Đó là những lời tâm sự rất mộc bạc, chân tình của thầy giáo quân hàm xanh Hồ Manh (sinh năm 1986) công tác tại đồn biên phòng Làng Mô - Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình .
Bản Dốc Mây Ở Dốc Mây gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, có nhiều thứ “không”: Không điện, nước sạch, sóng điện thoại....
Lớp học đặc biệt với nhiều cái “không”
Dốc Mây (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) nằm giáp với biên giới 2 nước Việt - Lào, tách biệt với bên ngoài, không có đường đi vào, địa hình hiểm trở, có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, cách trung tâm xã Trường Sơn khoảng 7 km đường chim bay. Dân bản Dốc Mây chỉ có khoảng 20 hộ, 100% là hộ nghèo, đời sống của đồng bào chủ yếu dựa vào nương rẫy, tự cung, tự cấp. Do đường đi lại hiểm trở, phải đi hết nửa ngày đường mới ra tới trung tâm nên rất ít khi người dân đi ra ngoài, bà con chỉ đi ra trung tâm khi cần mua những đồ dùng thiết yếu như muối, mắm, đồ dùng….
Mỗi dịp vào bản Dốc Mây, Đại úy Hồ Manh và đồng đội đồn biên phòng Làng Mô thường mang trên lưng balo nặng khoảng hơn 30 kg. Ngoài súng, đạn, những vũ khí của người lính, trên vai Đại úy Hồ Manh còn gùi những nhu yếu phẩm dùng cho cá nhân trong khoảng 10 ngày như: gạo, muối, chăn màn và bút, sách, vở cho bà con dân bản…
Đại Úy Hồ Manh trên quãng đường hành quân 7km đường rừng đem con chữ vào với bà con Dốc Mây
“Ở Dốc Mây này có nhiều thứ “không”: không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, không ti vi, không đài báo… Khoảng thời gian mỗi lần 10 ngày vào bản dạy chữ cho bà con, mình cảm giác như cách biệt với hẳn thế giới bên ngoài. Nếu gia đình có tin báo gì cũng đành chịu” – Đại úy Hồ Manh chia sẻ.
Lớp học của Đại úy Hồ Manh thật đặc biệt, không giống như những lớp học bình thường khác. Lớp học không diễn ra vào ban ngày mà thường bắt đầu từ 18h tới 21h đêm, dưới ánh điện tù mù của đèn pin, tiếng học sinh học đánh vần, tập đọc, làm tính không phải tiếng bi bô của những em nhỏ mà là giọng đọc to, khỏe của những người từ 14, 15 và cả những người già trên 60 tuổi.
Lớp học xóa mù của bà con bản Dốc Mây bắt đầu từ 18h tới 21h đêm, dưới ánh điện tù mù của đèn pin
Mùa nắng đường vào bản đã vất vả, mùa mưa càng nguy hiểm hơn. Vì vậy, trong ba lô của Đại úy Hồ Manh và đồng đội khi lên bản lúc nào cũng sẵn sàng áo mưa và tấm nilon khổ rộng cùng với chiếc võng để phòng trường hợp mưa rừng, nước khe dâng cao không thể qua được suối.
Bản Dốc Mây sát cạnh con suối Dốc Mây nước róc rách bốn mùa. Con suối cung cấp nước cho bà con sinh hoạt, nấu ăn tắm giặt. Con suối cũng là nguồn cung cấp cá, ốc cho dân làng trong những ngày hết lương thực. Bà con thường bắt cá suối mang về nấu với măng rừng, hay xào với hoa chuối rừng dùng trong các bữa ăn hàng ngày.
Nói về nguồn ánh sáng của lớp học buổi tối, Đại úy Hồ Manh chia sẻ: bản chưa có điện, ánh sáng của lớp học buổi tối lấy từ đập thủy điện tự chế của bà con nên cũng phập phù lúc có lúc không. Vào mùa khô, suối cạn hoặc hôm nào nước suối chảy yếu, bà con lại dùng đèn pin để học. “Trên con suối Dốc Mây có 4 cái đập thủy điện của 4 hộ dân. Họ tự ngăn suối tích nước rồi mua máy về lắp vào làm thủy điện cho gia đình dùng. Nước suối nhỏ, cạn nên ban ngày họ đóng đập tích nước, ban đêm xả nước để phát điện. Ngoài 4 hộ có điện dùng, còn các hộ khác thì đêm về mang đèn pin, ăc quy sang để xin nạp điện nhờ”.
Niềm vui của người thầy giáo có những học trò 60 tuổi hoàn thành chương trình lớp 2…
Chứng kiến lớp học đặc biệt xóa mù của Đại úy Hồ Manh nơi bản Dốc Mây heo hút, những người thủ trưởng của đồn biên phòng bản Mô đã rơi nước mắt khi nhìn hình ảnh mỗi tối, gà vừa lên chuồng, từ 18h tới 21h, trong những phòng học tềnh toàng, không có điện, mấy chục bà con dân bản từ 14, 15, tới 60 tuổi lại miệt mài đánh vần những con chữ phát ra từ những khoảng sáng nhỏ yếu ớt ở những chiếc đèn pin gắn ngay trên đầu mỗi người.
“Bà con dân bản rất thích được học chữ, được nghe bộ đội nói chuyện. Có những người trên 60 tuổi dù ngày đi nương rẫy nhưng buổi đêm vẫn hứng thú học đọc, học viết Bà con nói: đọc chữ có nhiều cái lợi: Mỗi lần bị ốm, bộ đội cho thuốc sẽ biết uống thuốc buổi nào, sáng hay chiều, đi ra chợ biết trả tiền để mua gạo, muối, biết đọc chữ trên các gói hàng cần mua…” Đại úy Hồ Manh chia sẻ.
Cũng là con em của Đồng bào Bru Vân Kiều, bản thân thấu hiểu sự vất vả, thiếu thốn, Đại úy Hồ Manh càng quyết tâm thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn Làng Mô đã giao.
Suốt 2 năm qua, Đại úy Hồ Manh đã tổ chức và tham gia giảng dạy xóa mù chữ giúp bà con biết đọc, biết viết và biết tính toán đến 100, từ đó vận dụng vào quá trình sản xuất, ổn định đời sống. Đến nay, Đại úy Hồ Manh đã đã hoàn thành giảng dạy chương trình lớp 1, 2 và đang triển khai giảng dạy chương trình lớp 3 cho bà con ở Dốc Mây.
Trưởng bản Dốc Mây - ông Hồ Văn Hải (sinh năm 1968) cũng đã học xong chương trình lớp 2 do Đại úy Hồ Manh giảng dạy và mới được kết nạp vào Đảng
Nói về sự trưởng thành của những “học trò đặc biệt” của mình Đại úy Hồ Manh không dấu nổi niềm vui: Vừa rồi, người trưởng bản Dốc Mây là ông Hồ Văn Hải (sinh năm 1968) cũng đã học xong chương trình lớp 2 do anh đứng lớp, bác ấy thích học chữ lắm, cán bộ đồn mình cũng vừa làm xong hết thủ tục kết nạp bác vào Đảng nên bác ấy rất xúc động.
Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân trong việc dạy xóa mù chữ cho đồng bào Dốc Mây, trong quá trình thực hiện, Đại úy Hồ Manh còn triển khai được 30 lượt cán bộ chiến sĩ nữa tham gia về bản Dốc Mây giảng dạy.
Đại úy Hồ Manh và bà con dân bản Dốc Mây
Qua khảo sát, Đại úy đã tham mưu cho đơn vị phối hợp với Chính quyền địa phương xã Trường Sơn, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới nhận đỡ đầu cho 4 em, thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên và dạy thêm cho các em; vào dịp năm học mới mua thêm dụng cụ học tập tặng các cháu. Đến nay 2 em đã được đi học tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, 1 em học bán trú. Tổng kết năm học 2016-2017, 1 em đạt học sinh giỏi, 2 em đạt học sinh tiên tiến và 1 em đạt học lực trung bình.
Bao nhiêu thế kỷ trôi qua, vị thế người lính của ngày hôm nay đã khác xưa, nhưng những khó khăn của biên cương thì chưa nhiều thay đổi. Vẫn quanh năm heo hút chốn rừng sâu, Đại úy Manh vẫn luôn tâm niệm: Đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt, có lẽ nào để nhân dân, các em, các cháu nhỏ không được đến trường, có lẽ nào để các em, các cháu phải thiếu ăn, rét mướt…có lẽ nào ? Bao nhiêu dấu hỏi hằng đêm khi nghĩ về đồng bào nơi biên giới.
Đại úy Hồ Manh dạy lớp xóa mù chữ cho bà con bản Dốc Mây
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đại úy Hồ Manh luôn trăn trở tìm mọi cách giúp đỡ nhân dân bằng cách kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn chung tay sẻ chia với nhân dân bằng vật chất, tinh thần mỗi khi có điều kiện.
Khi mùa đông lạnh thì áo quần, lúc giáp hạt thì đôi ba cân gạo, dầu ăn, mắm muối…các em nhỏ có thêm gói kẹo mỗi khi tết đến xuân về. Trong thiên tai, bão lũ thì kịp thời động viên tinh thần tổ chức kêu gọi mọi người hỗ trợ vật chất, tinh thần giúp đỡ nhân dân khắc phục khó khăn vượt qua hoạn nạn.
Giữa chốn rừng sâu, núi thẳm, đồng bào vẫn luôn khát khao những con chữ và luôn rất cần những người thầy giáo dũng cảm, với trái tim nhiệt huyết như Đại úy Hồ Mây.
Một số hình ảnh về bản Dốc Mây do chiến sĩ đồn biên phòng Làng Mô cung cấp.
Dốc Mây hoang sơ gần như tách biệt với thế giới bên ngoài
Đại úy Hồ Manh
Trẻ em bản Dốc Mây
Lớp học xóa mù chữ dưới ánh đèn pin ở bản Dốc Mây
Đại úy Hồ Manh cùng các chiến sĩ đồn biên phòng Làng Mô sinh hoạt với bà con bản Dốc Mây