Hà Nội

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ em dân tộc thiểu số ngay tại trường học bán trú

25-09-2023 05:25 | Xã hội
google news

SKĐS – Với những trường học bán trú ở vùng cao càng dễ xảy ra hơn vì sự thiếu thốn đủ bề. Bởi vậy, tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ em dân tộc thiểu số ngay tại trường học bán trú được quan tâm đặc biệt.

Bảo đảm nguồn gốc thực phẩm

Theo thống kê, năm 2022 toàn quốc ghi nhận 52 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.330 người mắc và 25 người tử vong. So với năm 2021, số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học tăng cả về số vụ và số người mắc (tăng 600 người), khiến một trường hợp tử vong. Những tháng đầu năm 2023, tình trạng ngộ độc tập thể ở các trường học cũng đã xảy ra.

Nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc tập thể ở các trường học rất lớn. Với những trường học bán trú ở vùng cao càng dễ xảy ra hơn vì sự thiếu thốn đủ bề. Bởi vậy, tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ em dân tộc thiểu số ngay tại trường học bán trú được nhiều địa phương quan tâm đặc biệt.

Hiện Yên Bái có 396 trường học mầm non, tiểu học và trung học bán trú. Đa phần các em học sinh đều là dân tộc thiểu số, nhà cách trường khá xa nên ở bán trú tại trường. Với số lượng lớn hơn 226.000 học sinh được tổ chức ăn từ 1 - 3 bữa tại trường, các trường đã đặc biệt quan tâm bảo đảm ATVSTP trong bữa ăn hàng ngày.

Trường PTDT bán trú Tiểu học Yên Thành, xã Yên Thành, huyện Yên Bình mỗi ngày phục vụ trên 800 suất ăn. Nhiều năm qua, nhờ được đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng, bếp ăn nhà trường luôn đạt tiêu chí bếp ăn kiểu mẫu, không có trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.

Tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ em dân tộc thiểu số ngay tại trường học bán trú - Ảnh 1.

Các trường PTDTBT Tiểu học và trung học cơ sở đã chú trọng đến an toàn thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày cho học sinh. Ảnh minh họa

Với hơn 800 học sinh học bán trú tại 26 lớp ở trường PTDTBT Tiểu học và trung học cơ sở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, nhà trường luôn đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên đầu. Theo đó, trường đã quy hoạch khu vực nhà bếp theo mô hình một chiều với khu vực tiếp nhận, sơ chế thực phẩm tươi sống, khu vực chế biến, chia khẩu phần ăn được bố trí tách biệt. Vào đầu năm học, Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu và Chi cục ATVSTP tỉnh cũng đã đến kiểm tra, cấp giấy chứng nhận bếp ăn bảo đảm ATVSTP; tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ cho 100% nhân viên nhà bếp.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Túc Đán, chăm sóc các em qua bữa ăn là điều quan trọng để trẻ có sức khỏe, thể lực tốt. Trường đã triển khai xây dựng khu vực sơ chế, chế biến, chia thức ăn bảo đảm nguyên tắc một chiều; nhân viên dinh dưỡng được kiểm tra, khám sức khỏe và tập huấn về công tác bảo đảm ATVSTP định kỳ…

Để có nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho bếp ăn bán trú, các trường đã ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với những địa chỉ tin cậy, bảo đảm thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cùng với đó, hàng ngày, khi thực phẩm được mang vào trường đều trực tiếp kiểm tra thực phẩm. Trong quá trình chế biến, các nhân viên nhà bếp tiếp tục kiểm tra, nếu thực phẩm có vấn đề sẽ báo cáo lên Ban giám hiệu. Các trường đều dùng nguồn nước sạch, khu vực bếp ăn sạch sẽ, thường xuyên khử trùng theo quy định...

Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm soát kỹ nguồn thực phẩm

Nhấn mạnh việc bảo đảm ATVSTP trong các bếp ăn tập thể, nhất là các trường học bán trú là một nhiệm vụ quan trọng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Yên Bái cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, nhà trường, gia đình và các em học sinh.

Để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể, các trường ngoài đầu tư cơ sở vật chất bếp ăn, tăng cường kiểm soát đầu vào các loại thực phẩm cũng cần tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng ngộ độc thực phẩm; thường xuyên mở các lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho các cán bộ đảm nhận công tác dinh dưỡng trong các nhà trường… Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, nhất là học sinh vùng cao không ăn các loại củ quả mọc tự nhiên; Các loại rau, nấm rừng mà không biết chắc chắn có độc hay không, tránh xảy ra những vụ ngộ độc đáng tiếc như trước đây đã từng xảy ra với học sinh vùng cao…

Nhằm chuẩn hóa chất lượng bữa ăn, đảm bảo đủ dinh dưỡng, ngành Y tế tỉnh Yên Bái đã cung cấp tới các địa phương ngân hàng thực đơn gồm 120 bộ thực đơn, với 360 món ăn cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi.

Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái yêu cầu tất cả các nhà trường phải có hợp đồng cung cấp thực phẩm cho bếp ăn; Yêu cầu kiểm soát kỹ nguồn thực phẩm; Các bếp ăn phải tổ chức lưu mẫu thức ăn hằng ngày theo quy định; Đảm bảo phân cách giữa khu vực chế biến, nấu nướng, khu vực ăn uống và lưu mẫu. Đồng thời phối hợp với cơ quan y tế địa phương sẵn sàng phương án xử lý những tình huống khi mà có ngộ độc xảy ra.

Phát huy vai trò của các tôn giáo, truyền thông đa dạng nâng cao an toàn thực phẩm cho đồng bào dân tộc miền núiPhát huy vai trò của các tôn giáo, truyền thông đa dạng nâng cao an toàn thực phẩm cho đồng bào dân tộc miền núi

SKĐS - Để nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho đồng bào dân tộc miền núi, Lào Cai đã đẩy mạnh truyền thông đa dạng như ngay tại các chợ, phát huy vai trò của các tôn giáo.


Hà My
Ý kiến của bạn