Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ mô hình cảnh báo nhanh

09-07-2019 15:26 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thành phố Hà Nội chính thức triển khai hệ thống cảnh báo nhanh an toàn vệ sinh thực phẩm, Đống Đa sẽ là quận triển khai đầu tiên. Hệ thống này sẽ do Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương), Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) phụ trách.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về việc triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm giai đoạn 2018 - 2020. Mô hình chính thức được triển khai từ tháng 7/2019.

Trong đó, điểm cảnh báo nhanh cấp 1 sẽ triển khai các điểm tiếp cận thông tin - xử lý thông tin tại địa bàn. Điểm cảnh báo nhanh cấp 2 tại quận do Phòng Y tế quận thường trực có nhiệm vụ tiếp nhận các nguồn thông tin, sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn từ hệ thống cảnh báo nhanh các cấp, hệ thống thông tin, truyền thông, báo chí, người dân, tổ chức mạng...

Điểm cảnh báo cấp 3 sẽ thực hiện tổng hợp nội dung tiếp nhận, kết quả xử lý thông tin sự cố về an toàn thực phẩm của các cơ quan cấp trên và phản hồi lại cá nhân hoặc tổ chức cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ điểm cảnh báo cấp 2 theo quy định.

Hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP sẽ được triển khai từ tháng 7-2019.

Bên cạnh đó, các đơn vị đầu mối có trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành Công thương tổ chức kiểm tra giám sát chất lượng nhóm thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp; Xây dựng, tổ chức hệ thống/bộ máy cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn Thành phố với 3 cấp: Thành phố; cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường, thị trấn.

Các điểm cảnh báo an toàn thực phẩm từ thành phố xuống quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có quyết định thành lập hệ thống cảnh báo nhanh, phân công cụ thể cán bộ phụ trách tiếp nhận thông tin và được kết nối hoạt động với điểm cảnh báo Trung tâm.

UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng Kế hoạch, triển khai các hoạt động theo kế hoạch tại địa phương đúng tiến độ, thời gian, mục tiêu. Quyết định thành lập hệ thống cảnh báo nhanh, xây dựng điểm cảnh báo cấp 1, cấp 2 trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, triển khai các điểm tiếp cận thông tin - xử lý thông tin tại địa bàn.

Cùng với đó, xử lý, sẽ giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn dựa trên thông tin cảnh báo từ hệ thống cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm; Phối hợp các đơn vị chức năng tuyến thành phố trong công tác thanh kiểm tra, giám sát phát hiện sự cố về an toàn thực phẩm, phòng chống và xử lý ngộ độc thực phẩm theo phân cấp.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 5/2019, toàn quốc đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm làm 218 người nhập viện, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Nguyên nhân các vụ ngộ độc được xác định do vi sinh vật, độc tố tự nhiên. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm nay, toàn quốc đã xảy ra 30 vụ ngộ độc thực phẩm làm 798 người nhập viện và 5 người tử vong.

Bộ Y tế cảnh báo, mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi rút phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao. Vì vậy, cần lựa chọn, mua và sử dụng thực phẩm còn tươi, có nhãn mác, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm và nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”.

Lê Hà
Ý kiến của bạn