Lấy ý kiến góp ý về Luật Năng lượng nguyên tử
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi nhằm xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử.
Luật Năng lượng nguyên tử (Luật số 18/2008/QH12) được Quốc hội Khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3/6/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Qua hơn 15 năm thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã phát huy vai trò to lớn trong việc thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đíchhòa bình và tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động đó.
Qua thực tế, nhiều quy định của Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã bộc lộ bất cập, hạn chế gồm: Về yêu cầu quản lý, không đồng bộ với một số luật mới ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu nội luật hóa liên quan đến các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử mà Việt Nam là thành viên.

Sửa luật Năng lượng nguyên tử cho phù hợp với thực tiễn yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành; một số quy định thiếu tính khả thi; chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ; quy định về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân và quản lý Nhà nước đối với các cơ sở hạt nhân (bao gồm nhà máy điện hạt nhân, cơ sở có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu) còn có bất cập, chưa đầy đủ.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, mục đích ban hành Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về năng lượng nguyên tử, thống nhất với các văn bản khác có liên quan và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử.
Tăng cường hiệu quả quản lý về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử; thực hiện nghiêm túc cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế. Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi gồm 13 chương, 75 điều.
Theo bà Trần Thị Ngọc Diệp, Vụ Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), cần rà soát quy hoạch thời kỳ trước, phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển, dự báo triển vọng, nhu cầu và các kịch bản phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Đồng thời, đề xuất mục tiêu phát triển đối với ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; điện hạt nhân; thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành y tế; khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác...
Bà Trần Thị Ngọc Diệp cũng đề xuất các biện pháp thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử như: Nhà nước cần ưu tiên đầu tư có trọng điểm và khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nhân lực để bảo đảm an toàn, an ninh cho các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; phát triển và đầu tư vào các cơ sở nghiên cứu và các phòng thí nghiệm hạt nhân chuyên biệt phục vụ việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới trong lĩnh vực bức xạ và đồng vị phóng xạ…
Xây dựng quy định chi tiết về bồi thường hạt nhân
PGS Vương Hữu Tấn, nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, so với quy định của Luật Năng lượng nguyên tử mẫu của IAEA thì Luật Năng lượng nguyên tử 2008 còn nhiều bất cập, chưa luật hóa được các nội dung trong nguyên tắc cơ bản về an toàn và an ninh của IAEA. Vì vậy ông cho rằng Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi cần bám sát vào luật mẫu của IAEA và tham khảo kinh nghiệm của các nước khác.
Theo PGS.TS Vương Hữu Tấn, Việt Nam chưa tham gia Công ước bồi thường hạt nhân, vì vậy cần phải có tuyên bố chính sách của Nhà nước về bồi thường hạt nhân để có căn cứ trong đàm phán, và ký kết các Hiệp định liên chính phủ về xây dựng nhà máy điện hạt nhân và lò nghiên cứu mới. Do vậy, cần phải có quy định chi tiết về bồi thường hạt nhân trong Luật năng lượng nguyên tử sửa đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế.
TS.Nguyễn Nữ Hoài Vi, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử góp ý về hoạt động thanh sát hạt nhân (kiểm tra, giám sát hoạt động hạt nhân hòa bình, mục đích kiểm tra để các vật liệu không bị chuyển hướng sang các vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác). Bà cho rằng Luật hiện hành chưa có quy định đầy đủ về chức năng, nguồn lực để cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện vai trò pháp quy. Vì vậy cần bổ sung các nguyên tắc cơ bản của hoạt động thanh sát hạt nhân; quy định về đối tượng chịu điều chỉnh; nhiệm vụ, chức năng của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân; quy định về thanh sát viên quốc tế.
Đối với lĩnh vực an ninh hạt nhân, TS Vi cũng đề xuất bổ sung các nguyên tắc cơ bản như: thực hiện các biện pháp bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp phép; trách nhiệm tìm kiếm thu hồi vật liệu hạt nhân bị lấy cắp; bảo mật thông tin. "Đây là các vấn đề còn thiếu trong Luật năng lượng nguyên tử 2008, do đó cần bổ sung trong Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các hướng dẫn cụ thể", bà Vi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng các quy định về đảm bảo an toàn cho nhà máy điện của dự thảo cần rõ ràng, cụ thể hơn. Cần bổ sung, hoàn thiện các quy định cụ thể về quản lý, vận hành, bảo vệ an ninh, an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân và các công trình phụ trợ liên quan. Bổ sung các quy định về phạm vi, đối tượng áp dụng liên quan đến bí mật nhà nước, quốc phòng, an ninh. Quy định rõ ràng về điều kiện, thủ tục cấp phép, chứng chỉ đối với các hoạt động liên quan đến vận chuyển, sử dụng chất phóng xạ, nguồn phóng xạ.
Các chuyên gia cũng yêu cần rà soát các định nghĩa, thuật ngữ tránh gây nhầm lẫn; tập trung phát triển nguồn nhân lực cao và quy định về báo cáo thường xuyên của nhà máy điện hạt nhân với chính phủ về mức độ an toàn để đảm bảo lòng tin của người dân vào các dự án hạt nhân.
Trong lần sửa đổi lần này, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất thay đổi 6 nhóm chính sách trong năng lượng nguyên tử như thúc đẩy ứng dụng, ứng phó sự cố, quản lý nhà nước lĩnh vực năng lượng nguyên tử; đảm bảo an toàn, thanh sát và không phổ biến vũ khí hạt nhân... Một trong những điểm chú ý trong dự luật này là các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ độ rủi ro thấp được Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị tăng thời hạn khai báo, cấp phép lên 5 năm, thay vì 3 năm như hiện nay.
Dự thảo luật cũng quy định chuyển các thủ tục hành chính trong việc khai báo, cấp phép thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ từ "cấp phép" sang "đăng ký" với trình tự thủ tục đơn giản hơn về thành phần hồ sơ, theo hướng dẫn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Điều này giúp, tổ chức, doanh nghiệp giảm được chi phí đăng ký, tiết kiệm thời gian, đi lại khi thực hiện thủ tục.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 24/2:“Ngứa mắt” nhóm thanh niên đi đường, gã trai vác điếu cày vụt túi bụi làm 1 người bất tỉnh