Hà Nội

Đái tháo đường có phòng ngừa được không?

SKĐS - Đái tháo đường là một trong những bệnh lý mạn tính phổ biến nhất trên thế giới đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng gia tăng này và có thể phòng ngừa bệnh được không?

Đái tháo đường có phòng ngừa được không?- Ảnh 1.

PGS.TS. Vũ Bích Nga, nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, trường Đại học Y Hà Nội.

Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Vũ Bích Nga, nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, trường Đại học Y Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Bệnh đái tháo đường có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt vùng miền, dân tộc và đang gia tăng với tốc độ "chóng mặt". Cụ thể thực trạng này như thế nào, thưa PGS?

PGS.TS. Vũ Bích Nga: Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh đái tháo đường là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng hormon insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà tuyến tụy tạo ra.

Tình trạng tăng đường huyết của bệnh đái tháo đường nếu không được kiểm soát dễ dẫn đến hậu quả (tổn hại) nghiêm trọng cho nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh và mạch máu.

Bệnh đái tháo đường là một trong bốn bệnh không lây nhiễm chính (bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính, đái tháo đường) có tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) cho thấy, năm 2021, trên thế giới ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Dự báo đến năm 2045, cứ 8 người lớn thì có 1 người, tương đương khoảng 783 triệu người sẽ sống chung với bệnh tiểu đường, tăng 46%.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người trưởng thành (tuổi từ 30-69) từ các vùng miền khoảng 7,8% dân số, tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường còn cao hơn nữa. Đáng chú ý, trong số người mắc đái tháo đường có hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng về tim mạch, mắt, thần kinh, thận…

Đái tháo đường có phòng ngừa được không?- Ảnh 2.

Bệnh đái tháo đường gây nhiều biến chứng cho cơ thể.

PV: Số người mắc bệnh đái tháo đường gia tăng, đặc biệt các trường hợp bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống. Vậy yếu tố nguy cơ nào khiến tình trạng bệnh ngày càng phổ biến trong cộng đồng như vậy, thưa PGS?

PGS.TS. Vũ Bích Nga: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mắc bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng, phần lớn là đái tháo đường type 2 có thể thay đổi và không thể thay đổi được. Những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được bao gồm tiền sử gia đình, chủng tộc, tuổi tác. Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được gồm có:

- Lối sống ít vận động: Những người ngồi nhiều, lười vận động có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với những người có hoạt động thể chất. Nguyên nhân do hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm tình trạng kháng insulin.

Do đó, để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, mỗi người nên thực hiện vận động ít nhất 30 phút/ngày hoặc 150 phút/tuần với cường độ vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần cường độ mạnh và tăng cường cơ bắp ít nhất hai ngày mỗi tuần.

- Cân nặng: Lối sống tĩnh tại, thiếu hoạt động thể chất và ăn uống thiếu khoa học còn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Khoa học chứng minh rằng, nếu giảm 5% - 10% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Với người châu Á, chỉ số khối cơ thể BMI từ 23-24.9 là thừa cân và từ 25 trở lên là béo phì.

- Căng thẳng trong công việc: Thói quen làm việc không điều độ, thức khuya làm việc đêm nhiều, tinh thần căng thẳng dễ dẫn đến tăng đường huyết và mắc đái tháo đường, vì khi đó cơ thể dễ sản sinh các hormon làm tăng lượng đường trong máu như corticoid.

- Yếu tố khác: Những người hút thuốc lá, thiếu vitamin D, người có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, béo bụng đều có nguy cơ cao mắc đái tháo đường type 2. Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ cũng là yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường trong tương lai

PV: Rất may mắn là có nhiều yếu tố có thể kiểm soát được. Với những yếu tố này, mỗi người cần thực hiện biện pháp gì để ngăn ngừa mắc bệnh, thưa PGS?

PGS.TS. Vũ Bích Nga: Các chương trình phòng ngừa đái tháo đường với người bình thường đều tập trung vào thay đổi lối sống như thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối, tăng cường hoạt động thể chất.

Với trường hợp thừa cân, béo phì thì cần phải có chế độ dinh dưỡng giảm calo và tập luyện phù hợp, hướng tới mục tiêu giảm cân bền vững.

Về công việc, mỗi người nên điều chỉnh thời gian làm việc, không nên đảo lộn giờ sinh học, thức quá khuya dễ dẫn đến đến ăn đêm, ngủ không đủ giấc làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Theo đó, bạn nên ngủ ít nhất 6-8h/ngày, hạn chế stress trong công việc, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia và các loại thực phẩm chứa đường dễ hấp thu...

PV: Trân trọng cảm ơn PGS!

Mời bạn xem tiếp video:

Cảnh báo những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh đái tháo đường | SKĐS


Lê Thu Lương
(thực hiện)
Ý kiến của bạn