Hà Nội

Đại văn hào nước Nga và hội chứng cảm giác đi kèm

25-12-2010 08:20 | Thời sự
google news

Khoa học từng nghiên cứu về một hiện tượng có tên gọi synaesthesia hay hiện tượng cảm giác đi kèm như một hội chứng khó lý giải xuất hiện ở một số ít người trên thế giới.

Khoa học từng nghiên cứu về một hiện tượng có tên gọi synaesthesia hay hiện tượng cảm giác đi kèm như một hội chứng khó lý giải xuất hiện ở một số ít người trên thế giới. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần là một dạng bệnh kỳ lạ do đột biến gen, synaesthesia còn tạo nên những khả năng đặc biệt ở con người. Một số nhân vật nổi tiếng mắc hội chứng cảm giác đi kèm synaesthesia từng được biết đến trên thế giới bao gồm: nhà vật lý học Richard Feynman, hoạ sĩ Wassily Kandinsky và không thể không kể đến đại văn hào nổi tiếng nước Nga Vladimir Nabokov.

Khả năng cảm nhận màu sắc qua âm thanh

Sinh thời, nhà văn Nabokov được biết đến là một con người có khả năng đặc biệt. Ông có thể cảm nhận được màu sắc qua các âm thanh xung quanh mình. Với ông, mỗi một âm thanh riêng biệt đều tương ứng với một màu sắc.

 Đại văn hào nước Nga Vladimir Nabokov.

Tương tự như trường hợp của Nabokov, hoạ sĩ Kandinsky có thể nghe nhạc mà vẽ nên các bức tranh. Với ông, mỗi âm thanh đều tạo cho ông cảm hứng pha trộn nên một màu sắc khác nhau. Quan sát tranh ông, người xem hẳn sẽ vô cùng thú vị vì sự phối hợp của các màu sắc trong các nét vẽ theo như người hoạ sĩ lý giải giống như là một bản nhạc hoà tấu.

Nhà vật lý học từng đạt giải Nobel vật lý Richard Feynman là một ví dụ điển hình khác về người mắc chứng cảm xúc đi kèm – synaesthesia. Với ông, các phương trình toán học hay biểu thức vật lý học dường như tương ứng với một màu sắc khác nhau.

Điều đặc biệt mà trạng thái cảm xúc đi kèm mang lại cho những người mang trong mình gen đột biến gây hiện tượng này là họ có khả năng cảm nhận những điều mà người thường không thể cảm nhận được. Trước mỗi bức hoạ, hoạ sĩ Kandinsky có thể đọc được trong đó ẩn chứa những âm thanh nào từ các màu sắc được phối trên tranh. Bản thân nhà văn Nabokov cũng tâm sự: “Tuy nghe một âm thanh, song trong đó phản ánh cả màu sắc. Không chỉ có âm nhạc ẩn chứa trong mỗi bức hoạ, mà ở đó còn có cả ánh sáng”. Sự cảm nhận sinh động này khiến cho các tác phẩm văn học của Nabokov trở nên lung linh sắc màu và thể hiện sự cảm nhận một cách tinh tế của chính bản thân nhà văn.

Mặc dù hội chứng cảm giác đi kèm là một hiện tượng do lỗi gen tạo ra, có thể xem như một dạng khiếm khuyết về thể chất bởi nó làm thay đổi các cảm nhận thông thường của con người trước các sự vật, chẳng hạn thay đổi thính giác, thị giác… hoặc có sự pha trộn cảm giác một cách kỳ lạ như từ việc nhìn thấy màu sắc lại có cảm giác như đang nghe thấy một âm thanh, hay như từ việc cảm nhận vị giác lại có cảm giác về kết cấu của sự vật…

Tiếp cận của khoa học với hiện tượng cảm giác đi kèm

Tiến sĩ David Eagleman thuộc Trường đại học dược Baylor – Sandiego – Mỹ cho biết: Hiện tượng cảm giác đi kèm hiện có khoảng 100 dạng được xếp thành 5 nhóm khác nhau (xếp theo sự ảnh hưởng tới giác quan) và đã tác động tới khoảng hơn 1 - 4% dân số trên thế giới. Phần lớn là do hiện tượng di truyền gen bị lỗi. Tiến sĩ Eagleman và các đồng nghiệp của mình đã lập một website để thu thập thông tin và đã nhận được phản hồi từ 9.000 người có biểu hiện của synaesthesia trên khắp thế giới. Với các dạng phổ biến nhất là: cảm giác màu sắc đi kèm với âm thanh; cảm giác âm thanh đi kèm với mùi vị; hay vị giác đi kèm với cảm giác (đau đớn, giận dữ…); cảm xúc đi kèm với màu sắc….

Hiện các nhà khoa học xếp cảm giác đi kèm theo 2 nhóm nghiên cứu chính: “projector” (cảm giác đi kèm đối với các cảm nhận về thế giới bên ngoài) và “associator” (cảm giác đi kèm chỉ diễn ra trong tư duy của người bệnh). Ở cả hai dạng cảm giác đi kèm nói trên, quét não cho thấy có sự phát triển và tăng lên về số lượng các tế bào thần kinh trong não. Điều này cho phép hệ thống kết nối thông tin, đặc biệt là thông tin truyền dẫn cảm giác, hình ảnh, âm thanh ở những người có cảm giác đi kèm phát triển hơn não của người bình thường. Do đó, cảm nhận ở họ có sự khác biệt, đa dạng, phong phú và sinh động hơn.

Nghiên cứu cấu tạo não bộ và phân tích sự khác nhau giữa não của người bị mắc hội chứng cảm giác đi kèm và não của người không bị mắc hội chứng cảm giác đi kèm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy có sự khác biệt, mà rõ nhất là về số lượng chất xám và hoạt động của một số nơron thần kinh tại các khu vực não liên quan đến khả năng nhận biết hình ảnh, màu sắc, khả năng đọc, viết…

Những cản trở của hiện tượng lạ đối với con người

Bên cạnh những mặt tích cực mà hội chứng cảm giác đi kèm mang lại, chẳng hạn như làm đa dạng cảm xúc của người cảm nhận, synaesthesia cũng gây nên nhiều hạn chế cho người mang hội chứng này. Đó là sự xuất hiện của những cảm giác bất thường, lệch lạc so với những người xung quanh, dễ dẫn tới sự mặc cảm cho bản thân những người bệnh. Đôi khi họ không thể phân biệt được chính thế giới mà mình đang sống đang diễn biến ra sao hoặc lầm tưởng cảm nhận của người khác cũng giống mình. Điều đó khiến cho những người mang hội chứng synaesthesia muốn quay trở lại thế giới thực tế và thoát khỏi sự ảnh hưởng của hội chứng lạ.

 Hiện tượng cảm giác đi kèm xảy ra do lỗi gen xuất hiện trên chuỗi chromosome 16.

Mặc dù là hội chứng xảy ra do hiện tượng lỗi gen (hiện tượng cảm giác đi kèm xảy ra do lỗi gen xuất hiện trên chuỗi chromosome 16), song synaesthesia có thể thuyên giảm nhờ vào việc điều trị tích cực.

Bằng cách kích thích vào bề mặt của vùng não thuỳ thái dương – vùng não có liên quan đến quá trình xử lý thông tin về ký tự, màu sắc và hình dáng vật thể, nhóm nghiên cứu của giáo sư Romke Rouw – Trường đại học Amsterdam – Hà Lan đã  chỉ ra rằng: Một số dạng cảm giác đi kèm có thể chấm dứt khi ức chế hoạt động của một số nơron thần kinh gây ra cảm giác đi kèm này tại một phần trung khu vỏ não. Sử dụng công nghệ voxel - based morphometry cho phép phát hiện: trong não bộ của những người mắc hội chứng cảm giác đi kèm có sự tăng lên của một lượng lớn chất xám trong vùng não trung tâm - hippocampus.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu Danko Nikolic thuộc Viện nghiên cứu não Max Planck - Đức khi nghiên cứu về hiện tượng cảm giác đi kèm cũng phát hiện ra rằng: tư tưởng của con người cũng có thể kích thích hình thành trạng thái cảm giác đi kèm.

Minh ngọc  (Theo The Independent)


Ý kiến của bạn