Mắc đái tháo đường làm huyết áp cao khó điều trị
Thật không may, bệnh đái tháo đường làm cho huyết áp cao trở nên khó điều trị hơn, và huyết áp cao làm cho bệnh đái tháo đường càng nguy hiểm hơn trong điều trị và tiên lượng.
Về mặt thống kê trong các nghiên cứu về bệnh đái tháo đường tuýp 2, dữ liệu đã chỉ ra rằng gần 75% bệnh nhân có vấn đề về thận, một biến chứng thường gặp trong đái tháo đường tuýp 2 mắc kèm bệnh tăng huyết áp.
Ở những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 nhưng không có vấn đề về thận, tỷ lệ tăng huyết áp là khoảng 40%. Nhìn chung, khi tính trung bình theo thể bệnh đái tháo đường và độ tuổi, khoảng 35% tất cả những người mắc bệnh đái tháo đường bị tăng huyết áp.
Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp có xu hướng xảy ra cùng nhau vì chúng có chung một số đặc điểm sinh lý bệnh tương đồng, nghĩa là những tác động gây ra cho mỗi bệnh có xu hướng làm cho bệnh khác có nhiều khả năng xảy ra theo. Trong cả hai trường hợp bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp, có những thay đổi sinh lý bệnh giống nhau, bao gồm:
- Tăng thể tích ứ dịch trong cơ thể: Bệnh đái tháo đường làm tăng tổng lượng chất lỏng trong cơ thể, do đó có xu hướng làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
- Tăng độ cứng động mạch: Bệnh đái tháo đường có thể làm giảm khả năng co giãn của các mạch máu, vì vậy gây ra tăng huyết áp.
- Độ nhạy cảm insulin bị suy giảm: Những thay đổi trong cách cơ thể sản xuất và tác dụng của insulin có thể trực tiếp gây tăng huyết áp.
Một số yếu tố nguy cơ giống nhau của đái tháo đường và tăng huyết áp
- Thừa cân béo phì: Thừa cân béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ mắc cả bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Đối với bệnh tiểu đường tuýp 2, yếu tố nguy cơ số một là béo phì. Trọng lượng lớn hơn có nghĩa là nguy cơ kháng insulin cao hơn vì chất béo cản trở khả năng sử dụng insulin của cơ thể, dẫn đến đái tháo đường tuýp 2. Và khi bạn tăng cân, huyết áp cũng tăng lên. Ngoài ra, béo phì và thừa cân cũng có thể phát triển chứng ngưng thở khi ngủ và ảnh hưởng đến huyết áp của bạn.
Hướng giải quyết: Giảm cân là một trong những thay đổi lối sống có hiệu quả nhất để kiểm soát đường máu và huyết áp. Là người trưởng thành Việt Nam, giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 23 và trên 18,5 (dành cho người châu Á). Nếu chỉ số BMI của bạn trên 23 là thừa cân và trên 25 là béo phì. Kiểm soát vòng eo trong giới hạn cho phép: Đàn ông <90 cm và phụ nữ <80 cm theo chuẩn người châu Á.
Để tính BMI của bạn, bạn chia trọng lượng của bạn (tính bằng kilôgam) cho bình phương của chiều cao (tính bằng mét). Ví dụ, nếu bạn nặng 70kg và cao 1,75 m, chỉ số BMI của bạn là 70/ (1,75 x 1,75), tức là 22,9.
- Lối sống ít vận động: Không hoạt động và thừa cân liên quan mật thiết với nhau với bệnh đái tháo đường tuýp 2 và tăng huyết áp. Các tế bào cơ có nhiều thụ thể insulin hơn tế bào mỡ, vì vậy một người có thể giảm kháng insulin bằng cách tập thể dục. Hoạt động nhiều hơn cũng làm giảm lượng đường trong máu bằng cách giúp insulin hoạt động có hiệu quả hơn.
Hướng giải quyết: Bạn cần phải duy trì lối sống tích cực để giữ sức khỏe và kiểm soát huyết áp của mình. Đi bộ 30 phút mỗi ngày và tối thiểu đạt 05 ngày trong một tuần thường là đủ để tạo sự khác biệt. Nếu không có 30 phút liên tục để tập thể dục thì có thể tập 10-15 phút/lần, vài lần mỗi ngày. Tập thể dục có thể giúp giảm huyết áp của bạn khoảng 4-9mmHg.
- Thói quen ăn uống không lành mạnh: Quá nhiều chất béo, không đủ chất xơ và quá nhiều carbohydrate đơn giản đều góp phần hình thành đái tháo đường tuýp 2 và tăng huyết áp. Ăn uống không lành mạnh góp phần lớn vào bệnh béo phì, 90% những người được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 có tình trạng thừa cân, béo phì.
Hướng giải quyết: Ăn uống lành mạnh là có thể làm đảo ngược hoặc ngăn ngừa đái tháo đường tuýp 2. Bạn nên ăn ít nhất 5 phần rau và trái cây mỗi ngày để đạt được sức khỏe tốt nhất. Bạn vẫn dùng carbohydrate trong chế độ ăn uống để cung cấp năng lượng hàng ngày; nên ăn gạo nâu, bánh mì nguyên hạt và các loại ngũ cốc nguyên hạt. Tiêu thụ ít sữa và các sản phẩm sữa nhiều chất béo. Cắt giảm đường, vì đường là nhân tố đóng góp chính cho BMI cao hơn; không ăn nhiều hơn 6 muỗng cà phê đường trong một ngày.
Tránh thức uống có vị ngọt và luôn luôn kiểm tra nhãn thực phẩm có hàm lượng đường cao; lựa chọn thức ăn ít đường hoặc không có đường. Tránh các thực phẩm chế biến vì không chỉ có lượng carbs cao, mà còn chứa lượng đường và muối không tốt.
Ăn một bữa sáng lành mạnh: Có một bữa sáng lành mạnh giúp trao đổi chất tốt và sẽ cung cấp cho bạn năng lượng cần cho cả ngày. Thêm vào đó, một bữa sáng lành mạnh cũng sẽ ngăn chặn cơn thèm ăn dẫn đến ăn uống quá nhiều không cần thiết. Không nên ăn sau 8 giờ tối vì sự trao đổi chất trong cơ thể của bạn chậm lại vào buổi tối.
Chỉ cần giảm chút ít muối trong chế độ ăn uống của bạn có thể làm giảm huyết áp từ 2-8 mmHg. Nói chung, hạn chế lượng muối dưới 2.300mg mỗi ngày hoặc ít hơn. Đừng thêm muối, chỉ cần 1 muỗng cà phê muối đã có 2.300 mg natri, nhưng bạn nên hạn chế dưới 1.500mg nếu bạn đang tăng huyết áp.
- Cholesterol máu cao: Cholesterol cao không chỉ làm hỏng mạch máu của bạn mà còn là thành phần chính trong hội chứng chuyển hóa. Nghiên cứu cho thấy hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp và đái tháo đường tuýp 2.
Hướng giải quyết: Trên 40 tuổi, bạn nên xét nghiệm cholesterol máu định kỳ, nhằm phát hiện sớm rối loạn mỡ máu và can thiệp kịp thời. Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 càng cao. Ngay cả một người già gầy, vẫn có thể dễ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng tuyến tụy có cùng tuổi với chúng ta và không sản xuất insulin hiệu quả như khi chúng ta còn trẻ. Ngoài ra, khi các tế bào trong cơ thể già đi, cho thấy tế bào trở nên kháng insulin nhiều hơn.
Đồng thời lớn tuổi thường đi kèm với tình trạng xơ vữa động mạch tăng rõ, và là nguyên nhân chính làm tăng huyết áp. Đó là lý do thường thấy cả bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp gặp trên người cao tuổi.
Mời độc giả xem thêm video dưới đây:
Muốn mắt sáng, hãy tăng cường những loại thực phẩm này I SKĐS