Rất nhiều cuộc điện thoại và ý kiến người dân, khách hàng của VPBank gửi đến tòa soạn đều đồng tình với việc anh T.L. khởi kiện Ngân hàng VPBank. Bởi không chỉ anh T.L. mà rất nhiều người dân và khách hàng cũng bị tình trạng giả mạo hồ sơ giống như vậy. Nó thể hiện lỗ hổng lớn của VPBank trong việc đảm bảo bí mật thông tin khách hàng.
Thông tin khách hàng bị lộ do đâu?
Đã bước sang tuần thứ 3 của sự việc trên, nhưng phía VPBank vẫn chưa có lời xin lỗi hay độngviên gia đình anh T.L. Anh L. cho biết, đến nay, mới chỉ có 2 người tự giới thiệu và chuyên viên của Phòng Điều tra và Phòng chống gian lận thuộc VPBank là Tăng Thành Phương và Lương Thế Hiểu liên hệ với anh xin trao đổi để cùng anh L. phối hợp tìm ra nguyên nhân ai là người đã làm giả hồ sơ của anh.
Tại buổi làm việc với anh L., anh Lương Thế Hiểu cho biết, với thông tin anh L. cung cấp và qua kinh nghiệm điều tra lâu năm của mình, chúng tôi nhận định là có việc nhân viên của VPBank thông đồng với người ngoài đã làm giả mạo hồ sơ của anh L. rút tiền ngân hàng. Chúng tôi tiếp tục điều tra và sẽ trả lời sớm.
Qua sự việc này cho thấy, việc quản lý hồ sơ đảm bảo bí mật thông tin khách hàng của VPBank có vấn đề, đã để lộ thông tin khách hàng, từ đó kẻ xấu đã dùng kỹ xảo, sử dụng các phần mềm photoshop làm giả hồ sơ khách hàng y như thật, chỉ nhìn kỹ mới biết. Kẻ xấu chỉ cần thay 1 con số trên dãy số chứng minh nhân dân, thay địa chỉ số nhà... là có thể hoàn thành một bộ hồ sơ rút tiền ngân hàng. Để đến khi vỡ lở thì người bị làm giả hồ sơ là bị thiệt thòi.
Anh L. cho rằng, bên cạnh việc để lộ bí mật thông tin ra ngoài, còn phải nói đến khâu xét duyệt hồ sơ vay vốn với VPBank, từ vụ việc của anh L. cho thấy sự xuề xòa, dễ dãi. Rõ ràng hình ảnh trên chứng minh nhân dân là khác với người thật, vậy mà Đơn vị thẩm định xét duyệt hồ sơ vẫn phê duyệt được hồ sơ giả mạo. Vì vậy, chuyên viên của Phòng Điều tra và Phòng chống gian lận nói có sự thông đồng của nhân viên ngân hàng và người bên ngoài để rút tiền ngân hàng là có cơ sở, anh L. cho biết.
Tại buổi làm việc với 2 chuyên viên Phòng Điều tra và Phòng chống gian lận của VPBank, anh L. cũng đã gửi đơn khởi kiện cho 2 người này đề nghị chuyển cho Ban lãnh đạo VPBank về việc khởi kiện VPBank, trong đó nói rõ từ các căn cứ và những hồ sơ, băng ghi âm các đàm thoại của anh L. với VPBank, do đó, anh L. cho rằng hoàn toàn đủ căn cứ khởi kiện VPBank về tội “vu khống”; “làm nhục người khác”; “giả mạo hồ sơ, chữ ký...” và “thiếu giám sát, buông lỏng quản lý trong lĩnh vực tài chính ngân hàng”..., anh L. cho biết thêm.
Anh Tăng Thành Phương và Lương Thế Hiểu tại buổi làm việc với anh T.L.
Lộ làn sóng tẩy chay VPBank
Sau khi bài báo VPBank làm “tan nát” một gia đình? được đăng tải trên báo Sức khỏe&Đời sống, rất nhiều độc giả đồng tình với anh L. phải khởi kiện Ngân hàng VPBank vì kiểu cách làm ăn tắc trách này, đòi xin lỗi công khai và đền bù thỏa đáng, thậm chí nhiều khách hàng của VPBank đã ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng này. Nhiều người có ý định gửi tiền ở đây sau khi đọc báo đã quyết định gửi tiền sang ngân hàng khác.
Cùng cảnh như anh T.L., chị Vũ Hồng Thủy (hongthuy.th@gmail.com) cũng đã từng bị như vậy. “Tự dưng 1 ngày có nhân viên VPBank gọi đòi tiền với lý do con trai tôi mua điện thoại không trả tiền. Tôi tên Thủy chứ ko phải Trương Thị Lan. Tôi năm nay mới 38 thì không thể có con trai 29 tuổi vay nợ được. Tôi hỏi tại sao khi cho vay ngân hàng không đối chứng gọi check thông tin, số điện thoại này tôi dùng từ năm 2003 đến nay. Dù trình bày rất nhiều lần nhưng một ngày tôi vẫn nhận được cả vài chục cuộc đe dọa đòi nợ. Quá mệt mỏi, tôi phải gọi lên tổng đài VPBank rất nhiều lần nhưng vẫn không hiệu quả, rất tốn kém khi phải gọi lại để check thông tin. Sau cùng, tôi phải lấy giấy chứng nhận của VNPT về tên sở hữu số điện thoại và năm kích hoạt cùng các loại giấy tờ tùy thân, ảnh chân dung... chụp gửi mail lại cho bên đòi nợ mới thoát khỏi cái nợ từ trên trời rơi xuống. Thú thật là quá ác cảm với VPBank” - chị Thủy chia sẻ.
Anh Tùng Vũ đang định đầu tháng có khoản tiền 18 tỷ về thì gửi Ngân hàng VPBank đợi thời cơ thuận lợi tiếp tục đầu tư. Vậy mà đọc được bài báo này đã từ bỏ ý định đó và sẽ chuyển sang ngân hàng khác.
Tuy vậy, trên trang điện tử website của VPBank lại cho rằng VPBank tiếp tục được khẳng định là ngân hàng tư nhân có thương hiệu mạnh nhất trên thị trường năm 2019 trong báo cáo mới được tổ chức xếp hạng thương hiệu toàn cầu công bố ngày 24/9 tại Hà Nội. Theo bảng xếp hạng 50 thương hiệu mạnh của Việt Nam 2019 của Brand Finance, thương hiệu VPBank xếp ở vị trí thứ 14 và là ngân hàng tư nhân có vị trí cao nhất, năm thứ 3 liên tiếp VPBank được đánh giá là thương hiệu mạnh nhất trong nhóm các ngân hàng tư nhân. Thiết nghĩ, việc đánh giá này cần phải xem xét lại bởi thời gian có quá nhiều khách hàng phàn nàn về kiểu cách làm việc của VPBank...
Báo Sức khỏe&Đời sống sẽ tiếp tục thông tin sự việc trên các số báo tiếp theo. Mời các bạn theo dõi.