Đắk Lắk ghi nhận 5 trường hợp mắc sởi

16-07-2024 11:27 | Y tế
google news

SKĐS - Sáng 16/7, Th.S.BS Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay tỉnh ghi nhận 5 trường hợp mắc sởi.

Những trường hợp mắc bệnh sởi rải rác tại các huyện Cư Kuin, Buôn Đôn, Krông Buk và TP. Buôn Ma Thuột. Trong đó, có 3 trường hợp chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi.

Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, CDC Đắk Lắk đã nhanh chóng phối hợp cùng Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai xử lý môi trường bằng hóa chất Cloramin B0,5% tại khu vực xung quanh nhà bệnh nhân bán kính 200m; khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ ăn uống, nơi sinh hoạt của trẻ… Đồng thời, tiến hành điều tra, rà soát thống kê tất cả đối tượng dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử đã tiêm vaccine phòng bệnh sởi, sởi – rubella; lập kế hoạch, dự trù vaccine và tổ chức tốt các hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng này.

Đắk Lắk ghi nhận 5 trường hợp mắc sởi- Ảnh 1.

Bệnh nhi mắc bệnh sởi đang được chăm sóc, theo dõi và điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Đến nay đã 4/5 trường hợp mắc bệnh đã xuất viện, sức khỏe ổn định và không để lại di chứng. Hiện còn bệnh nhi T.N.U.N (SN 2023, trú tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện.

"Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng bệnh sởi là do địa phương không đủ vaccine tiêm phòng bệnh sởi trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Hiện vaccine đã về đủ, tỉnh đang tập trung rà soát những trẻ chưa tiêm phòng vaccine tại các địa phương có ca bệnh để tiến hành tiêm bù, tiêm vét. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông để người dân nâng cao ý thức trong công tác phòng bệnh và chủ động đưa con đến các cơ ở y tế để tiêm phòng", thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc chia sẻ.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Để chủ động phòng bệnh sởi, người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

  • Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine Sởi – Rubella đầy đủ và đúng lịch.
  • Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
  • Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
  • Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
  • Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Xem thêm bài viết: Đắk Lắk ghi nhận một ổ dịch bệnh sởi, dấu hiệu phát hiện sớm bệnh này

Đắk Lắk ghi nhận một ổ dịch bệnh sởi, dấu hiệu phát hiện sớm bệnh nàyĐắk Lắk ghi nhận một ổ dịch bệnh sởi, dấu hiệu phát hiện sớm bệnh này

SKĐS - Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một ổ dịch bệnh sởi tại huyện Cư Kuin với 2 trường hợp dương tính với bệnh sởi. Vậy, cha mẹ cần làm gì để phát hiện sớm căn bệnh này?


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn