Hà Nội

Đắk Lắk: Phát hiện sớm, cách ly điều trị, không để bệnh sởi bùng phát

21-09-2024 10:01 | Y tế
google news

Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh các giải pháp để ngăn chặn nguy cơ bệnh sởi diễn biến phức tạp khi số ca bệnh liên tục tăng mạnh trong một tháng qua, đặc biệt là sau 3 năm liền địa phương không ghi nhận trường hợp mắc bệnh.

Đắk Lắk: Phát hiện sớm, cách ly điều trị, không để bệnh sởi bùng phát- Ảnh 1.

Bệnh nhân điều trị bệnh sởi tại Khu cách ly thuộc Khoa nhi, Bệnh viện Đa Khoa Thành Phố Buôn Ma Thuột.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa Khoa thành phố Buôn Ma Thuột đã thành lập Khu cách ly dành cho các bệnh nhi mắc sởi.

Chị H’Tiên Êban (xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột), mẹ của bệnh nhi 5 tuổi mắc bệnh sởi đang điều trị tại Khu cách ly cho biết, ban đầu trẻ ho, sốt cao, gia đình cho đi khám ở phòng khám tư và cho uống thuốc hạ sốt nhưng bệnh không thuyên giảm. Sau đó, gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột để khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán, cháu bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi, phải nhập viện điều trị.

Theo bác sỹ Cao Hoàng Phong, Trưởng Khoa Nhi, hơn một tháng nay, bệnh sởi bùng phát mạnh, số ca nhập viện điều trị tại bệnh viện tăng cao. Hiện tại Khu cách ly đang điều trị cho 20 bệnh nhi. Hầu hết trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao đột ngột kèm theo viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa, viêm kết mạc, nổi phát ban toàn thân. Đáng nói, nhiều trẻ bị biến chứng viêm phổi nặng có dấu hiệu suy hô hấp phải thở ôxy.

“Khu cách ly nhỏ, hẹp, diện tích phòng chỉ kê đủ giường theo quy chuẩn. Hiện tại phải kê rất nhiều giường. Có đợt bệnh nhân sởi nằm hết giường Khu cách ly nên Khoa phải kê thêm giường ngoài khu hành lang để đáp ứng nhu cầu dịch sởi gia tăng trong giai đoạn hiện nay”, bác sỹ Cao Hoàng Phong thông tin.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 19/9, toàn tỉnh ghi nhận 136 trường hợp mắc bệnh sởi tại 14/15 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột là địa phương có số ca mắc cao nhất với 74 trường hợp. Tỷ lệ tiêm vaccine sởi trên phạm vi toàn tỉnh đạt 55,3%.

Bác sỹ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, bệnh sởi đang có tình trạng báo động, qua điều tra cho thấy nhiều trường hợp chưa tiêm phòng vaccine sởi. Nguyên nhân do trong năm 2023, Đắk Lắk xảy ra tình trạng thiếu vaccine nên đã tạo khoảng trống miễn dịch khiến bệnh gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa hưởng ứng với công tác tiêm chủng. Ngành Y tế đang tăng cường tuyên truyền để người dân tiêm vaccine, vì nếu không tiêm phòng sẽ gây khó khăn rất lớn trong công tác phòng, chống bệnh.

Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh sởi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các địa phương tiến hành điều tra ca bệnh; rà soát, thống kê những trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm vaccine phòng bệnh trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, lập kế hoạch, dự trù vaccine để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ em.

Theo bác sỹ Hoàng Nguyên Duy, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2021-2023, tỉnh không ghi nhận ca sởi nào. Tháng 4/2024, địa phương phát hiện ca bệnh đầu tiên tại huyện Buôn Đôn. Trước tình hình dịch tăng nhanh, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai kế hoạch tiêm bù, tiêm vét cho trẻ em đến trường; làm việc với các địa phương có yếu tố dịch tễ nhằm phối hợp đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn; chỉ đạo các Trung tâm Y tế tăng cường giám sát, xử lý các ổ dịch phát hiện kéo dài, có nguy cơ lan rộng...

“Trong thời gian tới dịch có thể bùng phát nếu không có sự hỗ trợ, quan tâm từ chính quyền các cấp. Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức và tăng cường tiêm chủng đủ liều cho con em mình”, bác sỹ Hoàng Nguyên Duy nhấn mạnh.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch sởi; chủ động tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, cách ly điều trị, phòng chống lây nhiễm và xử lý triệt để các ổ dịch. Sở Y tế căn cứ tình hình dịch sởi tại tỉnh, chủ động phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thực hiện đánh giá nguy cơ, xác định vùng nguy cơ theo quy mô cấp huyện/thành phố, xã/phường, đề xuất bổ sung địa bàn và đối tượng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trong trường hợp cần thiết.


Theo Báo Tin tức TTXVN
Ý kiến của bạn