Để đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trong dịp tết Nguyên đán, Ngành đã triển khai nhiều giải pháp trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức khám, cấp cứu, điều trị kịp thời cho người dân.
Sẵn sàng khám, cấp cứu người bệnh kịp thời
Để đảm bảo công tác trực, khám, cấp cứu người bệnh trong dịp tết Nguyên đán, Ngành đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thường trực khám chữa bệnh, cấp cứu bệnh nhân trước, trong và sau tết. Công tác trực tại các cơ sở khám, chữa bệnh được phân theo 4 cấp: trực lãnh đạo; trực chuyên môn, xử lý thông tin Đường dây nóng; trực hành chính- hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Tại các khoa, phòng của các bệnh viện phải niêm yết tên cán bộ trực và số điện thoại để người bệnh tiện liên lạc. Các bệnh viện bố trí nhân lực và phương tiện; chuẩn bị đầy đủ máu, dịch truyền, thuốc và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám, điều trị tại bệnh viện và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Đảm bảo tất cả bệnh nhân cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không để trường hợp bệnh nhân nào bị từ chối hoặc xử lý chậm trễ. Đối với trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa, ngành cũng chỉ đạo các cơ sở phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến điều trị. Các bệnh viện cũng chủ động phương án dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và 02 đội cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng khi có dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xẩy ra trong dịp tết. Chủ động công tác phòng chống rét cho người bệnh; quán triệt cán bộ y tế nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh, đặc biệt chú ý đến phong cách giao tiếp, ứng xử ân cần hòa nhã, thực hiện đúng các quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại các cơ sở y tế công lập theo Thông tư 07/2014 của Bộ Y tế.
Cùng với các hoạt động đảm bảo công tác chuyên môn, Ngành cũng chỉ đạo các bệnh viện tổ chức thăm hỏi, đón tết với người bệnh điều trị tại bệnh viện, đặc biệt quan tâm, chú trọng bệnh nhân nghèo, người thuộc diện chính sách.
Tích cực, chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong dịp lễ, Tết vấn đề phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được Ngành Y tế đặc biệt quan tâm.
Ngành đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng từ tỉnh Hà Tĩnh đến cơ sở tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các loại dịch bệnh thường xẩy ra trong mùa Đông – Xuân như: các bệnh do cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota …, tập trung vào vùng có nguy cơ cao, địa phương có ổ dịch cũ, khu vực trọng điểm nhằm phát hiện, dập tắt kịp thời các dịch bệnh có thể xẩy ra. Bên cạnh đó cũng tăng cường công tác kiểm dịch biên giới, cảng biển nhất là tại Cửa khẩu Cầu Treo, cảng Vũng Áng. Duy trì các đội cơ động phòng chống dịch tại địa phương để sẵn sàng điều tra, xử lý ổ dịch khi có yêu cầu. Các Trung tâm Y tế dự phòng cũng chủ động chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời; phân công cán bộ thường trực phòng chống dịch 24/24 giờ tại đơn vị trong những ngày nghỉ tết để theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh xẩy ra trên địa bàn, có hướng xử lý kịp thời.
Cùng với phòng chống dịch bệnh, Ngành đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tăng cường công tác kiểm tra; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành; chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố thành lập các đoàn thanh tra, tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Trong thanh, kiểm tra đặc biệt chú trọng các mặt hàng phục vụ Tết như: mứt, bánh, kẹo các loại thực phẩm có sử dụng chất phụ gia hoặc sử dụng phẩm màu nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và phòng tránh. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm quản lý hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm. Phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị dự phòng để tổ chức cấp cứu người bệnh nếu có các vụ ngộ độc thực phẩm xẩy ra.
Bên cạnh đó Ngành cũng phối hợp với các ban, ngành và địa phương tăng cường các biện pháp quản lý để tránh tình trạng tăng giá thuốc vào dịp tết; yêu cầu các cửa hàng kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24... không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác KCB cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về đảm bảo công tác y tế trong dịp tết. Sở Y tế cũng thành lập 03 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Sở Y tế làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác thường trực Tết, động viên, thăm hỏi, chúc Tết cán bộ, công chức, viên chức và tặng quà cho bệnh nhân nặng, có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại các bệnh viện.
Với những giải pháp đồng bộ, kịp thời, ngành Y tế hy vọng sẽ phục vụ tốt sức khỏe người dân, để đảm bảo cho mỗi người, mỗi gia đình được đón tết, vui xuân an toàn, khỏe mạnh.
Trong dịp tết Bính Thân 2016, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh; Y tế dự phòng trong tỉnh về công tác chuẩn bị đón tết; khám chữa bệnh; trực Tết, trực ngoại viện; phòng chống dịch bệnh; an toàn vệ sinh thực phẩm và kế hoạch phòng, chống thảm họa… Tổ chức tốt việc động viên thăm hỏi, tặng quà cho các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Công đoàn ngành Y tế trích Quỹ "Mái ấm công đoàn" trợ cấp khó khăn cho 247 cán bộ y tế có hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền trên 100 triệu đồng. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được các đơn vị chú trọng cho nên không có dịch bệnh xảy ra; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo, không có ngộ độc thực phẩm hàng loạt, tổng số khám do ngộ độc thức ăn tại các bệnh viện trong toàn tỉnh 64 ca, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm. Về công tác khám, chữa bệnh các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố đã duy trì trực cấp cứu 24/24 giờ đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu, phẫu thuật… Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện là 1.730; tổng số bệnh nhân được khám, cấp cứu, tai nạn là 4253 lượt, bệnh nhân điều trị nội trú 2596; phẫu thuật 290 ca. |