Trong những ngày qua, nắng nóng và nắng nóng găy gắt đã xảy ra trên diện rộng các khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến trong khoảng từ 37 -40 độ (có nơi lên tới 45 độ). Các dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, cảm cúm, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, đau mắt đỏ… có điều kiện thuận lợi phát sinh trong thời tiết nắng nóng kéo dài.
Để hạn chế tình trạng phát sinh dịch bệnh trong thời tiết nắng nóng kéo dài khi người dân đến khám chữa bệnh, BVĐK Hà Đông đã chỉ đạo các khoa phòng đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe. Theo đó, tại khoa khám bệnh, BV chủ động đảm bảo nguồn điện, nước uống cho người bệnh, lắp đặt các quạt có công suất lớn tại khu vực phòng chờ, khu vực khám bệnh để phục vụ cho bệnh nhân. Hệ thống điều hòa, quạt điện được lắp đặt toàn bộ khu khám bệnh và ngồi chờ khám.
Khi bệnh nhân vào viện ngay khâu tiếp đón, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn chỗ ngồi đầy đủ có hệ thống nước uống, và giảm phiền hà về thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi và giảm tình trạng nóng bức, giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Đối với bệnh nhân sau khi đã khám xong sẽ ngồi ở phòng chờ và được nhân viên y tế trả kết quả đến tận tay người bệnh để tránh bệnh nhân phải đi lại nhiều.
Quạt điện đảm bảo thoáng mát, hạn chế nóng bức.
Tại các khoa điều trị nội trú, lắp đặt điều hòa, quạt tại tất cả các khoa nhằm đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; duy trì cung cấp nước uống, nước sinh hoạt đầy đủ cho người bệnh. Không để xảy ra tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép, bố trí phòng cách ly bệnh truyền nhiễm theo quy định đồng thời thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch bệnh trong mùa.
Tại các nhà thuốc của bệnh viện, luôn duy trì bật điều hòa để đảm bảo nhiệt độ trong phòng theo đúng quy định nhằm tránh hư hỏng thuốc đúng theo quy chế bảo quản thuốc.
Đặc biệt tại khu cách ly tập trung của các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ngoài việc vệ sinh sạch sẽ làm thông thoáng các phòng cách ly; trang bị vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; bố trí quạt điện, nước uống đầy đủ, các phòng cũng được lắp thêm rèm, mành chống nắng. Chế độ ăn uống được khoa Dinh dưỡng cải thiện thường xuyên và chú trọng tăng cường đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
BS. Trần Kim Anh - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BVĐK Hà Đông cho biết: “Chúng tôi đã cử 03 bác sĩ của khoa và 05 điều dưỡng để phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho các bênh nhân tại khu cách ly. Hằng ngày đo thân nhiệt 2 lần sáng - chiều, theo dõi sức khỏe, khuyến cáo người bệnh thường xuyên vệ sinh cá nhân, phòng ở sạch sẽ, gọn gàng; uống đủ nước tối thiểu ngày 02 lít; ăn uống hợp vệ sinh; tập các động tác nhẹ nhàng trong phòng; không hút thuốc lá, mắc màn khi nằm ngủ.
Ngoài ra bệnh viện cũng luôn bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tai biến mạch não, hô hấp, tiêu hóa.
Cung cấp nước đầy đủ cho người dân đến khám.
Cách phòng bệnh trong mùa nắng nóng cần biết
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Trong điều kiện thời tiết này mặc đồ rộng, nhẹ, đồ cotton để dễ toát mồ hôi. Ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt.
Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nếu sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại.
Bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi.
Không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas bởi nó chỉ khiến cơ thể thêm phần mất nước. Tốt nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…
Đối với những người làm việc ngoài nắng nóng lâu, mọi người cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.
Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, cần nhanh chóng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất.
Tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.