Đảm bảo tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS

16-09-2014 11:55 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hiện nay nguồn ngân sách cho phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn các nhà tài trợ quốc tế và nguồn này đang bị cắt giảm nhanh chóng

Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15-20/9/2014. Tại Hội nghị này, một cuộc họp rất quan trọng cũng sẽ được tổ chức để bàn về vấn đề “Tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN”. Đây là vấn đề được Việt Nam hết sức quan tâm vì hiện nay nguồn ngân sách cho phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn các nhà tài trợ quốc tế và nguồn này đang bị cắt giảm nhanh chóng. Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, bên lề hội nghị, phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS .

PV: Thưa TS Nguyễn Hoàng Long, được biết trong Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 12 họp tại Hà Nội có một phiên họp bàn về Huy động nguồn tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN. Ông có thể nói rõ hơn về mục đích và một số thông tin chính của phiên họp này?

TS Nguyễn Hoàng Long: Các nước trong khối ASEAN là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch HIV/AIDS. Do vậy, đối phó với dịch HIV/AIDS là mối quan tâm chung và cũng là một trong những ưu tiên trong lĩnh vực y tế công cộng của Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN. Nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tài chính cho phòng chống HIV/AIDS. Vì vậy, các nước đã tổ chức cuộc họp chuyên đề bàn này nhằm củng cố các cam kết của ASEAN trong việc đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS cấp quốc gia và khu vực; chia sẻ các cơ hội và các sáng kiến huy động tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS cho các nước ASEAN trong giai đoạn sau năm 2015.

TS  Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Việt Nam
TS Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Việt Nam

Cuộc họp này do GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Đồng chủ trì có Ngài Pradasa Rao, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS ở châu Á Thái Bình Dương; Ngài Nafsiah Mboi, Bộ trưởng Bộ Y tế, Indonesia, Chủ tịch Quỹ toàn cầu; Tiến sĩ Sha'ari Bin Ngadiman, Chủ tịch đội đặc nhiệm phòng, chống HIV/AIDS (ATFOA) và trên 100 đại biểu tham dự.

PV: Công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta hơn 20 năm qua đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Vậy theo ông, nguồn kinh phí quốc tế đóng vai trò như thế nào trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Nguồn kinh phí quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, nguồn viện trợ quốc tế chiếm đến 80% kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. 95% kinh phí để mua thuốc kháng vi rút (ARV) và 100% kinh phí để mua thuốc Methadone để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện là do các tổ chức quốc tế tài trợ. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS quan trọng khác, như truyền thông, tư vấn xét nghiệm, giám sát đại dịch... đều do các tổ chức quốc tế viện trợ. Ngoài viện trợ về tài chính, các tổ chức quốc tế còn hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cán bộ cho mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Hiện nay, nguồn viện trợ quốc tế đang giảm mạnh. Đây là, khó khăn rất lớn đối với Chính phủ Việt Nam.

PV: Vậy điều gì sẽ xảy ra khi nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS bị thiếu hụt trầm trọng, thưa ông?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Nếu không huy động đủ kinh phí, công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nguy cơ dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại. Kịch bản xấu nhất là nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS bị thiếu hụt trầm trọng thì các hoạt động dự phòng không được triển khai, không triển khai được các hoạt động xét nghiệm để phát hiện người nhiễm HIV, hàng trăm nghìn người nhiễm HIV sẽ không được điều trị... Như, số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng sẽ tăng nhanh. Dịch HIV/AIDS không còn ở mức độ tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao như hiện nay, mà sẽ lan nhanh ra cộng đồng. Đại dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại, gây tác động to lớn đến sức khỏe, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội. Đây không phải là một “viễn cảnh” xa, mà đã và đang xảy ra ở một số quốc gia không quan tâm đầy đủ đến phòng, chống HIV/AIDS.

PV: Hiện nay chính phủ đã có những giải pháp gì để đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS?

TS Nguyễn Hoàng Long: Ngày 16/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1899/QĐ-TTg phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020. Đề án đề cập đến 2 nhóm giải pháp chính đó là huy động các nguồn lực và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực huy động được.

Đối với huy động nguồn lực, tiếp tục tăng chi ngân sách nhà nước TW cho phòng, chống HIV/AIDS. Mặc dù sau 2015 có thể không còn chương trình mục tiêu quốc gia riêng cho phòng, chống HIV/AIDS, nhưng Nhà nước cần có cơ chế tài chính mới để tiếp tục đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS, như thông qua chi thường xuyên hoặc các hình thức đầu tư phù hợp khác. Bộ Y tế đang xây dựng 2 đề án trình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để đảm bảo điều trị ARV cho người nhiễm HIV và đảm bảo thuốc Methadone trong điều trị cho những người nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Các địa phương cần xây dựng đề án đảm bảo tài chính và tăng chi ngân sách địa phương cho phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương mình, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách lớn. Tính đến tháng 9/2014, có 10 tỉnh phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, 24 tỉnh đang trình UBND tỉnh phê duyệt và 29 tỉnh đang lấy ý kiến góp ý của các Sở, ngành trong tỉnh.

Bảo hiểm y tế trong thời gian tới sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là chi trả các chi phí điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội và các xét nghiệm liên quan đến HIV/AIDS.

Xã hội hóa, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho phòng, chống HIV/AIDS; xem xét thu một phần chi phí cho điều trị methadone để có thể duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị nghiên chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế và tiếp tục kêu gọi các nguồn lực từ các nhà tài trợ quốc tế; thuyết phục các nhà tài trợ để kéo dài thêm thời gian tài trợ cho Việt Nam đến khi ngân sách trong nước đảm bảo cho phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh các nhà tài trợ hiện đang hỗ trợ, tiếp tục vận động thêm các nhà tài trợ mới như ASEAN và các đối tác như APEC...

Bên cạnh huy động các nguồn lực, chúng ta cần phải sử dụng các nguồn tài chính hiện có một cách hiệu quả nhất: Tập trung nguồn lực vào các địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS để tăng hiệu quả hoạt động. Đối với từng tỉnh, cần tập trung nguồn lực vào các huyện, xã, cụm dân cư có nhiều người nhiễm HIV/AIDS nhất, tránh triển khai dàn trải; Tập trung các hoạt động can thiệp vào những người có HIV và một số nhóm nguy cơ cao nhất, gồm nghiện chích ma túy, phụ nữ có quan hệ tình dục với người nghiện chích có HIV , phụ nữ mại dâm và tình dục đồng giới nam; Tập trung triển khai các can thiệp có hiệu quả cao, như truyền thông thay đổi hành vi, dự phòng (phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị methadone), tăng cường tư vấn xét nghiệm và mở rộng điều trị ARV; Tăng cường lồng ghép các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS (như tư vấn xét nghiệm, điều trị methadone, điều trị ARV); lồng ghép các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế sẵn có; phân cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS xuống tuyến cơ sở, như xét nghiệm chẩn đoán, phát thuốc ARV, phát thuốc methadone...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Thủy (Thực hiện)

 


Ý kiến của bạn