Bệnh viện quá tải
Từ đầu năm đến nay Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận và điều trị khoảng 800 bệnh nhân sốt xuất huyết. Đặc biệt là từ đầu tháng 8 đến nay, số ca sốt xuất huyết tăng mạnh, có thời điểm Khoa tiếp nhận điều trị cho 150 bệnh nhân.
Trong số các ca nhập viện có đến 5% nằm trong số ca bệnh nặng, nhóm cảnh báo chiếm 50% và nhóm nhẹ chiếm khoảng 40-45%.
Bệnh nhân nhập viện gia tăng khiến cho công tác khám chữa bệnh rơi vào tình trạng quá tải.
"Đặc biệt thiếu về nhân lực, hiện tại khoa đã được tăng cường 3 điều dưỡng, 2 bác sĩ nâng tổng số y, bác sĩ tại khoa lên 20 đến 22 người nhưng phục vụ có lúc lên 150 bệnh nhân mà số giường bệnh và phòng bệnh cũng hết, thậm chí có những lúc phải kê hành lang, phải nằm giường xếp", bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chia sẻ.
Điều đáng nói, không chỉ sốt xuất huyết mà các ca bệnh COVID-19 cũng rục rịch gia tăng trong thời gian gần đây tại địa phương này.
Nếu như khoảng một tháng trước, tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 nào nhưng trong khoảng vài tuần trở lại đây, đặc biệt trong tuần qua, Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng 20 bệnh nhân mắc COVID-19. Hầu hết các bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị đều thuộc nhóm trung bình và nặng.
Trong đó có một số trường hợp bệnh nhân mắc cùng lúc cả sốt xuất huyết và COVID-19 trên nền cơ địa suy giảm miễn dịch, có những bệnh lý nền mãn tính và các trường hợp này diễn tiến sức khỏe rất nặng nề.
Hiện nay dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Đến nay địa phương này đã ghi nhận gần 3.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 5 người tử vong. Bình quân mỗi ngày, ghi nhận từ 30 đến 50 người mắc sốt xuất huyết.
BS Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào cuối tháng 8 và tháng 9. Bệnh nhân tăng sẽ không tránh khỏi sự quá tải tại các cơ sở điều trị bệnh. Để giảm thiểu tình trạng này, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường, nếu phát hiện bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nhiều biện pháp được triển khai nhằm ngăn chặn dịch bệnh gia tăng
Trước việc gia tăng trở lại các trường hợp mắc COVID-19 và diễn biến phức tạp của dịch SXH, nguy cơ hiện hữu dịch chồng dịch (bệnh COVID-19 và SXH Dengue) cùng khả năng xâm nhập, xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox), Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương trong tỉnh chủ động, quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
Trong đó đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở theo dõi chặt chẽ, bám sát các diễn biến của tình hình dịch và rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó để ngăn chặn sự xâm nhập và khống chế dịch bệnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, phát tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình... tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.
Tiếp tục truyền thông về tiêm vaccine lợi ích, hiệu quả của vaccine; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch "2K" (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vaccine + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp khác.
Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19; thực hiện "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, nhất là những đối tượng nguy cơ cao, học sinh trước ngày tựu trường, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân…