Hà Nội

Đảm bảo công tác y tế phòng chống cơn bão số 2

04-07-2019 14:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản khẩn chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành triển khai các biện pháp đảm bảo công tác y tế, an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và tài sản, phòng chống cơn bão số 2.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc bộ, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, khu vực Hà Nội chiều nay có mưa to và giông, trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Chính vì vậy, các đơn vị cần theo dõi sát diễn biến của cơn bão số 2 trên các phương tiện thông tin đại chúng để có phương án ứng phó kịp thời. Khẩn trương rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, triển khai biện pháp chống gió lốc, ngập, úng tại đơn vị. Đảm bảo việc thoát nước tại chỗ, nhất là những đơn vị ở vùng trũng, thấp có  khả năng ngập úng cao.

Chủ động các phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh, nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế cũng như sẵn sàng nhân lực, phương tiện, thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Đảm bảo trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa bão. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Bão số 2 gây gió mạnh cấp 5 - 6, giật cấp 7 - 8 trên địa phận các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, đồng thời tiếp tục gây mưa to tại một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

Được biết, sau khi đổ bộ vào đất liền rạng sáng ngày 04/7, bão số 2 gây gió mạnh cấp 5 - 6, giật cấp 7 - 8 trên địa phận các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, đồng thời tiếp tục gây mưa to tại một số tỉnh Bắc Trung Bộ. Thiệt hại ban đầu, mưa lớn gây sập một phần cầu Yên Hòa tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) làm 2 người tử vong, 2 người bị thương khi tham gia giao thông. Trong sáng nay, bão tiếp tục đi vào đất liền, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần.

Thông tin từ văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, các hồ khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ ở mức 25 - 80% dung tích, các hồ chứa Thanh Hóa, Nghệ An đã tích thêm được 10 - 30% và hiện đảm bảo an toàn. Riêng hồ Đồng Chùa - Tĩnh Gia, Thanh Hóa (1,88 triệu m3) đã đầy nước và đang xả tràn.

Hiện tại, do ảnh hưởng của bão vẫn còn gió mạnh, sóng lớn ven biển. Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương cần duy trì kiểm soát, chưa cho tàu thuyền ra khơi và quản lý, hướng dẫn khách du lịch tránh hiên tượng hiếu kỳ gây mất an toàn. Tình hình mưa sau bão có thể còn diễn biến phức tạp, bởi vậy, các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai nghiêm túc nội dung Công điện của Ban Chỉ đạo.

Các tỉnh vùng đồng bằng kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt là các công trình xung yếu, bị sự cố và đang thi công; chủ động phương án chống ngập úng tại các khu đô thị; Tiến hành tiêu nước đệm tại những khu vực có nguy cơ ngập úng; kiểm tra rà soát hệ thống kênh mương, sẵn sàng vận hành thử hệ thống tiêu lớn.

Các tỉnh miền núi chủ động tích nước, đồng thời sẵn sàng các phương án điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa, hạ du, đặc biệt cần sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại các hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản, bãi xả thải; sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực dân cư có nguy cơ cao và các cung đường thường xuyên bị ngập sâu, sạt lở; tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.

 


Lê Mai
Ý kiến của bạn