Đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh cần đồng bộ các giải pháp

10-12-2024 11:46 | Tin nóng y tế

SKĐS - Việc đảm bảo đồng bộ các giải pháp từ quản lý, thanh kiểm tra đến đa dạng các hoạt động truyền thông sẽ bảo đảm bảo tốt công tác ATTP. Từ đó hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra. Điều này đang được thực hiện đồng bộ tại một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Dương…

Linh hoạt trong quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ

Quảng Ninh là một tỉnh có biên giới giáp Trung Quốc lại là địa phương có sự phát triển mạnh về du lịch vì vậy việc kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm.

Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 52.584 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Phần lớn cơ sở thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình; thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp trong tỉnh, ngoài tỉnh, nhập khẩu từ các nước. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tiếp tục chỉ đạo các ngành, các đơn vị chức năng quán triệt, thực hiện đầy đủ, trách nhiệm việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; xác định rõ công tác ATTP phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Các sở chuyên ngành, lực lượng chức năng của tỉnh và các địa phương đã tổ chức giám sát, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành trong công tác ATTP. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 13.785 cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được giám sát, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra về ATTP. Qua đó có 1.173 tổ chức, cá nhân, vụ vi phạm quy định về ATTP. Các cơ sở này bị phạt vi phạm với tổng số tiền lên tới hơn 8,5 tỷ đồng.

Cùng với đó, các sở, cơ quan chuyên ngành lĩnh vực an toàn thực phẩm tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thông tin tuyên truyền, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm theo lĩnh vực, ngành quản lý. Đồng thời vận động người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến nhằm bảo đảm ATTP một cách tốt nhất.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP luôn được đẩy mạnh, triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với đa dạng các hình thức với sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội.

Đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh cần đồng bộ các giải pháp- Ảnh 1.

Đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thông cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp

Đặc biệt năm 2024, Quảng Ninh đã tổ chức diễn tập xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm có nhiều người mắc với mục đích chuẩn hóa quy trình xử lý, điều tra, khắc phục, giảm thiểu kịp thời những hậu quả gây ra bởi vụ ngộ độc thực phẩm tập thể có nhiều người mắc; nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp xử lý, điều tra vụ ngộ độc thực phẩm của các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền và nâng cao kiến thức về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm… nhằm rút kinh nghiệm phục vụ cho kiểm soát, xử lý hiệu quả khi có tình huống thật xảy ra.

Tương tự, tại Hải Dương hiện có 186 chợ, trong đó có 3 chợ hạng 1 (2 chợ đầu mối tương đương chợ hạng 1), 20 chợ hạng 2 và 163 chợ hạng 3. Để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các chợ, Sở Công thương thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị, các tiểu thương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm đến các tiểu thương và nhân dân tham gia kinh doanh tại chợ; đồng thời đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh mua bán và có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, Sở còn tích cực phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan vận động, khuyến khích các cơ sở quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cử cán bộ tham gia với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số chợ thông qua công tác thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm nói chung và tại các chợ nói riêng.

Truyền thông đa dạng về an toàn thực phẩm phù hợp từng đối tượng

Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm được Sở Công Thương; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thường xuyên, liên tục, thông qua nhiều hình thức đa dạng phong phú, phù hợp với từng đối tượng, như: Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Đài phát thanh, truyền thanh huyện, xã); Nội dung tuyên truyền tập trung là các kiến thức về an toàn thực phẩm, các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh; trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…để các tổ chức, cá nhân và người dân biết thực hiện theo quy định.

Đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh cần đồng bộ các giải pháp- Ảnh 2.

Truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ, hội chợ bằng nhiều hình thức đa dạng và linh hoạt.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền lồng ghép các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, chủ động hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.

Cam kết sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Đảm bảo vệ sinh an toàn trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.

Các tiểu thương tại các chợ được cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm, được tham gia ký cam kết đảm bảo sản xuất thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sự phối hợp trong truyền thông từ người sản xuất, chuyên gia nhà khoa học và người tiêu dùng tạo ra sự minh bạch trong quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thiên Đức
Ý kiến của bạn