Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Vũ Quang Diệm. |
Trước hết phải nói rằng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã có từ ngàn năm nay qua các mối quan hệ buôn bán và giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Ấn, lại được các thế hệ lãnh đạo hai nước vun đắp, phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Sau khi hai nước giành được độc lập (Việt Nam năm 1945 và Ấn Độ năm 1947), mối quan hệ chính thức dần được tạo dựng. Thủ tướng J. Nehru thăm Việt Nam năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ năm 1958. Ngày 7/1/1972, hai nước chính thức nâng quan hệ lên cấp đại sứ. Từ đó đến nay, hai nước thường xuyên trao đổi, tiếp xúc các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm cấp cao nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác, đưa quan hệ không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Đáng chú ý là chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5/2003 đã mở ra trang sử mới trong quan hệ hai nước thông qua việc ký Khuôn khổ quan hệ hợp tác toàn diện bước vào thế kỷ 21; Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2007 đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới với việc ký kết nhiều hiệp định, thoả thuận, đặc biệt xác lập quan hệ "Đối tác chiến lược" giữa hai nước, cùng với Chương trình hành động 2007 - 2009.
Tình cảm của nhân dân Ấn Độ dành cho nhân dân Việt Nam là vô cùng sâu sắc, nồng hậu, thủy chung, bao la. Tất cả các tầng lớp dân chúng, tất cả các đảng phái mặc dù chính kiến khác nhau, thậm chí đối lập, công kích nhau, nhưng đối với Việt Nam là một. Sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các chính phủ và nhân dân Ấn Độ đối với cuộc kháng chiến cứu quốc trước đây cũng như công cuộc phát triển đất nước hiện nay của nhân dân ta rất to lớn, hào hiệp. Trong phạm vi cuộc phỏng vấn này, không thể nói hết tình cao, nghĩa nặng của nhân dân Ấn Độ dành cho nhân dân Việt Nam, chỉ riêng khẩu hiệu "Mera Nam Tera Nam, Viet Nam, Viet Nam", (Tên anh, tên tôi đều là Việt Nam) lôi cuốn hàng triệu người Ấn Độ xuống đường biểu tình ủng hộ nhân dân ta trước đây cũng đủ nói lên tình cảm đặc biệt, vô giá, "độc nhất vô nhị" của nhân dân Ấn Độ dành cho nhân dân Việt Nam. Mối tình này cũng như mối quan hệ hữu nghị, thủy chung giữa nhân dân hai nước, đã được thử thách qua nhiều năm tháng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru cùng các thế hệ lãnh đạo tiếp theo của hai nước vun trồng, phát triển là tài sản vô giá, chúng ta hết sức trân trọng, giữ gìn, bồi đắp cho thế hệ ngày nay cũng như các thế hệ mai sau.
Đại sứ quán Việt Nam và cá nhân Đại sứ đã làm gì để củng cố và phát triển mối quan hệ bang giao giữa hai nước?
Như nói trên, chuyến thăm Nhà nước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2007 với nhiều hiệp định, thỏa thuận ký kết, đặc biệt Tuyên bố chung về đối tác chiến lược, đánh dấu mốc quan trọng, bước chuyển lớn về chất của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác hai nước lên tầm cao mới, phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, ngày càng thực chất và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2008 - 2009 được xác định là năm bản lề thực hiện Tuyên bố chung về đối tác chiến lược trong quan hệ song phương Việt - Ấn. Vì vậy, tiếp tục chủ động và đóng góp có hiệu quả vào quá trình tham mưu, kiến nghị chính sách, các biện pháp cụ thể triển khai các thỏa thuận đã ký kết là những nhiệm vụ hàng đầu của Đại sứ quán.
Hiện nay, chúng tôi đang tích cực triển khai thực hiện các thỏa thuận nói trên cũng như các thỏa thuận, hiệp định định ký kết trong các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước sau đó, nhất là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ S.Patil (10/2007), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Anthony (12/2007), Tổng thống Ấn Độ Patil (11/2008), chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh (3/2008), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (10/2009), Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (11/2009), Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (11/2009), các cuộc "đối thoại chiến lược" và "tham khảo chính trị" giữa hai Bộ Ngoại giao... Chúng tôi cũng đang phối hợp với trong nước chuẩn bị cho chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kết hợp tổ chức "Những ngày Việt Nam ở Ấn Độ” (dự kiến đầu năm tới).
Tiếp tục đà triển khai mạnh công tác ngoại giao phục vụ kinh tế từ năm 2007, Đại sứ quán đang tranh thủ mọi cơ hội để quảng bá, triển khai các hoạt động xúc tiến kinh tế thương mại, du lịch tại một số bang và trung tâm lớn ở Ấn Độ, phấn đấu để sớm có đường bay thẳng giữa 2 nước. Điều khích lệ là năm 2008, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt được trên 2 tỷ USD, về trước hạn 2 năm so với mục tiêu đề ra trong Tuyên bố chung. Về đầu tư, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng đầu tư mới xuất hiện, ngoài Essar, Tata, ONGC-VL... đã có mặt tại Việt Nam, Đại sứ quán tiếp tục nhắm tới và giới thiệu các tập đoàn kinh tế lớn khác của Ấn Độ vào làm ăn với Việt Nam.
Nếu như năm 2007 là năm đột phá về quan hệ chính trị (thiết lập quan hệ đối tác chiến lược) và kinh tế, thương mại, đầu tư (tạo ra luồng đầu tư lớn của Ấn Độ vào Việt Nam, với tổng số vốn gần 5 tỷ USD riêng trong năm 2007, đưa Ấn Độ vào hàng top ten) thì 2008 - 2009 được chọn là năm tạo bước ngoặt trong quan hệ văn hóa giữa hai nước. "Những ngày Việt Nam tại Ấn Độ" tổ chức nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng như nói trên sẽ là cơ hội rất tốt để chúng ta giới thiệu với bạn bè Ấn Độ về nền văn hóa Việt Nam phong phú, giàu bản sắc dân tộc qua các chương trình biểu diễn đặc sắc của các đoàn nghệ thuật từ trong nước sang. Lễ hội ẩm thực Việt Nam trong dịp này sẽ mang đậm dấu ấn và hương vị quê hương, một nét văn hóa thuần Việt trên đất Ấn.
Theo tôi được biết, sự hợp tác về kinh tế, y tế, văn hóa, giáo dục... giữa Việt Nam và Ấn Độ còn ở mức độ nhất định. Vậy đâu là nguyên nhân và làm thế nào để phát triển sự hợp tác trên trong tình hình mới?
Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Trong những năm qua, hai nước đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 1995 - 2005, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tăng khoảng 9 lần (từ 71,9 triệu USD lên gần 697 triệu USD), tốc độ tăng trưởng đạt mức trên 20%/năm, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 10 lần, từ mức trên 10 triệu USD năm 1995 lên mức gần 98 triệu USD năm 2005. Năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 2,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 500 triệu USD.
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương vẫn còn hạn chế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 0,2% đến 0,3% của Ấn Độ và khoảng 0,3%/năm của Việt Nam. Trên thực tế, khối lượng thương mại hai chiều hiện còn ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng của cả hai bên và cán cân thương mại vẫn nghiêng mạnh về phía Ấn Độ.
Nguyên nhân chủ yếu là còn có sự hạn chế trong công tác nghiên cứu, đánh giá một cách có hệ thống để thấy được sự trỗi dậy về kinh tế của Ấn Độ, từ đó xác định những tiềm năng và triển vọng lớn để các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác một cách có hiệu quả các cơ hội tại thị trường Ấn Độ. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch tại địa bàn Ấn Độ còn gặp không ít khó khăn, thách thức: Sự chênh lệch quá lớn về sức mạnh và trình độ phát triển kinh tế giữa hai nước; Chưa có sự hiểu biết rộng rãi về thị trường của nhau; Gần đây giá lương thực, nông sản và nhiên liệu tăng quá nhanh ảnh hưởng đến nguồn cung các mặt hàng truyền thống của mỗi nước và nhất là chưa có đường bay thẳng giữa hai nước, hạn chế việc đi lại, thăm viếng, làm ăn giữa doanh nghiệp hai nước cũng như du lịch.
Mặc dù còn các khó khăn, thách thức nói trên, tôi tin rằng với nỗ lực của cả hai bên, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch... Việt - Ấn sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, đặc biệt các nước ASEAN trong đó có Việt Nam đã ký kết Hiệp định khu vực tự do thương mại, Ấn Độ đã trao cho ta quy chế kinh tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi và nhiều cơ hội tại Ấn Độ để doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác (Ấn Độ được coi là thị trường khổng lồ, đầy tiềm năng với dân số trên 1,1 tỷ người, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trung bình 7 - 8%/năm, sức mua ngày càng tăng và nhu cầu ngày càng đa dạng...).
Được biết Đại sứ là bạn đọc thân thiết của báo Sức khỏe&Đời sống trong nhiều năm qua. Trước thềm năm mới, Đại sứ có nhắn gửi gì với bạn đọc báo Sức khỏe&Đời sống trong và ngoài nước?
Là độc giả thường xuyên của Quý báo, tôi nhiệt liệt chúc mừng Ban Biên tập cũng như toàn thể cán bộ, nhân viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có nhiều công sức làm Quý báo ngày càng phong phú với nhiều nội dung bổ ích, lý thú, thiết thực đối với sức khỏe và đời sống con người như chính tên của báo. Nhân dịp năm mới, tôi chúc Quý báo nhiều thành tựu hơn nữa, nội dung phong phú, đa dạng hơn nữa, đáp ứng mong đợi ngày càng tăng của độc giả mọi lứa tuổi, đặc biệt trong năm Canh Dần đầy ắp sự kiện cả trong và ngoài nước.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ Vũ Quang Diệm Sinh ngày 20/9/1948, ông là nhà văn hóa, nhà ngoại giao chuyên nghiệp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ (từ năm 2006 đến nay) kiêm nhiệm Sri Lanka, Bhutan. Ông đã từng là đại sứ nước ta tại Philippines và Đan Mạch (kiêm nhiệm NaUy và Aixơlen). |
Anh Tú (thực hiện)