Vì sao cần đảm bảo nguồn lực cho công tác dân số?
Nghị quyết số 21-NQ/TW khẳng định, dân số yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân số cũng có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với phát triển kinh tế, xã hội. Thực tế tại một số nước như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… cho thấy việc giảm sinh liên tục trong 3 thập kỷ đã có đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, sự phát triển kinh tế cũng tác động tích cực đến công tác dân số. Theo kinh nghiệm của quốc tế được Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) công bố, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Các khoản tiết kiệm này sẽ tiếp tục gia tăng nếu đầu tư nâng cao chất lượng dân số. Ở nước ta, Liên Hợp Quốc dự báo rằng, nếu Việt Nam làm tốt công tác dân số, quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 120 triệu dân và đến năm 2035, GDP bình quân đầu người bằng 31,2 lần GDP bình quân đầu người năm 1990. Ngược lại, nếu không thực hiện tốt thì quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 160 triệu người và đến năm 2035, GDP bình quân đầu người của năm 1990.
Như vậy, dân số và phát triển có mối quan hệ biện chứng rất rõ rệt. Nhận thức được điều này, Ban chấp hành Trung ương đã thống nhất đảm bảo đủ nguồn lực cho công tác dân số, bao gồm nhân lực và vật lực.
Nguồn lực cho công tác dân số được thực hiện thế nào?
Để giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực cho công tác dân số được thể hiện rõ:
Giới trẻ là một nguồn lực quan trọng cho công tác dân số.
Về vật lực: Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu rõ cần bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho công tác dân số, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao... nhằm nâng cao chất lượng dân số, đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đẩy mạnh xã hội hóa: Có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số.
Phát triển thị trường, đa dạng hóa các gói bảo hiểm: Bao gồm bảo hiểm nhà nước, bảo hiểm thương mại với nhiều mệnh giá tương ứng các gói dịch vụ khác nhau để các nhóm dân số đặc thù đều bình đẳng trong việc tham gia và thụ hưởng các dịch vụ phúc lợi, an sinh xã hội.
Hợp tác quốc tế: Chủ động, tích cực hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân số. Tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương, song phương về dân số và phát triển. Tranh thủ sự đồng thuận, hỗ trợ về tài chính, tri thức, kinh nghiệm và kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế. Tập trung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về dân số.
Về nhân lực: Nghị quyết số 21-NQ/TW khẳng định cần có chính sách đãi ngộ thoả đáng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở thôn, bản, tổ dân phố... Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển. Đưa nội dung dân số và phát triển vào chương trình đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học…