Số ca mắc sốt rét thời điểm này tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, tập trung ở các huyện: Ea Kar, Krông Năng, Ea H’Leo, Buôn Đôn, Ea Sup và Cư M’Gar. Đặc biệt, tại huyện Ea Ka, số bệnh nhân mắc bệnh tăng đến 60 trường hợp so với cùng kỳ 2018. Các trường hợp mắc bệnh chủ yếu tập trung ở 2 xã gần rừng quốc gia Ea Sô là Ea Sô và Ea Sa với 41 trường hợp.
Theo ThS.BS. Hoàng Hải Phúc - Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Đăk Lăk, bệnh nhân mắc sốt rét tăng cao là do sự phục hồi của véc tơ truyền bệnh ở các địa bàn trước đây đã tồn tại sốt rét. Ngoài ra, ý thức phòng bệnh của người dân đi rừng, ngủ rẫy chưa cao. Mặc dù ngành y tế đã cấp võng, màn, kem xua muỗi và hướng dẫn cách phòng chống bệnh sốt rét nhưng người dân không thực hiện khiến số ca mắc sốt rét tăng nhanh và lây lan trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, những năm qua, kinh phí cho hoạt động phòng chống sốt rét còn hạn hẹp. Đơn cử như năm 2017, kinh phí địa phương không có, kinh phí Trung ương thì cấp chậm, dẫn đến các hoạt động phòng chống sốt rét bị ảnh hưởng.
Trước tình trạng bệnh nhân mắc sốt rét gia tăng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch, ngành y tế đang tích cực phối hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống.
Bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế, chính quyền địa phương, người dân cần nâng cao ý thức trong phòng chống bệnh sốt rét. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Đăk Lăk đã tham mưu cho Sở Y tế có chỉ đạo và tuyên truyền tới người dân, đặc biệt là các huyện có sốt rét gia tăng để người dân hiểu về phòng chống sốt rét cũng như khi có dấu hiệu như sốt phải đến trạm y tế để khám và điều trị ngay.
“Đồng thời cũng chỉ đạo các bệnh viện đa khoa ở các tuyến luôn luôn sẵn sàng khi có bệnh nhân sốt rét phải tích cực điều trị, chủ động khống chế không cho bệnh nhân sốt rét trở thành ác tính”, ông Phúc cho biết.
Vì vậy, việc phòng chống sốt rét cần được người dân chú ý quan tâm hơn nữa, đối với người thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu biên giới, giao lưu dân cư với các tỉnh lân cận, cần sử dụng màn, võng, kem xua muỗi... của ngành y tế cấp để phòng chống sốt rét.
Đặc biệt, khi có các dấu hiệu: sốt kéo dài, rét run, vã mồ hôi, tiêu chảy, đau đầu, cần đến ngay cơ sở y tế để khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời. Ngoài ra, những trường hợp sốt mà trước đó 14 ngày có đi vào địa phương có bệnh sốt rét lưu hành hoặc trường hợp bị sốt mà trước đó có tiền sử bị sốt rét thì cũng nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Được biết, những năm gần đây, công tác phòng chống sốt rét của tỉnh Đăk Lăk đã đạt được mục tiêu về giảm tỷ lệ mắc, tử vong và vùng sốt rét lưu hành, nhưng số bệnh nhân sốt rét phát hiện hàng năm vẫn còn đứng ở mức cao so với khu vực và cả nước. Thế nhưng, người dân trong tỉnh đã bắt đầu chủ quan, đi rừng, ngủ rẫy không mang theo võng màn, ở vùng sốt rét lưu hành nhưng không sử dụng màn tẩm hóa chất diệt muỗi mà ngành y tế cấp.