Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng tới mẹ và bé thế nào?

10-09-2021 17:32 | Y học 360

SKĐS - Đái tháo đường thai kỳ có thể gây ảnh hưởng tới bà mẹ và em bé trong quá trình mang thai và sinh nở cũng như sau này. Do đó, người mẹ mang thai mắc đái tháo đường cần kiểm tra thường xuyên trong suốt thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.

Đái tháo đường là gì?

Cơ thể bạn sử dụng đường để tạo năng lượng. Đường đi từ máu vào các tế bào của cơ thể với sự trợ giúp của một loại hormone gọi là insulin. Khi đường ở trong tế bào, nó sẽ được chuyển hóa thành năng lượng hoặc được lưu trữ. Tuy nhiên, nếu cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin tốt, thì đường sẽ khó di chuyển vào các tế bào và thay vào đó ở trong máu. Lượng đường trong máu cao được gọi là bệnh đái tháo đường.

photo-1630772433237

Theo dõi và kiểm soát lượng đường huyết ngừa những biến chứng của đái tháo đường thai kỳ.

Các biến chứng của đái tháo đường thai kỳ với mẹ và bé

Nguy cơ chuyển dạ sinh non

Các biến chứng do lượng đường trong máu tăng cao có thể làm tăng nguy cơ sinh non. Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ sinh non do đái tháo đường thai kỳ sẽ lớn hơn nếu người mẹ phát triển bệnh đái tháo đường trước tuần thứ 24 của thai kỳ. Sau tuần thứ 24, khả năng sinh non sẽ giảm xuống.

Ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh

Có một số biến chứng có thể xảy ra do bệnh đái tháo đường thai kỳ, một số biến chứng nghiêm trọng hơn đối với em bé của bạn so với những biến chứng khác.

Biến chứng khi sinh: Người mẹ mang thai mắc bệnh đái tháo đường dễ có nguy cơ sinh con có cân nặng lớn. Quá trình sinh nở sẽ có nhiều nguy cơ biến chứng sản khoa hơn. Người mẹ có thể gặp khó khăn khi sinh ngả âm đạo. Một số nguy cơ chấn thương có thể xảy đến cho em bé như ngạt do thiếu oxy, bị kẹp forcep để lấy thai,… Vì vậy các bác sĩ sẽ khuyên sản phụ nên thực hiện cuộc mổ bắt thai để đảm bảo an toàn cho con bạn.

Hạ đường huyết sơ sinh: em bé của một bà mẹ bị đái tháo đường sẽ tạo thêm insulin để xử lý lượng đường mẹ truyền qua nhau thai. Sau khi sinh, nguồn cung cấp đường từ mẹ bị ngắt nhưng trẻ vẫn tạo ra thêm insulin. Lượng insulin bổ sung quá nhiều sẽ khiến lượng đường trong máu của trẻ xuống quá thấp, gây hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh. Điều này ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng trẻ sau này.

Vàng da sơ sinh: Em bé của những bà mẹ mắc bệnh đái tháo đường có thể mất nhiều thời gian hơn để đào thải lượng bilirubin bổ sung ra khỏi cơ thể nếu chúng sinh non, cân nặng lớn hơn mức trung bình hoặc có lượng đường trong máu thấp.

Sự phá vỡ các tế bào hồng cầu tạo ra bilirubin. Khi có nhiều bilirubin hoặc cơ thể không thể đào thải đủ nhanh, nồng độ bilirubin trong máu tăng lên, gây vàng da ở trẻ sơ sinh.

Suy hô hấp: Nếu một đứa trẻ được sinh ra sớm, phổi của bé chưa trưởng thành và không có đủ chất hoạt động bề mặt. Tuy nhiên, vì bệnh đái tháo đường cũng làm giảm sản xuất chất hoạt động bề mặt, nên ngay cả những đứa trẻ sinh đủ tháng cũng có thể gặp vấn đề về hô hấp.

photo-1630772435212

Mẹ mang thai mắc đái tháo đường cần kiểm tra thường xuyên trong suốt thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.

Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ với sức khỏe bà mẹ

Bà mẹ mang thai mắc đái tháo đường cũng có nguy cơ gặp những biến chứng tiềm ẩn như: nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cao hơn trong lần mang thai tiếp theo, tăng nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe khác như tăng huyết áp và tiền sản giật, có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2, nguy cơ sinh non hoặc sinh con quá to dẫn đến phải sinh mổ.

Cách kiểm soát bệnh đái tháo đường thai kỳ

Tất cả phụ nữ mang thai đều được sàng lọc bệnh đái tháo đường trong quá trình chăm sóc tiền sản định kỳ. Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử gia đình xem bạn có nguy cơ mắc bệnh cao không. Khám sức khỏe tổng thể có thể cung cấp cho bác sĩ các chỉ điểm về sức khỏe của bạn và phản ánh các dấu hiệu, triệu chứng của lượng đường trong máu cao hoặc kháng insulin.

Nếu bác sĩ cho bạn biết rằng bạn bị đái tháo đường thai kỳ, bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ hơn để ngăn ngừa các biến chứng.

Chăm sóc sau sinh

Sau khi sinh, hãy làm theo những hướng dẫn sau để chăm sóc bản thân và em bé của bạn:

Cho con bú

Cho con bú vẫn an toàn ngay cả khi lượng đường trong máu của bạn không giảm sau khi sinh. Bệnh đái tháo đường không ảnh hưởng tới sữa mẹ. Thêm vào đó, việc cho con bú sữa mẹ còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cho cả bạn và con bạn sau này.

Duy trì một lối sống lành mạnh

Tiếp tục ăn những thực phẩm lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Chế độ ăn uống và tập thể dục có thể giữ cho lượng đường trong máu của bạn ở mức khỏe mạnh và giảm nguy cơ béo phì và phát triển bệnh đái tháo đường type 2 trong tương lai.

Gặp bác sĩ của bạn

Tiếp tục tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra xem bệnh đái tháo đường thai kỳ của bạn có biến mất hay không. Nếu không, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi lượng đường huyết và có phương án điều trị bệnh đái tháo đường type 2 cho bạn.

Làm thế nào để kiểm soát đái tháo đường thai kỳ và phòng ngừa biến chứngLàm thế nào để kiểm soát đái tháo đường thai kỳ và phòng ngừa biến chứng

SKĐS - Để kiểm soát và phòng ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK), theo PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang (Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương) chính là tầm soát để phát hiện sớm và có các biện pháp kiểm soát đái tháo đường thai kỳ. Những tư vấn cụ thể của bác sĩ dưới đây sẽ giúp bạn có nhiều kiến thức quan trọng phòng ngừa bệnh lý này.

Xem thêm video đang được quan tâm

Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội.


BS. Nguyễn Hải Giang
Ý kiến của bạn