Đại tá quân y và 3 ca phẫu thuật lạ kỳ

11-11-2016 19:43 | Y tế
google news

SKĐS - Viết về sự hi sinh của người thầy thuốc luôn là một thách thức đối với bất cứ cây bút nào thì viết về những người bác sĩ quân y càng khó.

Viết về sự hi sinh của người thầy thuốc luôn là một thách thức đối với bất cứ cây bút nào thì viết về những người bác sĩ quân y càng khó. Lý do là những người thầy thuốc chân chính thời nào cũng vậy, họ dành hết tâm huyết cho công việc và luôn kiệm lời bởi coi đó như một bổn phận. Với người thầy thuốc quân y, điều đó càng được nhân lên vì đơn giản, họ là người lính.

Song, tôi không thể không viết về anh, PGS.TS.TTƯT, Đại tá Diêm Đăng Thanh - Giám đốc Bệnh viện Quân y 110, Cục Hậu cần, Quân khu I, Bộ Quốc phòng vì những đóng góp của anh cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe không chỉ trong lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Con đường “thăng quan” suôn sẻ của vị giám đốc

Cuộc đời của PGS. Diêm Đăng Thanh khá suôn sẻ. Nghĩa là nó không có những “kịch tính” và chính vì thế nên những đóng góp của anh, nếu như không quan tâm để ý, sẽ dễ chìm vào quên lãng.

Sinh năm 1968 tại Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang, như mọi thanh niên ở đất nước Việt Nam, anh luôn có khát vọng được tham gia quân đội để góp phần bảo vệ Tổ quốc. Chính vì khát vọng đó, Diêm Đăng Thanh đã thi vào Học viện Quân y - một cái nôi đào tạo nên nhiều thầy thuốc giỏi của cả nước, trong đó, không ít người vươn ra tầm cao quốc tế.

Đại tá Diêm Đăng Thanh luôn trăn trở và hết lòng vì người bệnh.

Năm 1991, sau khi nhận bằng bác sĩ, anh được điều về công tác tại Bệnh viện 110 - Cục Hậu cần để rồi 4 năm sau (1995), nhờ những nỗ lực chuyên môn không mệt mỏi, Diêm Đăng Thanh được cử đi thực tập sinh tại Bệnh viện Laveran, TP. Marseil, Cộng hòa Pháp.

Sau thời gian thực tập sinh, anh trở về Bệnh viện 110 và tiếp tục theo học Cao học ngành Nội tiêu hóa tại Học viện Quân y.

Từ một bác sĩ điều trị, trải qua nhiều chức vụ công tác, đến tháng 3/2009, Diêm Đăng Thanh được đề bạt làm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của BV 110 để rồi gần 3 năm sau đó, tháng 10/2011, anh nhận nhiệm vụ là Giám đốc của BV này với sự tín nhiệm gần như tuyệt đối.

Những đóng góp cho y học

Là lãnh đạo trưởng thành từ chuyên môn nên ngoài công tác quản lý, BS. Diêm Đăng Thanh dành rất nhiều tâm huyết cho y học. Chỉ tính riêng năm 2011, anh đã trực tiếp là chủ nhiệm 6 đề tài khoa học đều được đánh giá xuất sắc.

Đó là “Đánh giá kết quả bước đầu chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày sớm bằng phương pháp cắt niêm mạc”, “Nghiên cứu hình ảnh nội soi - mô bệnh học và chủng loại nấm ở các bệnh nhân viêm thực quản do nấm”, “Đánh giá hiệu quả của phương pháp bắn thắt trĩ bằng vòng cao su điều trị trĩ nội”, “Điều trị nội khoa can thiệp nhồi máu trĩ cấp tính”, “Đánh giá kết quả điều trị chảy máu dạ dày - tá tràng bằng phương pháp kẹp clip, tiêm adrenalin 1/10.000 và đốt điện cầm máu”, “Đặc điểm lâm sàng, hình ảnh nội soi và kết quả lấy dị vật đường tiêu hóa bằng nội soi ống mềm”, “Đánh giá kết quả bước đầu điều trị bảo tồn chấn thương lách không mổ”…

Gần đây, PGS.TS.TTƯT Diêm Đăng Thanh còn mạnh dạn áp dụng phương pháp “Điều trị giảm đau sau mổ”, tránh đau đớn cho bệnh nhân và phương pháp “Điều trị bảo tồn” đối với các bệnh nhân bị đa chấn thương vỡ gan, thận không quá lớn, vỡ lách ở độ 1,2,3,4... Những trường hợp này trước đây hầu hết có chỉ định phẫu thuật vì nguy cơ chảy máu cao. Việc áp dụng phương pháp “Điều trị bảo tồn” vừa mang lại tỉ lệ thành công cao, giảm chi phí, giảm thời gian điều trị và ít gây đau đớn cho bệnh nhân.

TTƯT Diêm Đăng Thanh thăm khám cho bệnh nhân.

Ba ca phẫu thuật lạ kỳ

Là cán bộ quản lý trưởng thành từ chuyên môn, niềm hạnh phúc lớn nhất của Đại tá Diêm Đăng Thanh là được tham gia chữa trị cho người bệnh. Tính đến nay, anh đã trực tiếp điều trị cho hơn 6.500 ca thuộc các bệnh như xuất huyết tiêu hóa, nội soi lấy dị vật, polyp chảy máu, trĩ chảy máu, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản…

Lý do dù bận mải với công việc quản lý, BS. Diêm Đăng Thanh còn phải “lao lực” là bởi niềm say mê và cả áp lực từ người bệnh. Nhiều bệnh nhân trước khi làm kỹ thuật chỉ có một yêu cầu nhất mực người trực tiếp phải là BS. Thanh. Nhiều khi để chiều lòng bệnh nhân, anh vào đó để chỉ đạo kỹ thuật và quan trọng nhất là để bệnh nhân yên tâm khi thấy sự có mặt của mình.

Ở Diêm Đăng Thanh còn có một phẩm chất mà hầu hết các thầy thuốc lâu năm, có kinh nghiệm và tên tuổi thường làm, đó là những cuộc gặp gỡ bệnh nhân sau phẫu thuật, bất kể trưa tối. Việc làm này không chỉ giúp anh nắm rõ tiến triển của bệnh mà còn là liệu pháp tâm lý, giúp họ yên tâm hơn.

- Trong số hơn 6.500 bệnh nhân, anh có ấn tượng nhất với trường hợp nào? Có lần tôi hỏi Diêm Đăng Thanh.

- Nói “ấn tượng” thì có lẽ không chính xác bởi với người thầy thuốc chúng tôi, ca nào cũng “ấn tượng” cả thôi. Nhưng có 3 ca khiến tôi không thể quên vì sự “lạ” của nó.

- Anh làm tôi hồi hộp rồi đấy…

- Vâng, ca thứ nhất là một bệnh nhân nữ. Chị này đến bệnh viện với cái bụng to như người có chửa. Khi khám, bệnh nhân nói thật, lý do bị bệnh là bởi… nuốt tiền. Chả là chị này đi làm vợ thuê ở nước ngoài. Mỗi lần đi chợ hay làm gì đó, chị ta thường ăn gian một số tiền. Do trước khi về nước, “nhà chồng” khám xét rất kỹ nên chị này sử dụng biện pháp hiếm ai làm. Đó là vo thật nhỏ những đồng tiền lại, quấn ni lông, nhúng vào mỡ rồi… nuốt.

Những vụ trước đều trót lọt nhưng đến vụ này, khi đi vệ sinh, số tiền chỉ ra ¼, tức là hơn 70 tờ tiền. Hơn 200 tờ còn lại mắc kẹt, không chịu ra khiến bụng phình lên. Để lấy hết số tiền trong cái “két bạc dạ dày” ấy, tôi phải mất gần 3 giờ đồng hồ.

- Còn vụ thứ hai?

- Vụ này thủ phạm là một cái bàn chải đánh răng. Bệnh nhân là người tù mãn hạn. Theo lời anh này kể lại, 15 năm trước, do muốn được ra ngoài nên anh ta đã tự gây chấn thương bằng cách nuốt vào bụng cả một cái… bàn chải. Do có “lý lịch” hay tạo bệnh nên lần đó, quản giáo không tin và tất nhiên, không cho đi khám bệnh. Điều kỳ lạ là chiếc bàn chải đó đã sống chung với anh ta suốt ngần ấy năm trời.

- Ui cha. Thế còn vụ thứ ba?

- Vụ này thì không li kỳ. Cậu này buổi sáng cạo râu, ném dao lam vào cái cốc. Chiều đi đánh bóng về khát nước, tu sạch một hơi và cái dao lam trôi thẳng vào dạ dày. Song, việc lấy cái dao lam qua đường thực quản bằng phương pháp nội soi rất khó. Chỉ cần sơ sẩy, chính lưỡi dao sẽ gây chấn thương. Hôm đó khi ra sân bóng, tôi vô tình đá phải cái ống nhựa. Một suy nghĩ lóe lên, tôi nhặt chiếc ống đó đem về bẻ lưỡi dao luồn vào, thấy trôi chảy. Ngay lập tức, tôi cho thực hiện ca nội soi và thật may, chiếc ống đó đã “cõng” lưỡi dao lam ra ngoài an toàn.

“Ông bầu” của những thành công

Như đã nói ở trên, viết về sự hi sinh thầm lặng của những con người thầm lặng là vô cùng khó. Song, trong số những con người thầm lặng đó, còn có những người thầm lặng phục vụ cho sự thầm lặng. Đó là những nhà quản lý các cơ sở khám chữa bệnh. Họ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải biết phát triển cơ quan, lo cho đời sống nhân viên và đội ngũ y bác sĩ cùng hàng trăm, hàng ngàn công việc không tên khác.

Diêm Đăng Thanh cũng vậy. Từ khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo BV 110, anh không ngừng trăn trở với 3 nhiệm vụ chính: Một là phát triển đội ngũ cán bộ chuyên môn, nâng cao ý thức phục vụ để phục vụ tốt nhất cho người bệnh; Hai là xây dựng cơ sở hạ tầng, sắm trang thiết bị và ba là lo đời sống cho cán bộ, nhân viên.

Về ý thức phục vụ, may mắn  cho Diêm Đăng Thanh, đây là BV Quân đội nên mọi tác phong, lề lối sinh hoạt, đặc biệt là đối với bệnh nhân không phải là quân nhân luôn được thực hiện với phương châm “tình quân dân như cá với nước”.

Đối với y bác sĩ, đây là kỉ luật nhà binh, mệnh lệnh là trên hết và “tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên” là kỷ luật quân đội. Rất mừng là cho đến nay, sau 5 năm ở vai trò người lãnh đạo cao nhất bệnh viện, anh chưa phải sử dụng “kỉ luật sắt” với ai.

Về nâng cao trình độ đội ngũ y bác sĩ, đây được coi là một trong những khâu then chốt của đơn vị. Với phương châm “cầm tay chỉ việc, đào tạo theo địa chỉ, đi trước đón đầu, đào tạo tại chỗ” đồng thời thu hút tài năng từ bên ngoài, đến nay, BV 110 là một trong những đơn vị hàng đầu có đội ngũ y bác sĩ giỏi tuyến cấp quân khu.

Về cơ sở hạ tầng, Đại tá Diêm Đăng Thanh cùng với tập thể lãnh đạo BV xác định con người là cơ bản nhưng phương tiện có tính chất quyết định. Ở thời buổi khoa học kỹ thuật này, không có thiết bị hiện đại nhiều khi bất lực và thiếu tính cạnh tranh. Hiện, BV đã được trang bị các thiết bị như máy cộng hưởng từ, City 16 lát siêu, siêu âm 4D, nội soi khí phế quản ống mềm… và nhiều thiết bị khác. Tuy nhiên, công bằng mà nói, những thiết bị trên chưa phải là tiên tiến nhất và mục đích của BV vẫn còn ở phía trước.

Vĩ thanh

Khi biết tôi có ý định viết về Giám đốc Diêm Đăng Thanh, một đồng nghiệp đặt câu hỏi: “Ui giời, viết về sự hi sinh thầm lặng, anh lại viết về một ông “quan”…?”. Tôi đã hỏi lại rằng, tại sao lại không viết về họ nhỉ? Sự thành công trên sân cỏ không phải chỉ nhờ tài năng của những cầu thủ. Chính những huấn luyện viên, những ông bầu đặt nền móng, lắp “sân khấu” để các cầu thủ có nơi “nhảy múa”. Và trong sự hi sinh thầm lặng của những thầy thuốc còn có sự hi sinh thầm lặng cho sự hi sinh thầm lặng đó chính là những thầy thuốc làm quản lý.


Bùi Hoàng Tám
Ý kiến của bạn
Tags: