Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, việc triển khai phần mềm "bác sĩ cho mọi nhà" đã thay đổi sự tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách trao quyền cho người bệnh được lựa chọn và đặt lịch hẹn với cán bộ y tế vào thời điểm phù hợp.
Người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời từ Trạm Y tế xã do sự tư vấn của bác sĩ tuyến trên thông qua kết nối trực tuyến sử dụng ứng dụng "Bác sĩ cho mọi nhà".
Sau hơn 6 tháng triển khai đã đạt nhiều kết quả: 100% bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; Phòng khám Đa khoa Khu vực; Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm; các trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện kết nối và tham gia hoạt động hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Chương trình đã tập huấn cho cán bộ y tế sử dụng phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà". Các đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn tại tuyến cơ sở để đảm bảo việc cập nhật thường xuyên kỹ năng sử dụng phần mềm.
Thành lập tổ tư vấn sức khỏe, phân công cán bộ trực 24/24h để tiếp nhận tư vấn; xây dựng quy chế làm việc, quy chế triển khai hệ thống tư vấn y tế từ xa tại tuyến y tế cơ sở, bảng danh sách các bệnh có thể thực hiện tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Duy trì hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa thường quy giữa các đơn vị, các cấp tiến tới có thể tổ chức hội chẩn cấp cứu. Triển khai sinh hoạt chuyên môn thường kỳ; triển khai giao ban trực tuyến.
Theo số liệu thống kê tại phần mềm, đã có 153.841 người dân được tạo tài khoản, người dân đã thực hiện 12.722 cuộc hẹn tư vấn khám chữa bệnh qua phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà".
Có 904 cán bộ y tế được tạo tài khoản; các cán bộ y tế đã thực hiện khoảng 3.963 cuộc gọi với mục đích tư vấn khám chữa bệnh từ xa, họp giao ban hoặc các trao đổi chuyên môn khác.
Ông Sasaki Shohei đánh giá cao những kết quả được rất tốt của việc triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa khi sử dụng phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" tại tỉnh Quảng Ngãi.
Giải pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở dựa trên nền tảng web và ứng dụng trên điện thoại thông minh, sẽ giúp người dân vùng xa, bao gồm cả người dân tộc thiểu số và người khuyết tật, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay tại địa phương mình.
Từ đó giúp kiểm soát dịch bệnh, giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến dưới.. Giải pháp này cũng giúp các cán bộ y tế huyện, xã có thể tham khảo ý kiến của đồng nghiệp và nâng cao năng lực chuyên môn