Hà Nội

Đái tháo đường gia tăng chóng mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi người dân tầm soát sớm bệnh

11-11-2018 11:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đái tháo đường hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày.

Sáng 11/11, tại Hà Nội đã diễn ra Ngày hội phòng chống bệnh đái tháo đường thế giới năm 2018 với chủ đề “Gia đình cùng hành động sớm phòng chống bệnh Đái tháo đường” nhằm nâng cao nhận thức về tác động của bệnh đái tháo đường đối với gia đình và mạng lưới hỗ trợ của những người bị ảnh hưởng.

Đồng thời, thúc đẩy vai trò của gia đình trong việc quản lý, chăm sóc, phòng ngừa và giáo dục Đái tháo đường. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát sớm bệnh, giảm thiểu nguy cơ biến chứng, từ đó hạ tỉ lệ tử vong cũng như giảm chi phí điều trị đối với người bệnh.

Cùng ngày, tại TP.HCM, hoạt động này cũng được triển khai.

70% bệnh nhân đái tháo đường không biết mình mắc bệnh

Phát biểu tại ngày hội, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường cũng như sự cần thiết của việc khám tầm soát, phát hiện sớm bệnh. Bộ trưởng mong muốn chương trình sẽ nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, động viên sự vào cuộc của gia đình, người thân, cộng đồng xã hội và đặc biệt là thanh niên, các thầy thuốc trẻ trong việc chung tay, góp sức cùng đẩy lùi gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm. Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, cứ 10 người chết có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Trong 520.000 trường hợp tử vong thì nguyên nhân do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% và tử vong do bệnh không lây nhiễm trước 70 tuổi chiếm 43% (theo số liệu thống kê năm 2012).

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán. 80% số bệnh nhân tim mạch giai đoạn đầu, đái tháo đường tuýp 2, 40% ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa qua tập thể dục, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại ngày hội phòng chống bệnh đái tháo đường thế giới năm 2018.


Bộ trưởng cho biết, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Quyết định số 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015 – 2025, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động và đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới; triển khai nhiều giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của  y tế cơ sở như quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã. Xây dựng và thực hiện mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình. Phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sĩ gia đình tại 7 tỉnh/TP. Triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã.

Với các mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, Bộ Y tế đã phối hợp với các Ban, ngành, Đoàn thể và các Tổ chức quốc tế, các hội nghề nghiệp như Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng như: chương trình “vì một trái tim khỏe” hưởng ứng ngày Tim mạch thế giới, chương trình Ngày thế giới phòng chống ung thư, chương trình Ngày hội vì cộng đồng hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh Đái tháo đường.

Thông qua các chương trình sàng lọc, các dự án được triển khai đã phát hiện khoảng gần 400.000 người tăng huyết áp (chiếm 3% trong tổng số khoảng 13 triệu người hiện mắc tăng huyết áp), phát hiện 66.000 người mắc đái tháo đường, khoảng 5.000 bệnh nhân mắc COPD và hen phế quản.

Các bác sĩ thăm khám và tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân trong ngày hội.

 

Tăng cường vận động, dinh dưỡng hợp lý phòng bệnh đái tháo đường

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn – Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, đái tháo đường là một trong những vấn đề y tế toàn cầu của của thế kỷ 21, là gánh nặng tài chính cho chăm sóc y tế cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Nguy hiểm hơn nữa là tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc đái tháo đường mà không hay biết, thậm chí có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường tuýp 2 đã được ghi nhận.

GS. Thuấn nhấn mạnh, bên cạnh các yếu tố nguy cơ hành vi như: hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, căng thẳng thường xuyên... thì một trong những nguyên nhân dẫn đến số người mắc đái tháo đường gia tăng và trẻ hóa là do dịch vụ khám, phát hiện sớm, tư vấn, truyền thông nâng cao nhận thức còn chưa được quan tâm đúng mức. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng trong giai đoạn đầu vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí, ngay trong gia đình người bệnh cũng chưa có sự nhận thức đầy đủ về các triệu chứng của bệnh để có những hành động kịp thời.

"Người dân hãy tăng cường vận động, dinh dưỡng hợp lý để phòng tránh bệnh đái tháo đường, ung thư, tim mạch và để có một cơ thể khỏe đẹp"- GS. Thuấn khuyến cáo.

1.000 người dân được tầm soát đái tháo đường và tư vấn sức khỏe miễn phí

Ngày hội phòng chống bệnh đái tháo đường thế giới năm 2018 do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội liên hiệp thanh niên TP. Hà Nội và AstraZeneca Việt Nam tổ chức có nhiều hoạt động hướng đến việc tăng cường kiến thức chung và cách thức kiểm soát cho căn bệnh này. Tại đây, người dân được làm xét nghiệm đái tháo đường, khám, tư vấn miễn phí về chế độ dinh dưỡng và luyện tập, nhận các tài liệu tuyên truyền về đái tháo đường để chia sẻ với gia đình.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Trong nhóm tuổi từ 18 đến 69, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp là 18,9%. Bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng lớn về kinh tế, dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD do các bệnh không lây nhiễm gây ra.

Trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh đái tháo đường chiếm tỉ lệ tử vong đứng thứ 3. Theo số liệu Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) đã công bố năm 2017, ước tính cứ 11 người trưởng thành (20-79 tuổi) lại có 1 người bị đái tháo đường (tiểu đường) tương đương 425 triệu người. Ước tính đến năm 2045 sẽ có gần 700 triệu người mắc bệnh tiểu đường.

Dương Hải
Ý kiến của bạn