Đám mây "vô thường" che mát một góc đời

13-07-2017 16:38 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nếu như cuốn thứ 2, Sen , là góc nhìn trong sáng thiện lương của một người trẻ, thì với Mây, BS.Bảo Trung quay lại với phong độ của một người từng trải, đã từng thể hiện trong cuốn thứ nhất – Vô Thường.

À không, có lẽ là sâu hơn, bởi nhiều cảm nhận chiều sâu về Đạo đã được trình bày, lời dạy của Thầy (Sư Ông Thích Nhất Hạnh) cũng xuất hiện nhiều hơn.

Tôi thích cách viết như thế. Vẫn là những giáo lý và những câu nói mang ý vị thiền sâu xa, nhưng thay vì ngôn ngữ cổ lùng bùng, lối viết mạch lạc hiện đại làm cho người ta dễ hiểu và do đó ngấm hơn. Giọng văn như lời kể, lời tâm sự thủ thỉ cũng khiến độc giả liên tưởng đến cuộc tâm sự với một người bạn tâm giao và cảm thấy bình an.

Đọc Mây, tôi cảm nhận được khó khăn và lựa chọn khủng khiếp của bác sĩ khi đối mặt với sự sống chết của bệnh nhân. Cứu thì nếu có sống cũng dễ thành tật, bỏ thì không đành. (Rốt cục, có lẽ lựa chọn bằng trái tim yêu thương vẫn là tốt hơn cả.)

Tác phẩm

Tác phẩm "Mây" của BS. Nguyễn Bảo Trung

Điểm độc đáo ở bác sỹ Trung, là mặc dù công nhận y học thực chứng, nhưng anh không phủ nhận sức mạnh tâm linh và lý nhân quả của nó. Tuy thế (hoặc do đó), bác sĩ ko phải thần, chỉ có thể tận sức, còn duyên nghiệp mỗi cá nhân đành phải tự trả mà thôi.

Ta đọc nhiều nguồn, thấy nói theo đuổi vinh hoa phú quý rốt cục là đồ bỏ, nhưng nhất định ta ko tin, cái ta thiếu chính là kinh nghiệm cận tử. Khi đối diện với cái chết, giữa 2 lằn ranh sinh tử, mới …thấu cảm được đời người có ý nghĩa gì. Tiếc rằng thường người có kinh nghiệm đó, đa phần ... chết luôn, nên một là ko kể lại được, hai là ko kịp hối hận. Số “sống lại” quá ít, vẫn chưa đủ sức thuyết phục cho phần đông.

“Một thời gom góp để một ngày buông xuôi. Một thời ngang dọc để một ngày hư vô.”
Nhân sinh này phải chăng là giấc mộng?

Tác giả BS. Nguyễn Bảo Trung

Trong Mây, anh Trung cũng bày tỏ những quan điểm đánh giá hạnh phúc của người khác mà tôi thấy giống với Lão, Trang. Ví như người thành phố chê người dân tộc khổ, biết đâu người dân tộc sống cùng thiên nhiên lại chả chê người phố chui rúc trong 4 bức tường? – “ Không phải cá, sao biết niềm vui của cá.”

Những chuyện, cảnh trong sách không phải chuyện lạ đối với nhiều người, tuy nhiên, bởi cuộc đời vội vã nên chẳng mấy ai để tâm quan sát như tác giả. Cảm giác như tâm trí anh ấy có thể thi thoảng tách ra khỏi không gian ồn ào phức tạp của phòng cấp cứu, của cuộc đời, mà nhìn thấy những khía cạnh khác.

Đám mây "vô thường" ấy che mát được một góc đời rồi sẽ bay đi đâu nhỉ???
Như mọi khi, phải đọc sách mới thấy được hết cái hay.


Trịnh Tuấn Anh
Ý kiến của bạn