Sau sự cố chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, dư luận hết sức quan tâm đến quy trình chạy thận nhân tạo. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về quy trình này, chúng tôi đã gặp chuyên gia thận nhân tạo ở Bệnh viện E Trung ương.
Gắn kết điều dưỡng - máy - bệnh nhân
Theo các chuyên gia, qui trình lọc máu nhân tạo không phải là kỹ thuật khó, tại nước ta kỹ thuật này đã phổ biến đến tuyến quận, huyện và được thực hiện tương đối tốt. Hiện nay toàn quốc có khoảng 1.300 đơn vị chạy thận, đáp ứng cho khoảng 100 ngàn người phải lọc máu nhân tạo.
Điều dưỡng, máy lọc và người bệnh được gắn kết với nhau chặt chẽ.
Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện E Trung ương hiện tiếp nhận điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân, trong đó có 20 trẻ em, với 30 máy chạy thận hoạt động 3 ca/ngày. Trung bình mỗi máy phục vụ 3 - 4 bệnh nhân, trong khi nhiều nơi khác mỗi máy phục vụ 5 -6 bệnh nhân.
TS. Nguyễn Vĩnh Hưng - Trưởng khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện E Trung ương cho biết: “Tại đây, các máy chạy thận đều có xuất xứ từ Đức, thuộc thế hệ mới và có hệ số an toàn cao. Trong quá trình chạy thận, nếu xảy ra một khâu lỗi nhỏ, chẳng hạn bệnh nhân bị tụt huyết áp, máy lập tức dừng hoạt động ngay để đảm bảo xử lý kịp thời”.
Họp giao ban bắt buộc mỗi sáng để rút kinh nghiệm, phổ biến, lấy ý kiến tập thể giúp giảm thiểu nguy cơ.
Có một điều đặc biệt là trong quy trình chạy thận, 3 yếu tố: điều dưỡng, máy và bệnh nhân gắn với nhau chặt chẽ. Điều dưỡng nào đã quen phụ trách máy nào thì làm việc với máy đó và theo dõi bệnh nhân nào thì sẽ luôn chăm sóc, điều trị bệnh nhân đó. Qui trình này giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân và giảm thiểu các nguy cơ tai biến.
Nguồn nước tinh khiết tuyệt đối
Liên quan đến vụ 8 bệnh nhân tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, mặc dù chưa đủ căn cứ để kết luận về nguyên nhân của sự cố y khoa (chờ kết luận của cơ quan điều tra), tuy nhiên, nhiều nhà chuyên môn nghĩ nhiều đến sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân. Vậy hệ thống lọc nước RO có vai trò quan trọng như thế nào trong quá trình chạy thận?
Rửa quả lọc bằng tay và áp lực nước tinh khiết vừa đủ để làm sạch quả lọc.
TS. Hưng nhấn mạnh: “Nước được coi là thành phần chủ chốt, là “nguyên liệu” chính yếu trong quá trình chạy thận nhân tạo. Nước sẽ tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh mà không qua bất cứ rào cản bảo vệ nào của cơ thể. Bởi vậy, nước phải tuyệt đối tinh khiết, theo chuyên môn chúng ta hiểu nước chỉ là H2O, không có tạp chất, thành phần mang điện tích... Tại đây, chúng tôi sử dụng nguồn nước từ nước sinh hoạt, được khử khuẩn rồi lọc qua hệ thống lọc RO thẩm thấu ngược qua màng đặc biệt, chỉ có các phân tử nước mới lọt qua... để có nước tinh khiết”.
Người bệnh cần tuân thủ
Một vấn đề nữa, đó là người bệnh cũng cần có ý thức và chấp hành tốt các qui định trong quá trình điều trị. Chẳng hạn, khi chạy thận, người bệnh phải mặc quần áo bệnh nhân hay cần ăn uống hợp lý để tránh xảy ra tụt huyết áp trong quá trình chạy thận. Trên thực tế, có nhiều người bệnh tỏ ra chủ quan, coi thường hoặc bỏ ngoài tai những lời căn dặn, hướng dẫn của các điều dưỡng. Ví dụ, họ không ăn uống trước khi lọc máu, không mặc trang phục bệnh nhân khi “lên máy”...
Hệ thống bể chứa nước, khoảng 60 khối để tạo áp lực dẫn nước qua đường ống vào hệ thống lọc nước RO.
Để đảm bảo một qui trình chạy thận chuẩn và nghiêm ngặt, hạn chế đến mức tối đa các sự cố, thì tất cả các thao tác, qui tắc... đều phải được những người liên quan tuân thủ dù đôi khi có mang tính “máy móc” và quá quen thuộc.