Đây là một số phát hiện nổi bật từ báo cáo Tình trạng Dân số thế giới 2025 vừa được Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam công bố sáng 11/7 tại sự kiện Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới với chủ đề: "Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi".
Hàng triệu người gặp khó khăn trong việc có số con như mong muốn
Năm nay, báo cáo Tình trạng Dân số thế giới do UNFPA thực hiện dựa trên khảo sát 14 quốc gia trên thế giới đã nêu bật một mối quan tâm toàn cầu đang ngày càng cấp bách, đó là cuộc khủng hoảng về quyền tự quyết sinh sản hay nói cách khác, là quyền được tự do quyết định về sinh sản.

Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam trình bày tóm tắt về Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2025.
Theo UNFPA, kết quả khảo sát cho thấy một tỷ lệ đáng lo ngại người trưởng thành không thể thực hiện được dự định sinh con của mình. Nhất là tình trạng giới trẻ bày tỏ sự lo lắng và bất an về tương lai. Nhiều người tin rằng họ sẽ gặp khó khăn hơn so với thế hệ cha mẹ. Cùng với đó, mối quan tâm về biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế và xung đột toàn cầu ngày càng gia tăng đang tác động trực tiếp đến lựa chọn của họ trong việc xây dựng gia đình.
Mặt khác, các giải pháp không đặt quyền lựa chọn sinh sản làm trọng tâm đã nhiều lần được chứng minh là không hiệu quả.
Tại lễ mít tinh, bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định, việc các cặp đôi gặp khó khăn trong việc đạt được quy mô gia đình như mong muốn đồng nghĩa với việc có hàng triệu cá nhân và cặp đôi trên toàn thế giới đang ngày càng khó khăn hơn trong việc đưa ra một trong những quyết định cơ bản nhất của cuộc đời: liệu có sinh con, sinh bao nhiêu và khi nào.
Theo bà Pauline Fatima Tamesis, đối với một số người, rào cản là mang tính cấu trúc như việc tiếp cận hạn chế với các biện pháp tránh thai hoặc dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đối với những người khác, rào cản lại đến từ những bất ổn về kinh tế, xã hội hoặc môi trường. Đây không chỉ là một vấn đề y tế mà là câu chuyện về tự do, công bằng và quyền con người.
Những thách thức này đòi hỏi các chính sách thích ứng, toàn diện và có tầm nhìn, nhằm bảo vệ quyền sinh sản và hỗ trợ các gia đình ở mọi giai đoạn của cuộc sống. Báo cáo Tình trạng dân số thế giới năm 2025 nhấn mạnh rằng, lựa chọn sinh sản thực sự chỉ có thể đạt được khi có sự đầu tư vào con người, đặc biệt là phụ nữ, thanh thiếu niên và những nhóm dễ bị bỏ lại phía sau.
Trao quyền tự quyết về sinh sản cho các cá nhân, cặp vợ chồng
Cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang trải qua những thay đổi lớn về nhân khẩu học, từ sự thay đổi cơ cấu dân số đến xu hướng sinh sản mới. Theo đánh giá 7 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Đặc biệt, tổng tỷ suất sinh giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo (Kết quả điều tra biến động dân số 01/4/2024: Năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ giảm xuống 1,96 con/phụ nữ năm 2023 và 1,91 con/phụ nữ năm 2024, thấp nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam).
Cùng với đó quá trình già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh ở Việt Nam cũng đặt ra những thách thức không nhỏ với hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…

Trao quyền tự quyết về sinh sản cho các cá nhân, cặp vợ chồng vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Trước thực trạng và thách thức đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 149-KL/TW ngày 10/4/2025 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh: rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về số con được sinh và các chính sách để thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.
Thực hiện Kết luận số 149-KL/TW, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số có hiệu lực từ ngày 3/6/2025, trong đó có sửa đổi quan trọng về quyền tự quyết về sinh sản của cá nhân và cặp vợ chồng được tôn trọng, phù hợp với sức khỏe, điều kiện và hoàn toàn tự nguyện.
Tại buổi lễ, thay mặt cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Pauline Fatima Tamesis ghi nhận vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đưa các vấn đề dân số và phát triển trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển quốc gia. Đặc biệt là việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã thông qua sửa đổi Pháp lệnh Dân số, trong đó có nội dung bãi bỏ quy định giới hạn hai con.
Theo bà Pauline Fatima Tamesis, đây là một bước tiến quan trọng, đưa Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu đảm bảo mọi cá nhân và cặp vợ chồng đều có thể tự do quyết định số con và thời điểm sinh con. Việc sửa đổi này cũng đưa pháp luật quốc gia tiệm cận hơn với Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) và các khuôn khổ nhân quyền quốc tế liên quan.
Bên cạnh đó, cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng ghi nhận cam kết lâu dài của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống y tế, mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và thúc đẩy bình đẳng giới.
Song song với quá trình xây dựng Luật Dân số và Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Dân số và Phát triển giai đoạn 2026–2035, Việt Nam đang thể hiện vai trò tiên phong trong việc định hình một chương trình nghị sự dân số lấy quyền làm trung tâm, có tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy quyền lựa chọn sinh sản, bình đẳng giới và phát triển bền vững. Những nỗ lực này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua những thay đổi lớn về cơ cấu dân số.
"Chúng tôi tự hào được đồng hành cùng Bộ Y tế, các đối tác trong Chính phủ và xã hội để góp phần đảm bảo rằng mọi người dân tại Việt Nam đều có thể thực hiện quyền của mình với sự tôn trọng, tự chủ và được hỗ trợ", Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định.
