Đăk Lăk: Khi “nòng cốt” thiếu đủ thứ

17-03-2014 16:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Dịch bệnh mới nổi, dịch giã liên miên, dồn dập dội lên cán bộ y tế dự phòng (YTDP). Được xem là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập và đưa ra chiến lược dự phòng nhằm thay đổi những yếu tố lây lan bệnh có thể can thiệp được,

Dịch bệnh mới nổi, dịch giã liên miên, dồn dập dội lên cán bộ y tế dự phòng (YTDP). Được xem là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập và đưa ra chiến lược dự phòng nhằm thay đổi những yếu tố lây lan bệnh có thể can thiệp được, góp phần chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân nhưng mạng lưới YTDP ở Đăk Lăk do thiếu sự đầu tư nên khá “èo uột” về cơ sở vật chất, thiếu nguồn nhân lực chuyên sâu.

Điệp khúc... ở tạm

Tại Đăk Lăk, sau hơn 5 năm chia tách Trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện thành BVĐK và Trung tâm YTDP (nay gọi là TTYT), đến nay vẫn còn khoảng 50% trong số 15 TTYT huyện, thị xã, thành phố của Đăk Lăk vẫn phải chịu cảnh “ăn nhờ, ở đậu” cơ sở của bệnh viện, trạm y tế. Những địa điểm ở nhờ này phần lớn đã xuống cấp, phòng ốc làm việc chật chội, không bảo đảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuyên môn của các trung tâm. Đơn cử như TTYT thị xã Buôn Hồ, những năm qua, dù phải di chuyển đôi ba lần, nhưng trung tâm này vẫn đang phải “nương nhờ” tại khu nhà ăn của BVĐK thị xã. Chính vì nhà ăn được trưng dụng thành trụ sở làm việc nên ở đây mới có những chuyện “cười ra nước mắt”: cán bộ y tế tận dụng kệ bếp thành bàn làm việc; bồn rửa chén đôi khi lại trở thành nơi để vật dụng văn phòng; hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vaccin, máy móc, trang thiết bị, thuốc của các chương trình cấp về đều được để chung trong nhà kho, hay lúc cần hội trường sinh hoạt, tập huấn thì tất cả bàn làm việc, máy móc của nhân viên đặt tại phòng ăn được dẹp vào một góc để có không gian cho hoạt động chung...

Cơ sở vật chất thiếu nên tận dụng tối đa diện tích để bảo quản trang thiết bị.

Cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, từ khi thành lập đến nay, TTYT huyện Krông Buk được bố trí ở nhờ Trạm Y tế xã Pơng Drang. Vì không có đủ phòng ốc phục vụ các hoạt động, Ban lãnh đạo Trung tâm đã phải cải tạo cả những khoảng không ngoài trời thành nơi làm việc như tận dụng mái hiên của 2 dãy nhà đối diện nhau, lợp tôn nối liền lại để làm hội trường và kho để dây chuyền lạnh bảo quản vaccin, còn khu nhà xuống cấp, dột nát trạm y tế không sử dụng được, trung tâm cũng dùng làm nhà kho để máy móc, hóa chất... Được biết, trong số 15 TTYT tuyến huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh hiện mới có khoảng 50% đơn vị có được cơ sở hạ tầng, nhà cửa (chưa kể máy móc, trang thiết bị). Cơ sở hạ tầng của các đơn vị còn lại rất tạm bợ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Nhân lực thiếu và mỏng

Có lẽ, sự thiếu trước hụt sau về cơ sở vật chất của hệ thống YTDP ở Đăk Lăk kéo dài, dần dà cũng đã được những người trong cuộc chấp nhận một cách bất đắc dĩ. Song, điều đáng lo nhất trong ngành dự phòng chính là tình trạng thiếu hụt nhân lực. BS. Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Đăk Lăk cho biết: Trước đây có một thời kỳ cán bộ YTDP chuyên khoa vệ sinh dịch tễ liên tục được đào tạo, nhưng hơn chục năm sau đó, hoạt động này bỗng dưng bị ngắt quãng và đổi sang chú trọng đào tạo bác sĩ đa khoa.

Cả một thời gian dài không đào tạo cán bộ YTDP nên đương nhiên dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực YTDP. Hiện, phần lớn các bác sĩ công tác trong hệ YTDP đều từ hệ điều trị chuyển sang, thiếu hẳn những người được đào tạo chuyên khoa về YTDP, nên chỉ đáp ứng được những nhiệm vụ cấp bách, còn về chiến lược lâu dài vẫn chưa đáp ứng được.

Thực tế, cán bộ y tế dự phòng phải “gánh” rất nhiều việc, từ phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường cho đến y tế trường học, y tế lao động..., nên khi một bác sĩ hệ điều trị chuyển sang làm công tác YTDP sẽ phải mất một thời gian dài để làm quen với các chương trình và tự đào tạo mình để thích nghi với công việc.

Kinh phí: Thiếu trước, hụt sau

Chiến lược quốc gia về YTDP đã nêu rõ: "Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho YTDP" và Nghị quyết 18/2008/NQ-QH12 cũng khẳng định: “Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho YTDP”. Thế nhưng, trên thực tế, kinh phí cho phòng bệnh lại không có, hoặc có thì chẳng thấm vào đâu như kiểu “muối bỏ biển”. Ví dụ như TTYT thị xã Buôn Hồ - Đăk Lăk để có thuốc cấp phát cho các đối tượng ở cộng đồng thuộc các chương trình, trung tâm đã phải thương lượng với quầy thuốc để được mua chịu thuốc ở đây, đến thời điểm này, quầy thuốc “đòi tiền” trong khi kinh phí vẫn chưa được cấp, trung tâm rơi vào thế “bí” đành phải nhờ cấp trên can thiệp để trung tâm tiếp tục được nợ tiền thuốc đến khi có kinh phí cấp về. Người ta nói rằng, đầu tư cho YTDP một thì sẽ có lãi gấp ba lần, nhưng với sự đầu tư nhỏ giọt như hiện nay, công tác dự báo dịch cũng như phòng dịch rất khó. Nếu YTDP được đầu tư tốt thì có thể dự báo dịch trong vòng từ 5 - 10 năm và chủ động đề phòng đối với phó những dịch có khả năng xảy ra nhằm giảm thiểu nguy cơ...

Bài, ảnh: Kim Oanh - Thu Phương

Sau 5 năm triển khai thực hiện “Chuẩn quốc gia trung tâm YTDP tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2008 - 2015”, đến nay cả nước mới có 18 trung tâm YTDP tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn. Đó là các trung tâm ở Thái Nguyên, Yên Bái, Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nam Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tiền Giang, Cần Thơ và Bến Tre.  Để đạt được chuẩn quốc gia về YTDP, các trung tâm phải đáp ứng các tiêu chí của 10 chuẩn, mỗi chuẩn phải đạt 80% số điểm trở lên. Trong số đó, khó đạt nhất là chuẩn về nhân lực và cơ sở hạ tầng. Hiện nay, lĩnh vực YTDP đang phải đối mặt với thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng do chính sách đãi ngộ cán bộ làm công tác này còn hạn chế. Về cơ sở hạ tầng, đa số các trung tâm được xây dựng từ lâu, chật hẹp, trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu, đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, toàn diện từ nguồn ngân sách của địa phương.


Ý kiến của bạn