Đắk Nông: Bệnh thủy đậu bùng phát mạnh ở huyện Cư Jút

07-04-2023 11:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã ghi nhận số ca mắc thủy đậu tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái với trên 30 ca.

Ca bệnh thủy đậu đầu tiên trong năm 2023 được ghi nhận tại huyện Cư Jút là cháu bé Phạm Thiên Tâm (SN 2017) địa chỉ tại tổ dân phố 11, thị trấn Ea Tling. Lúc đầu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, sau đó xuất hiện nổi bọng nước theo trình tự ở bụng, lưng, mặt, chân, tay. Gia đình đã đưa cháu bé đi khám và được chẩn đoán mắc thủy đậu.

Cách đây 1 tuần, bé H'Wia Priêng (9 tuổi) ở Buôn Nui, xã Tâm Thắng, có biểu hiện ho sốt, sau đó phát hiện các nốt mụn lạ mọc trên đầu. Chị H'Na Priêng, mẹ của cháu cho biết, lúc đầu gia đình không để ý, chỉ đến khi các nốt mụn lan xuống mặt và toàn thân thì chị mới bắt đầu lo lắng và tìm đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ kết luận con chị bị thủy đậu.

Sau gần 1 tuần theo dõi và điều trị bệnh, tình trạng của bé H'Wia Priêng đã chuyển biến tích cực, các vị trí mọc mụn đã se lại và đóng vẩy.

Đắk Nông: Bệnh thủy đậu bùng phát mạnh tại huyện Cư Jút, số ca mắc có thể tiếp tục tăng cao - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Cư Jút đã ghi nhận số ca mắc thủy đậu tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái với trên 30 ca. Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Cư Jút.

Theo Trung tâm y tế huyện CưJút, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện đã ghi nhận số ca mắc thủy đậu tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái với trên 30 ca. Không chỉ lây lan mạnh trong nhóm trẻ nhỏ, nhóm lớp mầm non, thủy đậu năm nay còn bùng phát ở người lớn. Xã Tâm Thắng là địa phương có số ca mắc thủy đậu nhiều nhất ở trên địa bàn huyện CưJút với 14 ca, trong đó ổ dịch Trường Tiểu học Hà Huy Tập, xã Tâm Thắng có 9 ca.

Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, Trung tâm Y tế huyện Cư Jút đã chủ động báo cáo, chỉ đạo, cử nhân viên y tế phối hợp với Trạm Y tế cơ sở và các trường học khẩn trương thăm khám, điều tra, xác minh dịch tại các lớp học, nhà các trẻ có triệu chứng mắc bệnh. Hiện, các bệnh nhân mắc bệnh được yêu cầu điều trị và cách ly tại nhà theo quy định. Đối với trẻ tiếp xúc các ca mắc được tư vấn tự cách ly, hạn chế tiếp xúc để theo dõi sức khỏe.

BSCKI Phạm Thị Kim Thương, Phó trưởng Khoa Nội nhi nhiễm - Trung tâm y tế huyện CưJút cho biết, với những trẻ chưa được tiêm phòng thì rất mẫn cảm với loại bệnh thủy đậu, chỉ cần 1 bạn bị là về lây hết cho cả gia đình. Gần như trẻ chưa được tiêm vaccine thủy đậu mà cảm nhiễm với virus thì phát triển thành bệnh ngay, sau đó lây lan thành diện rộng.

"Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và thường xảy ra quanh năm, nhưng thời điểm số người mắc bệnh tăng cao là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm. Đây là khoảng thời gian cuối xuân đầu hè, độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây lan. Do đó, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Virus gây bệnh thủy đậu được xếp vào nhóm lây lan mạnh, nếu chưa tiêm vaccine và tiếp xúc với người mắc bệnh thì khả năng mắc bệnh rất cao. Khi có ca bệnh nghi ngờ thủy đậu cần tiến hành cách ly, xử lý theo quy trình, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa xảy ra biến chứng, không để tử vong", Bác sĩ Phạm Thị Kim Thương khuyến cáo.

Mời bạn đọc xem tiếp video: Sốt xuất huyết, chân tay miệng, thủy đậu đều tăng đột biến, Hà Nội khuyến cáo gì?

Sốt Xuất Huyết, Tay Chân Miệng, Thủy Đậu Đều Tăng Đột Biến, Hà Nội Khuyến Cáo Gì?I SKĐS


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn