Hà Nội

Đảm bảo sức khỏe người dân: Hà Nội yêu cầu công khai các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm dịp cuối năm

04-12-2023 15:26 | Thị trường
google news

SKĐS - Tết Nguyên đán đến gần khiến nhu cầu về thực phẩm của người dân ngày một tăng cao. Để tránh tiền mất tật mang, các chuyên gia y tế khuyên mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng.

Chuyên gia hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn dịp Tết Nguyên đánChuyên gia hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn dịp Tết Nguyên đán

SKĐS - Hiện nay vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trở nên phổ biến và người tiêu dùng đang rất quan tâm đến việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới có những lời khuyên đến người tiêu dùng.

Khó kiểm soát an toàn thực phẩm ở chợ dân sinh

Đảm bảo sức khỏe người dân: Hà Nội yêu cầu công khai các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm dịp cuối năm- Ảnh 2.

Người mua nên cương quyết nói "không" với thực phẩm "bẩn" để góp phần nâng cao an toàn vệ sinh tại các chợ dân sinh. Hình minh họa

Chợ dân sinh truyền thống vốn có lợi thế trong cung cấp thực phẩm tươi sống, giá cả phải chăng đến người tiêu dùng. Dù vậy, không chỉ riêng ngoại thành mà tại nội thành Hà Nội, nhiều khu chợ tự phát, có cơ sở hạ tầng yếu kém, tiểu thương ý thức chưa cao từ đó gây nên nỗi lo thực phẩm "bẩn" cho người tiêu dùng.

Các chợ tự phát thường được chia thành nhiều khu bán hàng, từ bán hoa quả, rau củ, đồ khô đến thực phẩm tươi sống và giết mổ gia cầm, cá, tôm... Các khu này được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, nền ẩm thấp, ứ đọng các loại nước thải.

Tại chợ, nhiều loại hải sản phải bảo quản trong tủ đông với điều kiện nhiệt độ ổn định mới bảo đảm an toàn nhưng được người bán bày luôn trên thùng xốp. Nhiệt độ ngoài trời nóng bức lại thêm mùi tanh khiến từng đàn ruồi, nhặng bay vờn hoặc đậu lên cá, mực. Người bán hàng có khi chẳng buồn cầm chiếc phất trần phe phẩy, cứ để mặc thế vì... đuổi sao cho xuể.

Tại rất nhiều khu chợ dân sinh tự phát, ngoại trừ dãy hàng thịt lợn được kê bàn cao hẳn so với nền chợ, các mặt hàng còn lại như hải sản, rau, hoa quả… đều được các tiểu thương đặt ngay dưới nền đất. Hàng chục lồng gà, vịt, ngan, chim bồ câu các loại để trên nắp cống thoát nước. Mùi hôi tanh của nước thải từ việc giết mổ quện với mùi phân gia cầm bốc lên nồng nặc. Người đi đường, người mua vừa đứng chờ vừa né, có khi lĩnh trọn cả bãi phân gà, vịt khi người bán giết mổ.

Ngoài tình trạng bày bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả dưới nền đất, hình ảnh các loại thực phẩm chế biến sẵn không có tủ kính che đậy, khiến bụi bặm, ruồi nhặng mang theo vi khuẩn có thể xâm nhập diễn ra khá phổ biến.

Không chỉ đối với thực phẩm tươi sống, các loại thực phẩm khô cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Những mặt hàng như nấm hương, mộc nhĩ, măng khô, gia vị, cá, tôm khô… thường được đóng trong các bao nilon không nhãn mác, người mua cũng chỉ biết đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm qua lời giới thiệu của người bán.

Bên cạnh đó, người đi chợ mua hàng thường không có thói quen hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của các loại thực phẩm mình mua. Đa phần người bán đều đón tâm lý thích "nhà trồng được" của người mua nên khi được hỏi sẽ nói rằng rau tự trồng hoặc hoa quả ở quê gửi lên, gà vịt nhà tự nuôi... Các loại thịt lợn, thủy hải sản... hay đồ khô mua lẻ đều không thể biết được nguồn gốc, xuất xứ từ đâu.

Để tránh tiền mất tật mang, các chuyên gia y tế khuyên mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng; Thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng đều phải được in đầy đủ trên nhãn. Đặc biệt, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng không nên ham rẻ, mua sản phẩm không rõ ràng, không đăng ký công bố chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, mỗi người hãy kiên quyết nói "không" với những cửa hàng không đảm bảo vệ sinh. Có như thế mới góp phần chung tay đẩy lùi thực phẩm "bẩn" vì sự an toàn của bản thân và gia đình.

Hà Nội yêu cầu phải công khai các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Đảm bảo sức khỏe người dân: Hà Nội yêu cầu công khai các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm dịp cuối năm- Ảnh 3.

Cần công khai các cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm.

Để đảm bảo ATTP dịp cuối năm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, tập trung vào phát hiện xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc…

Chỉ đạo về công tác này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố nhấn mạnh, vào dịp cao điểm cuối năm và lễ Tết, lễ hội, tình hình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm gia tăng, công tác đảm bảo ATTP sẽ phức tạp hơn.

Nếu không có biện pháp kiểm soát các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng ăn uống sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, ý thức của người dân còn nhiều hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho biết, thành phố sẽ thống nhất ban hành kế hoạch bảo đảm ATTP dịp Tết và lễ hội đầu năm 2024 (kéo dài 3 tháng), cao điểm từ 15/12/2023 đến Tết Dương lịch 2024, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2024.

Đồng thời, yêu cầu Ban Chỉ đạo công tác ATTP các cấp của thành phố rà soát lại phần việc, phân công nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, xác định rõ các địa bàn trọng điểm, các lĩnh vực trọng tâm để triển khai hiệu quả nhất.

"Các đơn vị, địa phương cần đối diện thẳng, không né tránh, có vụ việc vi phạm phải công khai nguyên nhân, kết quả xử lý. Tương tự, các quận huyện cũng cần làm như vậy. Các đơn vị, địa phương tăng cường tập huấn công tác ATTP, phải công khai các đợt kiểm tra, nội dung kiểm tra" – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội là đầu mối bố trí trực, tiếp nhận thông tin phản ánh về ATTP của người dân; công khai đường dây nóng bằng số điện thoại cá nhân để tiếp nhận thông tin của người dân bất cứ lúc nào. Các Sở ngành, đơn vị liên quan cũng phải có số điện thoại tiếp nhận ý kiến phản ánh về lĩnh vực này.

Trong diễn biến liên quan tới việc đảm bảo an toàn thực phẩm, tại Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu (từ sản xuất đến tiêu dùng) và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm 2023.

Các bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành rà soát, đánh giá các nghị định, thông tư có liên quan để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm hiện nay, trong đó chú trọng quy định về phân công trách nhiệm quản lý cho rõ ràng, tránh trùng chéo; áp dụng mức chế tài phù hợp, bảo đảm tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm…

Còn tại Thông tư số 30/2012/TT-BYT, Bộ Y tế đã quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có nêu rõ: Điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố là phải bảo đảm đủ nước sạch; có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín; không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống; người trực tiếp làm dịch vụ chế biến, kinh doanh thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ.

Tăng truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp cuối nămTăng truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp cuối năm

SKĐS - Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm là khâu then chốt để có thể nâng cao hiệu quả quản lý, nâng chất lượng bữa ăn, bảo đảm an toàn thực phẩm trong các gia đình, đặc biệt là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán


Kim Ngân
Ý kiến của bạn