Luôn tranh thủ, tận dụng bất cứ thời gian rỗi nào trong năm bay từ Mỹ sang Việt Nam để thực hiện các dự án nghệ thuật suốt hành trình 25 năm qua, họa sĩ David Thomas được người Việt Nam trìu mến gọi là “đại sứ” hàn gắn những vết thương chiến tranh. Những tác phẩm về chiến tranh ở Việt Nam của ông đã làm xúc động không chỉ người Việt mà rất nhiều người Mỹ. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông để hiểu hơn về những việc làm đầy ý nghĩa này.

Chào họa sĩ David Thomas. Ông đã nhiều lần đặt chân lên đất Việt, ngay từ thời kỳ đất nước chúng tôi đang kháng chiến chống Mỹ. Là một người Mỹ, có điều gì về cuộc chiến khiến ông bị ám ảnh?
Tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 1969 và có một năm sống ở Pleiku. Tôi không phải lính tham chiến mà là kỹ sư xây dựng làm việc cho một công ty thiết kế cầu đường. Thời gian đó, chúng tôi đang thi công con đường từ Pleiku đi Kon Tum. Trước khi sang Việt Nam, tôi đã tốt nghiệp một trường nghệ thuật. 22 tuổi, tôi đặt chân đến Việt Nam. Năm 1987, tôi quay trở lại Việt Nam lần 2. Từ đó đến nay, tôi đã đi qua nhiều vùng đất trên đất nước các bạn, ấn tượng mạnh nhất với tôi chính là hình ảnh những em bé bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Tôi đã vẽ rất nhiều tranh về trẻ em Việt Nam. Tôi nghĩ Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm bù đắp những thương đau đã gây ra cho người Việt Nam, khắc phục hậu quả của chiến tranh.
Năm 1990, tôi đã mở một triển lãm đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi “Cái nhìn từ hai phía” với sự tham gia của 20 họa sĩ Mỹ và 20 họa sĩ Việt Nam. Có nhiều họa sĩ trong số này là các cựu chiến binh. Triển lãm này tôi cũng đã trưng bày ở 15 bảo tàng khác nhau của nước Mỹ trong 3 năm và được rất nhiều người Mỹ quan tâm.
Triển lãm mới nhất tại Việt Nam hồi đầu năm 2013 vừa rồi, những bức vẽ về ảnh hưởng của chất độc màu da cam lên trẻ em Việt Nam gây ấn tượng mạnh mẽ. Không biết ông đã trưng bày tại Mỹ chưa, nếu có thì phản ứng của người Mỹ thế nào?
Đó là bộ tranh mới nhất và cũng là bộ cuối cùng tôi vẽ về hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Tôi luôn bị ám ảnh bởi cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam đã giết hại trên 2 triệu người Việt và 5 vạn lính Mỹ. Bộ tranh này lần đầu được trưng bày tại Việt Nam, tôi chưa triển lãm ở Mỹ nhưng cũng có nhiều bạn bè tới thăm nhà tôi và đã xem tranh. Họ rất thích, nhưng chắc chắn một điều rằng họ sẽ không mua những bức tranh ấy. Tôi biết điều đó nhưng tôi muốn vẽ những bức tranh khiến người xem phải suy nghĩ. Tất nhiên có những họa sĩ vẽ tranh vì tính thương mại, có người lại vẽ tranh bằng trái tim và cái đầu. Và tôi ở vế thứ hai.
Để có được chất liệu cho những sáng tác của mình, ông đã đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam không ít lần. Điều gì đã thôi thúc ông bỏ không ít tiền của ra để làm một việc mà nhiều người cho rằng “điên” như vậy?
Tôi luôn muốn những việc làm của mình, dù nhỏ nhoi nhưng sẽ góp phần nào đó hàn gắn những vết thương chiến tranh. Tôi cảm thấy có lỗi vì những gì nước Mỹ đã gây ra cho Việt Nam. Giờ đây, tôi sang Việt Nam và muốn được trở thành bạn bè của người Việt Nam. Hơn nữa, khi đến Việt Nam, tôi có nhiều người bạn tốt. Tôi thực sự muốn được làm việc với các họa sĩ của Việt Nam. Cuối những năm 1980, tôi đã đứng ra kêu gọi để thành lập tổ chức Nghệ thuật Đông Dương (Indochina Arts Partnership). Đến nay, tổ chức đã đưa hơn 100 họa sĩ của Việt Nam sang Mỹ để học hỏi kinh nghiệm sáng tác đồng thời đưa hơn 100 họa sĩ của Mỹ sang Việt Nam giao lưu, giảng dạy. Năm 2013 này, chúng tôi sẽ kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức Nghệ thuật Đông Dương.
Việc đi lại liên tục như thế có ảnh hưởng đến công việc giảng dạy (hiện David Thomas là giáo sư dạy môn Nghệ thuật phương Đông tại Đại học Masachusset của Mỹ - PV) cũng như cuộc sống gia đình của ông?
Tôi may mắn vì được vợ và các con rất ủng hộ. Vợ tôi còn bảo kiếp trước chắc tôi là người Việt. Còn con tôi đã tài trợ không ít cho những chuyến đi của tôi. Nếu không có gia đình, chắc tôi chẳng thể làm được gì. Ở Mỹ có hai kỳ nghỉ vào mùa xuân và mùa hè. Tôi sang Việt Nam vào thời gian đó nên không ảnh hưởng đến công tác giảng dạy. Tôi nghĩ, nếu không bận dạy thì chắc tôi sang sẽ Việt Nam thường xuyên hơn.
Không biết trong các bài giảng của ông ở trường đại học, ông có đề cập đến Việt Nam?
Tôi nói nhiều về nghệ thuật Việt Nam, văn hóa Việt Nam khiến cho người Mỹ rất ngạc nhiên. Trước nay họ chỉ biết đến Việt Nam qua phim ảnh thời chiến, đó là một đất nước nghèo nàn, lạc hậu. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới và rút ra một điều rằng, không chỉ khác nhau về tôn giáo, các dân tộc còn có nền văn hóa khác nhau và đó là một thế mạnh. Các bạn có thế mạnh đó. Và giao lưu văn hóa sẽ là cách tốt để nói với người nước ngoài về nước bạn.

Làm việc nhiều với các họa sĩ Việt Nam, ông đánh giá thế nào về họ cũng như cơ hội để mỹ thuật Việt Nam vươn ra thế giới?
Tôi nghĩ trong tương lai, các họa sĩ trẻ của Việt Nam có rất nhiều điều kiện để học tập và sáng tạo. Bây giờ, việc đi lại giữa các nước đã dễ dàng hơn nhiều. Còn để nghệ thuật Việt Nam có thể phát triển thì trước hết cần có những bảo tàng nghệ thuật lớn, đẹp. Tôi được biết ở Hà Nội hiện mới chỉ có một Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Như vậy là quá ít. Cần phải cố gắng làm sao có cả hai hệ thống bảo tàng của Nhà nước và tư nhân. Việt Nam bây giờ cũng nhiều người giàu, nên bỏ tiền ra để làm những bảo tàng cá nhân. Ngoài ra, còn rất cần sự trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới để có thể đưa các triển lãm của các bạn ra nước ngoài và ngược lại.
Ngoài những triển lãm tranh về chiến tranh tại Việt Nam, ông còn có một số cuốn sách ảnh về các nhà lãnh đạo của Việt Nam?
Cuốn sách đầu tiên của tôi là về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1969, khi Hồ Chủ tịch mất, tôi đang ở Pleiku. Lúc ấy tôi chưa biết nhiều về Người. Đến năm 1987, khi tôi quay trở lại Việt Nam thì thấy ở đâu cũng có ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nên tò mò tìm hiểu về Người. Tôi thấy, người Việt Nam ai cũng yêu mến và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi muốn tìm hiểu nguyên do nên đã tìm được nhiều tài liệu về người lãnh đạo của các bạn. Bây giờ, tôi tin rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo tuyệt vời nhất của thế kỷ 20. Sau cuốn Hồ Chí Minh, nhiều người Việt Nam bảo tôi phải làm thêm cuốn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đã tự hỏi tại sao lại là Võ Nguyên Giáp. Rồi tôi may mắn được gặp ông và hiểu ông là người thông minh tới mức nào. Tôi rất muốn trong tương lai gần sẽ được xem những tư liệu của gia đình ông Giáp để có thể làm một cuốn sách khác về ông.
Xin cảm ơn ông! Chúc ông sức khỏe và có thêm nhiều dự án nữa ở Việt Nam!
Trịnh Nguyên (thực hiện)