Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là bệnh do một loại virus thuộc họ Togaviridae ở trong nhóm B của các Flavivirus gây ra. Virus viêm não Nhật Bản xâm nhập vào cơ thể con người qua vết đốt của muỗi truyền bệnh.
Virus viêm não Nhật Bản được nhân lên trong một chu kỳ giữa muỗi và vật chủ khuếch đại, chủ yếu là lợn (heo) và chim cao cẳng. Số lượng virus phát triển tăng lên đủ số lượng cần thiết trong vật chủ. Tiếp theo sẽ truyền từ vật chủ này sang vật chủ kia qua trung gian muỗi đốt.
Có hơn 30 loài muỗi trung gian truyền bệnh virus viêm não Nhật Bản, đặc biệt là Culex Tritaeniorhynchus. C. Tritaeniorhynchus thường sinh sản trên ruộng lúa, đầm lầy và các vũng nước nông khác. Đây là muỗi cắn vào buổi tối và ban đêm.
Nguy cơ nhiễm virus viêm não Nhật Bản cao nhất là ở các vùng nông thôn, nông nghiệp. Một số trường hợp viêm não Nhật Bản đôi khi được báo cáo từ các khu vực thành thị.
Biểu hiện của viêm não Nhật Bản
Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 5 - 14 ngày, trung bình là 1 tuần.
Sau đó bệnh khởi phát rất đột ngột bằng sốt cao 39 - 40°C hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đặc biệt là vùng trán, đau bụng, buổn nôn và nôn.
Ngay trong 1 - 2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu. Về tâm thần kinh có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Những ngày đầu phản xạ gân xương tăng, xung huyết giãn mạch rõ. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi phân lỏng, đau bụng, nôn giống như nhiễm khuẩn - nhiễm độc ăn uống.
Lưu ý trong thời kỳ khởi phát đặc điểm nổi bật của bệnh là sốt cao đột ngột, hội chứng màng não và rối loạn ý thức từ nhẹ đến nặng (ly bì, kích thích, vật vã, u ám, mất ý thức hoàn toàn).
Thời kỳ khởi phát của bệnh tương ứng với lúc virus vượt qua hàng rào mạch máu - não tổn thương vào tổ chức não và gây nên phù nề não.
Thời kỳ toàn phát: Từ ngày thứ 3 - 4 đến ngày thứ 6 - 7 của bệnh.
Bước sang ngày thứ 3 - 4 của bệnh, các triệu chứng của thời kỳ khởi phát không giảm mà lại tăng lên. Từ mê sảng kích thích, u ám lúc đầu, dần dần bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần.
Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên: Vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí phế quản, do vậy khi nghe phổi có thể thấy nhiều ran rít, ran ngáy và cả ran nổ. Mạch ở bệnh nhân thường nhanh và yếu.
Nổi bật trong giai đoạn toàn phát là sự xuất hiện các triệu chứng tổn thương não nói chung và tổn thương thần kinh khu trú. Bệnh nhân cuồng sảng, ảo giác, kích động, tăng trương lực cơ kiểu ngoại tháp làm cho bệnh nhân nằm co quắp. Trong trường hợp tổn thương hệ thống tháp nặng có thể thấy co giật cứng hoặc giật rung các cơ mặt và cơ chi hoặc bại liệt cứng. Ở một số bệnh nhân xuất hiện trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế (Catalepsia).
Thời kỳ này tương ứng với thời kỳ virus xâm nhập vào các tế bào não gây hủy hoại các tế bào thần kinh.
Tóm lại thời kỳ toàn phát của bệnh viêm não Nhật Bản diễn ra ngắn. Do tổn thương các tế bào thần kinh về não, Hypothalamus và rối loạn các trung khu dưới vỏ đã làm cho bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu với sự rối loạn các chức năng sống. Do vậy bệnh nhân thường tử vong trong vòng 7 ngày đầu. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.
Thời kỳ lui bệnh: Với những biến chứng và di chứng (từ ngày thứ 7, 8 trở đi).
Thông thường bước sang tuần thứ 2 của bệnh, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ và vào khoảng từ ngày thứ 10 trở đi thì nhiệt độ trở về bình thường nếu như không có bội nhiễm vi khuẩn khác.
Cùng với nhiệt độ, mạch cũng chậm dần về bình thường, thở không rối loạn. Hội chứng não - màng não cũng dần dần mất: Bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh, trương lực cơ giảm dần và không còn những cơn co cứng. Bênh nhân hết nôn và đau đầu, gáy mềm, các dấu hiệu màng não cũng trở về âm tính.
Trong khi hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc và hội chứng não - màng não giảm dần thì các tổn thương thần kinh khu trú lại rõ hơn trước.
Bệnh nhân có thể bại và liệt chi, liệt các dây thần kinh sọ não hoặc rối loạn sự phối hợp vận động... thời kỳ này có thể xuất hiện những biến chứng sớm như: Viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm, phải hô hấp viện trợ hoặc hút đờm rãi khô vô trùng, viêm bể thận, bàng quang do phải thông tiểu hoặc đặt sond dẫn lưu, loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm và rối loạn dinh dưỡng... Những di chứng sớm có thể gặp là: Bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa giật múa vờn, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần...
Từ cuối tuần thứ 2 trở đi là thời kỳ của những biến chứng và di chứng muộn. Những biến chứng muộn có thể gặp là: Viêm bể thận - bàng quang, loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá. Những di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm hoặc thậm chí hàng chục năm, thường gặp là động kinh và Parkinson.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng ngừa virus viêm não Nhật Bản, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau đây:
- Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng.
- Nên cho trẻ ngủ màn để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.
- Thực hiện tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng vaccine được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên).
- Tiêm chủng cần đảm bảo 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1 - 2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó cần cho trẻ tiêm nhắc lại mỗi ba năm một lần cho đến 15 tuổi.
- Khi đã mắc bệnh, việc điều trị chủ yếu chỉ tập trung vào việc giảm triệu chứng viêm não Nhật Bản. Chủ động cho trẻ tiêm vaccine và tuân thủ lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
Bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản là nam sinh năm 2004, trú tại xã Krông Jing, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Ngày 18/4/2024 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao, mệt mỏi. Ngày 20/4/2024 bệnh nhân được người nhà đưa đi khám, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk, đến ngày 23/4/2024 chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.
Ngày 25/4/2024 bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM tiếp tục điều trị, kết quả xét nghiệm ngày 9/5/2024 cho thấy, bệnh nhân dương tính với virus viêm não Nhật Bản.