Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn diễn ra tại nhiều địa phương
Theo thông báo, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; tích cực hưởng ứng cuộc vận động tham gia chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều là 5,23%, giảm 1,49%. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân năm 2018 đạt 88,7%, dự kiến năm 2019 là 90%. Đời sống người lao động và người dân ngày càng được nâng cao hơn. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; an toàn, trật tự xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, những thành tựu trên là kết quả nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của giai cấp công nhân, người lao động trên khắp mọi miền Tổ quốc và Tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao những kết quả đạt được trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2018-2019. Công tác phối hợp giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, thực chất hơn và đạt kết quả tích cực, giúp mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập tồn tại như: Năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực. Đời sống của một bộ phận người lao động vẫn còn khó khăn, số
doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, giải thể vẫn ở mức cao khiến nhiều người lao động mất việc làm.
Đặc biệt, tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra tại nhiều địa phương.
Nợ đọng BHXH, BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH
Để hạn chế những bất cập trên, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhiều nội dung để đảm bảo quyền lợi nói chung và quyền lợi BHXH, BHYT nói riêng cho người lao động.
Về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 47/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội khóa XIV theo hướng ưu tiên giải quyết nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo sự đồng bộ với Luật Phá sản
doanh nghiệp và Bộ luật Lao động: Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH; thực hiện khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, gian lận BHXH, BH thất nghiệp; rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ nợ bỏ trốn để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động một cách toàn diện, thận trọng (tránh tạo tiền lệ để các doanh nghiệp khác lợi dụng tiếp tục trốn đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động) và đề xuất quá trình sửa đổi Luật BHXH và các luật khác có liên quan, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Về việc khám chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính cho người bệnh có thẻ BHYT: Giao Bộ Y tế có kế hoạch cụ thể để thực hiện, bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh cho công nhân lao động, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Về đánh giá, xác định và sớm công bố “mức sống tối thiểu” của người lao động và gia đình, tạo cơ sở cho các bên tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia thương lượng, đàm phán mức lương tối thiểu vùng hàng năm: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xử lý kiến nghị và có văn bản trả lời Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Về sửa đổi Bộ luật Lao động 2012: Giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật nhằm bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn và sự đồng thuận của người dân...