Theo thống kê năm 2015, trên toàn thế giới có 415 triệu người lớn ở độ tuổi 20 - 79 tuổi đang sống với bệnh ĐTĐ (tỷ lệ 1 trong 11 người). Có 318 triệu người trưởng thành đang bị rối loạn dung nạp đường và số người này sẽ có nguy cơ cao chuyển thành đái tháo đường trong thời gian ngắn nếu không kịp thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa tích cực. Dự đoán vào năm 2040, con số này sẽ tăng tới khoảng 642 triệu người, hay nói cách khác trong 10 người lớn sẽ 1 người có bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường (độ tuổi 20 - 79) không được chẩn đoán (46,5%), tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52,1%. Nhiều người đang sống với bệnh ĐTĐ týp 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ. Đến khi được chẩn đoán, thường đã kèm theo các biến chứng của bệnh.
Tại Việt Nam, vào năm 2015 theo báo cáo của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới IDF Diabetes Atlas đã có 3,5 triệu người mắc bệnh và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh ĐTĐ được quản lý tại cơ sở y tế. Đây thực sự còn là khoảng trống lớn cần sự quan tâm đầu tư đúng mức trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân.
Biến chứng trên bàn chân
Tại TP.HCM, theo nghiên cứu năm 2012 của Trung tâm Dinh dưỡng trên người trưởng thành từ 30 - 69 tuổi thì tỉ lệ ĐTĐ là 11,4 %, tỷ lệ rối loạn chuyển hóa đường là 31,1%.
Gánh nặng tử vong và tàn phế do đái tháo đường rất lớn. ĐTĐ nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Gần 80% các trường hợp tử vong do ĐTĐ là ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Các biến chứng như mù lòa, suy thận, nhồi máu cơ tim, tai biến mạnh máu não, nhiễm trùng, viêm thần kinh ngoại biên, loét và cắt cụt chi... gây gánh nặng về sức khỏe, tinh thần, kinh tế to lớn cho cá nhân, gia đình và xã hội. Chi phí cho điều trị ĐTĐ hàng năm từ 673 tỷ đến 1.197 tỷ USD.
Bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính kéo dài suốt đời, khi mắc bệnh nếu không điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, ngân sách của gia đình rất nhiều và cả ngân sách của quốc gia. Vì vậy cách phòng chống tích cực nhất để giảm khả năng mắc bệnh là nên thay đổi lối sống thụ động tĩnh tại thành cuộc sống năng động hơn kết hợp chế độ ăn hợp lý phù hợp với nhu cầu của mỗi người.
Trước khi mắc bệnh hầu hết người bệnh đều trải qua giai đoạn tiền đái tháo đường nhưng không hề biết và các biến chứng trong giai đoạn này đặc biệt là biến chứng tim mạch không khác gì ở người đã bị ĐTĐ.
Tiền ĐTĐ là tình trạng đường huyết cao hơn mức bình thường nhưng chưa phải là ĐTĐ, bao gồm rối loạn đường huyết lúc đói biểu hiện khi đường huyết lúc đói từ 100 - 125mg/dl (5,6 - 6,9mmol/l). Hoặc rối loạn dung nạp đường biểu hiện khi đo đường huyết sau 2 giờ uống 75g glucose từ 140 - 199mg/dl (7,8 - 11mmol/l).
Những người có nguy cơ bị tiền ĐTĐ bao gồm người trên 45 tuổi, béo phì: BMI ≥ 25 kg/m2; gia đình có người thân mắc bệnh ĐTĐ; phụ nữ bị ĐTĐ thai kỳ hoặc đã từng sanh con nặng ≥ 4kg; đã có bệnh tăng huyết áp; đã bị rối loạn lipid máu: tăng Triglycerid hoặc giảm HDL cholesterol; thuộc các chủng tộc: châu Á, châu Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Latin..), dân thuộc đảo Thái Bình Dương.
Bệnh có thể phòng ngừa
Mặc dù bệnh ĐTĐ gia tăng nhanh và là vấn đề sức khỏe cộng đồng nhưng đái tháo đường có thể phòng chống hiệu quả thông qua việc thay đổi lối sống bao gồm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động, hạn chế tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thức ăn giàu chất béo, bia rượu, bỏ thuốc lá, kiểm soát cân nặng...
Biện pháp đạt hiệu quả cao nhất trong các nghiên cứu là thực hiện lối sống năng động, ăn uống hợp lý và tránh để thừa cân. Ăn uống hợp lý bao gồm chế độ dinh dưỡng khoa học, chọn lựa thực phẩm có lợi cho sức khỏe và ăn theo nhu cầu của cơ thể từng người bao gồm:
Nên ăn đủ các nhóm thực phẩm như nhóm giàu tinh bột (cơm, bún, khoai, bắp,..), nhóm giàu đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu...), nhóm giàu béo (dầu, mỡ), nhóm giàu vitamin và khoáng chất (các lọai rau quả tươi).
Chọn thực phẩm có lợi như các loại ngũ cốc còn nguyên, gạo không chà bóng, thực phẩm có hàm lượng xơ cao, thịt nạc bỏ da, các loại đậu, cá béo, đảm bảo số lượng rau quả tươi trong ngày (300 - 400g rau và 200g quả).
Ăn theo nhu cầu là dựa vào tình trạng cân nặng hiện tại và mức độ lao động hàng ngày mà tính ra khẩu phần cụ thể của từng người. Cân nặng nên có được đánh giá bằng chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) theo công thức lấy cân nặng hiện tại chia cho chiều cao bình phương. Nếu BMI 18.5 - 22.9 là cân nặng bình thường. Nếu BMI từ 23 trở lên là thừa cân. Khi đã thừa cân (so với cân nặng nên có), nên giảm bớt một phần thực phẩm nhóm giàu tinh bột và giàu béo, hoạt động thể lực nhiều hơn.
Cuộc sống năng động bao gồm các hoạt động thể lực trong ngày như tập luyện thể dục thể thao trung bình 45 - 60 phút mỗi lần, 5 - 7 lần trong tuần, nên đi thang bộ thay vì thang máy, tránh ngồi lâu xem tivi hay chơi game trên máy vi tính, dành thêm thời gian cho công việc lao động chân tay nội trợ trong nhà. Các hình thức tập luyện đều được khuyến khích khi phù hợp với tình trạng sức khỏe, nếu cần nên có tư vấn thêm của thầy thuốc. Cường độ tập luyện nên ở mức trung bình, hoặc nâng dần từ thấp đến cao.
Nên thay đổi lối sống thụ động tĩnh tại thành cuộc sống năng động hơn kết hợp chế độ ăn hợp lý
Cần theo dõi định kỳ và phát hiện sớm bệnh đái tháo đường
Trên 50% những người được phát hiện tiền ĐTĐ sẽ có nguy cơ trở thành người bệnh ĐTĐ thật sự trong 5 - 10 năm sau. Do đó, ngoài việc thực hiện chế độ ăn uống tập luyện để phòng ngừa bệnh còn phải có chế độ theo dõi định kỳ và tầm soát để phát hiện bệnh sớm nhất và điều trị kịp thời nhằm phòng ngừa các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra.
Mỗi 3 - 6 tháng kiểm tra lại đường huyết lúc đói hoặc làm nghiệm pháp dung nạp nếu có rối loạn dung nạp đường. Nếu kết quả trở về bình thường, có thể kiểm tra mỗi 6 tháng đến một năm để tầm soát bệnh.
Chế độ điều trị dinh dưỡng tiền đái tháo đường cần được thực hiện thường xuyên để duy trì đường huyết ở mức bình thường phòng ngừa các tổn thương về tim mạch và trì hoãn tiến triển thành bệnh ĐTĐ thật sự.
Thực hiện Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng tại TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 và dự án phòng chống bệnh đái tháo đường, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đã xây dựng kế hoạch đề ra nhiều giải pháp can thiệp cộng đồng như truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao năng lực của cán bộ y tế, tập huấn sàng lọc các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, từng bước nâng cao hiệu quả việc theo dõi và quản lý bệnh nhân ĐTĐ, dự án đã tạo được hiệu quả tích cực trong cộng đồng.