến, anh đã dấn thân đầy bản lĩnh đột phá vào những đề tài hóc búa như Chuyện của bốn nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà kinh doanh và Nhà nước) cảm thông chia sẻ với diêm dân miền Trung, nông dân trồng lúa ở miền Tây Nam Bộ hay phim Ông chủ đỏ và người làm thuê đụng chạm đến quy định đảng viên không được phép làm kinh tế một thời ấu trĩ... Và những tác phẩm đó đều đã được dư luận đánh giá cao, nhận giải thưởng ở các cuộc liên hoan phim tài liệu hàng năm.
Một vài cuốn sách tiêu biểu của Minh Chuyên hoặc viết về Minh Chuyên.
3 lần mổ vẫn sống khỏe, sống vui
Mấy năm gần đây, Minh Chuyên còn quan tâm đến mảng đề tài lịch sử, cũng là lúc anh mắc bệnh hiểm nghèo 3 lần mổ ung thư tiền liệt tuyến, nhưng hễ ra viện là anh lại lao ngay vào công việc không hề ngơi nghỉ. Đây cũng là đề tài thuộc sở trường của tôi nên đã nhiều lần cùng bạn mình đi thực tế và làm phim về các vua Trần khởi nghiệp ở đất Thái Bình hay các nhân vật lịch sử xuất thân ở vựa lúa đông dân trù phú của nước Đại Việt, xưa là đất Kình Bố, nay là tỉnh Thái Bình vừa tròn 120 năm do các vị vua triều Nguyễn kiến lập. Thật vô cùng cảm động khi trên đường làm phim Minh Chuyên mang theo lỉnh kỉnh những thang thuốc Nam và bộ đồ sắc thuốc, còn xe ôtô của đài VTV1 cứ khoảng 20-30km lại phải dừng bánh để anh “giải quyết nhu cầu” do bệnh tật hành hạ, cản bước.
Có lần tôi hỏi: “Lúc đầu biết tin mình bị bệnh, tâm trạng ông thế nào?” Minh Chuyên cười rất hiền đáp: “Thì còn vui được sao, choáng mất vài ngày. Sau cái lần chạy xạ, nhất là chạy hóa chất lại càng kinh khủng, đi tiểu ra cả máu lẫn sinh thiết khiến mình có chút suy sụp. Nhưng kể cũng lạ, càng thấy quỹ thời gian bị ngắn lại mình càng lao vào công việc sáng tạo, làm phim như điên và ơn giời thấy khỏe lại từng ngày”. Nghe bạn nói tôi chợt liên tưởng tới cuộc hội ngộ với đại lão họa sĩ - nhà thơ Dương Cẩm Chương từ hải ngoại về nước cách đó 2 năm. Cụ khi đó đã gần 100 tuổi, cùng năm sinh và là bạn học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vậy mà nói cười sang sảng, đi đứng mạnh bạo, ăn uống vô cùng thoải mái. Tôi hỏi cụ bí quyết sống lâu là gì, cụ bảo: “Cả đời tôi sống bằng đam mê nghệ thuật và được tự do làm tất cả những gì tôi muốn, tôi đam mê thế là trường thọ chứ có bí quyết gì đâu”. Bạn tôi - nhà văn Minh Chuyên cũng vậy chăng? Công việc cho anh niềm vui và nghị lực vượt qua bệnh tật và nhờ thế, qua ba lần mổ anh vẫn sống vui sống khỏe, tiếp tục cống hiến không ngừng cho nghệ thuật. Một nhà văn kiêm đạo diễn phim truyền hình như anh quả thực hiếm có trên đời! Cống hiến của anh cho văn học nghệ thuật nước nhà và cho tỉnh Thái Bình quả thực không nhỏ.
Lại nhớ có lần về làm phim ở Thái Bình, tôi và Minh Chuyên được ông Nguyễn Hạnh Phúc khi đó còn làm Bí thư Tỉnh ủy, chưa về Trung ương công tác mời cơm thân mật tại nhà hàng bên sông Trà Lý. Hôm đó trong bữa tiệc, tôi đã nói nửa đùa nửa thật với ông Phúc: “Bạn tôi - nhà văn Minh Chuyên hôm nay khỏe mạnh thế này nhưng mệnh trời ai mà biết trước được. Mai đây nếu anh ấy có mệnh hệ gì thì cũng xứng đáng để tỉnh nhà đặt tên một con phố đẹp đấy, đồng chí Bí thư ạ!...”. Điều ấy có gì không xứng đâu nhỉ? Ở huyện Vũ Thư, Thái Bình của bạn tôi từ lâu đã có vài trường tiểu học, trung học cơ sở lấy Minh Chuyên làm biểu tượng để giáo dục học sinh về tinh thần yêu nước, nghị lực phấn đấu và thành tích cống hiến cho quê hương. Tôi mới chỉ có một luận văn tốt nghiệp Khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội của cô sinh viên nhan đề “Thế giới nhân vật trong các tiểu thuyết lịch sử của nhà văn VNT” đã lấy làm vinh dự, nhưng bạn tôi đã có hàng chục luận văn tốt nghiệp đại học hoặc cao học ở Học viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội mổ xẻ, phân tích về giá trị tinh thần, nghệ thuật viết ký và làm phim tài liệu của nhà văn kiêm đạo diễn Minh Chuyên. Đó chính là những đánh giá chân thực, sòng phẳng nhất về những tác phẩm tiêu biểu của anh.
Đêm nay giữa tiết thu se lạnh, chợt nhớ những bạn văn tri kỷ tri âm, tôi viết mấy dòng cho thỏa lòng yêu mến, ngưỡng mộ một người bạn viết mà tận thẳm sâu tôi luôn nể trọng - nhà văn Minh Chuyên; viết chẳng cho ai cả, chỉ cho riêng mình như một ký ức đẹp, thế thôi!...
Hà Nội, 12/10/2016