Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh này ghi nhận hơn 1.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Riêng BVĐK vùng Tây Nguyên, trong tháng 7 và những ngày đầu tháng 8 đã tiếp nhận hàng trăm ca SXH phải nhập viện, trong đó có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng.
Điển hình là bệnh nhân nam 50 tuổi (trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) sốt 5 ngày nhập viện xét nghiệm có kết quả dương tính với SXH Dengue. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan nặng, xuất huyết tiêu hóa, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc.
Ngành Y tế Đắk Lắk đang tập trung điều tra, khoanh vùng, dập dịch, điều trị nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh: Đình Thi.
Một bệnh nhân khác là chị H.M.C (35 tuổi, trú tại phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) sốt 3 ngày, ở nhà bệnh nhân tự mua thuốc uống nhưng không đỡ. Đến khi người nhà đưa bệnh nhân vào viện đã trong tình trạng nặng, chảy máu chân răng không cầm được, tiểu cầu giảm. Sau khi nhập viện, các bệnh nhân đã được điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế, đến nay sức khỏe của các bệnh nhân đã dần ổn định.
BS Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 300 bệnh nhân mắc SXH. Trong đó, nhóm bệnh nhân mắc SXH nặng có gần 50 bệnh nhân, hơn 130 bệnh nhân mắc SXH cảnh báo.
BS Lâm cho biết, SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có bốn tuýp là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
"Khi bị SXH, người bệnh thường bắt đầu hạ sốt từ ngày thứ ba, dẫn tới tâm lý chủ quan. Thực tế khi mắc SXH, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 là những ngày nguy hiểm nhất. Vì thế, người dân cần phải chú ý các biểu hiện trong những ngày này vì dễ dẫn đến tình trạng sốc do thoát huyết tương. Biểu hiện dễ nhận biết nhất là bệnh nhân nôn ói nhiều, đau bụng vùng gan, tiểu ít, có các biểu hiện thần kinh như bứt rứt, khó chịu, mệt mỏi…" bác sĩ Lâm nói.
Bệnh nhân được chăm sóc, điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi.
Tại Khoa Nhi Tổng hợp, BVĐK vùng Tây Nguyên, số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị vì mắc SXH cũng liên tục tăng. Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, BVDFK vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay khoa đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 130 trường hợp bệnh nhi mắc SXH, trong đó có không ít trường hợp bệnh nhi mắc SXH cảnh báo và bị sốc SXH.
"Bên cạnh những trường hợp bệnh nhi nặng do nhập viện trễ thì có nhiều trường hợp bệnh nhi mắc SXH ở thể nặng, khi nhập viện đã ở tình trạng sốc, nôn ra máu, thoát huyết tương… gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của trẻ. Do đó, người dân không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho trẻ cũng như mọi người dân", bác sĩ Minh khuyến cáo.