Cơ chế của bệnh đái tháo đường trong thai kỳ
Lượng đường trong máu tăng cao thường xảy ra trong thai kỳ và thường do bệnh đái tháo đường thai kỳ (GDM) gây ra. Những bà mẹ mắc bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 cũng có khả năng bị tăng đường huyết khi mang thai. Khoảng 1/5 phụ nữ mang thai (20%) mắc đái tháo đường thai kỳ.
Trong thai kỳ, cơ thể mẹ có nhiều thay đổi về nội tiết tố để tạo điều kiện cho sự phát triển của em bé. Các hormone được sản xuất bởi nhau thai cũng góp phần gây ra những thay đổi về chuyển hóa trong cơ thể bà mẹ. Một số hormone này khiến các thụ thể insulin của mẹ trở nên kháng insulin.
Insulin là một chất hóa học hoạt động giống như một chiếc chìa khóa, và khi được liên kết với thụ thể insulin trên bề mặt tế bào, nó sẽ mở ra một khóa hoặc kênh để glucose có thể di chuyển từ máu vào tế bào.
Nếu một người kháng insulin, thì cơ thể cần nhiều insulin hơn để mở khóa và vận chuyển glucose ra khỏi máu và vào tế bào. Đây là cơ chế tương tự quá trình gây ra bệnh đái tháo đường type 2.
Khi nhau thai phát triển trong thai kỳ, ngày càng nhiều hormone được tạo ra và tiết ra để hỗ trợ sự phát triển của em bé. Điều này khiến người mẹ ngày càng kháng insulin. Tại một thời điểm nào đó, người mẹ có thể không sản xuất đủ insulin để vượt qua sức đề kháng và nếu điều này xảy ra thì lượng đường trong máu sẽ tăng lên.
Đái tháo đường thai kỳ cần được chẩn đoán sớm và theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình mang thai.
Các triệu chứng của đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ ràng, vì nhiều thay đổi xảy ra do bệnh có thể giống với những thay đổi xảy ra do mang thai. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu và có thể nhận biết một số triệu chứng bệnh. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng mới hoặc bất thường nào trong thai kỳ, điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ.
Một số triệu chứng chung của bệnh đái tháo đường ở phụ nữ bao gồm:
- Mệt mỏi và dễ cáu gắt,
- Khát quá mức, đi tiểu thường xuyên và mất nước,
- Cảm thấy đói thường xuyên,
- Dễ nhiễm trùng âm đạo và nấm miệng,
- Da khô và ngứa, vết thương chậm lành,
- Đau và tê ở bàn chân, mắt nhìn mờ, sụt cân nhanh chóng, rối loạn chức năng tình dục,…
Tầm soát đái tháo đường thai kỳ là quan trọng
Việc kiểm soát đường huyết ở phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có thể làm giảm nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và con. Một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Nếu bạn từ 25 tuổi trở lên hoặc có các yếu tố nguy cơ khác của bệnh đái tháo đường, bạn có thể được yêu cầu xét nghiệm sớm hơn trong thai kỳ.
Một phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, chẳng hạn như thừa cân khi bắt đầu mang thai; đã từng bị đái tháo đường trong lần mang thai trước; có một thành viên thân thiết trong gia đình (tức là mẹ, cha hoặc anh chị em ruột) mắc bệnh đái tháo đường, bác sĩ sẽ làm tầm soát bệnh sớm hơn.
Ai có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ?
Tất cả phụ nữ mang thai đều có thể bị rối loạn dung nạp glucose do các hormone được sản xuất trong giai đoạn mang thai. Đa số phụ nữ mang thai có thể tạo đủ insulin để vượt qua tình trạng kháng insulin, nhưng một số không thể. Đối với những phụ nữ này, bệnh đái tháo đường thai kỳ xảy ra khi tuyến tụy không thể tăng chức năng sản xuất insulin của tế bào beta đủ để vượt qua bất kỳ tình trạng kháng insulin nào liên quan đến thai kỳ. Mức đường huyết cao dễ dàng đi qua nhau thai và khiến em bé tiếp xúc với các loại đường nằm trong phạm vi bệnh đái tháo đường, có thể gây ra các biến chứng cho em bé.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường phát triển ở phụ nữ mang thai vào khoảng tuần thứ 24 - 28 của thai kỳ. Điều này có nghĩa là tất cả phụ nữ mang thai nên được kiểm tra bệnh đái tháo đường thai kỳ ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ (ngoại trừ những phụ nữ đã mắc bệnh đái tháo đường từ trước nên được tầm soát sớm hơn).
Thông thường, bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ hết sau khi em bé được sinh ra. Tuy nhiên, phụ nữ mắc đái tháo đường trong thai kỳ có nhiều nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 về sau này.
Trẻ sinh ra từ những bà mẹ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cũng có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường type 2 trong tương lai.
Khi nào chẩn đoán bệnh đái tháo đường thai kỳ?
Sự gia tăng chỉ số glucose trong máu được chẩn đoán khi thử nghiệm lúc đói, 1 giờ hoặc 2 giờ. Bạn chỉ cần một lần xét nghiệm để hiển thị các chỉ số đường huyết bất thường cao hơn giá trị bình thường cho mỗi thời điểm, để được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Lượng đường trong máu chẩn đoán bệnh đái tháo đường thai kỳ:
Đường huyết lúc đói | Lượng glucose 1 giờ sau ăn | Lượng glucose 2 giờ sau ăn |
5,2 mmol / L trở lên | 10,0 mmol / L trở lên | 8,5 mmol / L trở lên |
92 mg / dL trở lên | 180 mg / dL trở lên | 153 mg / dL trở lên |
Lời khuyên của thầy thuốc
Biến chứng của đái tháo đường thai kỳ có thể gây biến chứng khi sinh, quá trình sinh nở dễ gặp một số tai biến sản khoa, làm tăng nguy cơ sinh non. Trẻ sơ sinh có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có thể gặp một số nguy cơ như: hạ đường huyết sơ sinh, vàng da sơ sinh, suy hô hấp... Do đó, tất cả phụ nữ mang thai đều cần thiết tuân thủ lịch khám thai định kỳ và khám ngay nếu có các dấu hiệu bất thường về sức khoẻ.
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào của bệnh đái tháo đường thai kỳ hoặc bạn có nhiều nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường, bạn nên thông báo với bác sĩ theo dõi thai kỳ của mình để được kiểm tra đái tháo đường vào tuần thai 24-28 hoặc sớm hơn.
Với chẩn đoán sớm và đưa ra các phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường thai kỳ, bạn có thể giảm nguy cơ phát triển hoặc trì hoãn, phòng ngừa biến chứng sức khỏe nào cho bạn và con bạn. Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, cần hợp tác với bác sĩ để kiểm soát tốt lượng đường huyết và cải thiện sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
SKĐS - Theo các bác sĩ, nguy cơ của đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ đối với mẹ và con là cực lớn nếu không được kiểm soát tốt đường huyết. Với những tuần đầu có thể gây sảy thai, thai chết lưu, có nhiều trường hợp hỏng thai liên tiếp nhiều lần sau đó mới được phát hiện bị ĐTĐ.
Xem thêm video đang được quan tâm
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội.