Trong những năm qua quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Mỹ trên lĩnh vực y tế phát triển rất tốt đẹp. Hợp tác y tế là một trong những ưu tiên của Mỹ trong quan hệ song phương. Phía Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, phòng chống cúm gia cầm và cúm A (H1N1)..., phía Mỹ còn quan tâm tới kế hoạch của Việt Nam nhằm phát triển một hệ thống y tế chất lượng cao tới người dân và nâng cao năng lực của ngành y tế.
Nhân Quốc khánh Mỹ (4/7), Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo Sức khỏe & Đời sống.
PV: Thưa Đại sứ, ông nhận định thế nào về tiềm năng phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ?
Đại sứ Michael Michalak: Quan hệ hai nước đã phát triển rất tốt đẹp và ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Mỹ đang hợp tác toàn diện với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực y tế. Mới đây, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam và được nâng lên thành Phái đoàn Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tại Việt Nam. Đây là một bước tiến cho thấy quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak. |
Mặc dù đầu tư của Mỹ vào Việt Nam giảm so với những năm trước do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, Mỹ vẫn là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam hiện nay. Các nhà đầu tư Mỹ vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng tăng. Theo như tôi biết, Việt Nam nằm trong số 3 nước tăng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong những tháng đầu năm nay. Hai nước đang trong quá trình đàm phán một hiệp ước đầu tư song phương và điều này sẽ góp phần thu hút đầu tư từ Mỹ. Mỹ hiện đứng đầu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại Việt Nam (47%).
PV: Ông có thể nói rõ hơn về quan hệ hai nước trong lĩnh vực y tế?
Đại sứ Michael Michalak: Quan hệ hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực y tế phát triển rất tốt đẹp. Hợp tác y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong quan hệ song phương.
Lĩnh vực y tế nhận được nhiều viện trợ nhất của Chính phủ Mỹ thông qua USAID. Từ năm 2004 đến nay, Mỹ đã dành hơn 320 triệu USD cho các hoạt động toàn diện về dự phòng HIV, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người sống chung với HIV/AIDS tại Việt Nam thông qua chương trình PEPFAR. Kể từ năm 1989, Mỹ cũng đã dành hơn 46 triệu USD nhằm trợ giúp người khuyết tật tại Việt Nam. Năm 2009, thêm 3 triệu USD nữa được cấp bổ sung để khắc phục hậu quả môi trường do chất da cam/dioxin và trợ giúp người khuyết tật tại Đà Nẵng.
Năm nay, viện trợ của USAID dành cho y tế tại Việt Nam là 53 triệu USD. Ngoài trọng tâm về chương trình HIV/AIDS, phòng chống cúm gia cầm và cúm A (H1N1), phía Mỹ còn quan tâm tới kế hoạch của Việt Nam nhằm phát triển một hệ thống y tế chất lượng cao tới người dân và nâng cao năng lực của ngành y tế.
PV: Trước tình trạng dịch cúm A (H1N1) đang lan nhanh trên toàn cầu, xin ông cho biết về hợp tác hai nước nhằm ứng phó dịch?
Đại sứ Michael Michalak: Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc xây dựng kế hoạch quốc gia phòng chống cúm A (H1N1) nhằm bảo vệ người dân trước đại dịch. Hợp tác giữa hai nước trong công tác xử lý dịch cúm A (H5N1) trong những năm gần đây góp phần tạo nên công cụ cũng như hệ thống sẵn có nhằm giúp chúng ta đối phó với dịch cúm A (H1N1) một cách dễ dàng hơn. Phía Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam về sinh phẩm, thiết bị bảo hộ cá nhân và thiết bị phòng thí nghiệm trong công tác phòng dịch. Việt Nam hiện đang sử dụng trang thiết bị chẩn đoán của Mỹ để phát hiện người mắc cúm A (H1N1). Tôi đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của Việt Nam, đặc biệt là Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, nhằm đối phó với khả năng bùng phát dịch.
Ngoài khoản viện trợ thông qua WHO, phía Mỹ còn dành thêm 2,5 triệu USD cho Viện Vaccin và sinh phẩm y tế Việt Nam (IVAC) và Nhà máy sản xuất vaccin (VABIOTECH) nhằm hoàn thiện nghiên cứu và đưa vào sản xuất vaccin phòng cúm A (H5N1), tiến tới dùng dây chuyền công nghệ này để sản xuất vaccin phòng cúm A (H1N1) và cúm mùa theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu và các cơ quan y tế hai nước thông qua WHO và các cơ quan quốc tế liên quan cho thấy tầm quan trọng về hợp tác song phương cùng các tổ chức toàn cầu trong công tác ứng phó với đại dịch cúm A (H1N1).
PV: Xin cảm ơn ông!
Bích Vân (Thực hiện)