Hà Nội

Đãi ngộ về tinh thần cho nhân viên y tế - Tại sao không?

23-06-2017 12:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế.

Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt…”. Đãi ngộ từ trước tới nay được hiểu với nghĩa đãi ngộ về mặt vật chất, nghĩa là lương, thưởng, thu nhập tăng thêm...

Tôi cứ băn khoăn là tại sao chúng ta không đặt ra vấn đề đãi ngộ về mặt tinh thần dù đây là một khái niệm khá trừu tượng, vì nhân viên y tế ngày càng chịu áp lực từ nhiều phía: từ cấp trên, từ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, từ người bệnh và người nhà người bệnh.

Khách quan mà nói trong những năm gần đây, ngành y tế đã đạt được rất nhiều thành tựu nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo ngành Y tế và nỗ lực của nhân viên y tế trong toàn ngành. Nhiều lĩnh vực chúng ta đã đạt ngang tầm khu vực và thế giới. Chúng ta đã thực hiện hàng vạn ca ghép gan, ghép tim, ghép thận và gần đây là ghép phổi thành công. Y tế cơ sở phát triển giảm tải cho y tế tuyến trên, tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện tuyến Trung ương đã giảm đi rõ rệt...

Ngành y tế nước ta đã làm được rất nhiều việc, nhưng cũng không bằng lòng với chính mình.Nhân viên y tế  đã hết lòng phục vụ  góp phần nâng cao sức khoẻ nhân dân, nhưng dường như yêu cầu của người dân ngày càng cao, nhất là về tinh thần thái độ. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ bất kể do khách quan hay chủ quan thì khi đặt lên bàn, nhân viên y tế đều là yếu thế, cho dù cuối cùng họ đúng thì chắc chắn cũng sẽ ít nhiều bị “mất điểm” với cấp trên. Ngoài nỗ lực ngày đêm để phục vụ người bệnh thì nhân viên y tế còn chịu bao áp lực, đặc biệt là từ người bệnh. Nhân vụ Bác sỹ bệnh viện Thể thao Việt Nam bị người nhà người bệnh hành hung và nhân đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, đoàn An Giang đề xuất Quốc hội ban hành luật phòng chống bạo hành nhân viên y tế, tôi xin lạm bàn đôi điều.

 

Ảnh minh hoạ.

 

Quyết định 2151/QĐ-BYT ngày 04 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, tôi cho là kịp thời và đúng đắn nhằm chấn chỉnh về phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế với mục tiêu làm tăng sự hài lòng của người bệnh với các cơ sở y tế. Sau một thời gian  thực hiện, với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các cấp, các đơn vị ngành y tế và đặc biệt là nhân viên y tế thì tỷ lệ người bệnh hài lòng đã tăng lên một cách rõ rệt, chúng tỏ sự thành công, đúng đắn của cuộc kế hoạch. Ngành y tế đã xác định lấy người bệnh làm trung tâm, làm đối tượng phục vụ, là "khách hàng đặc biệt". Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế là đúng và cần thiết.Tuy nhiên tôi cứ băn khoăn là tại sao chỉ đặt vấn đề về sự hài lòng của phía người bệnh, mà không bàn, không đề cập đến sự hài lòng cho nhân viên y tế. Vì cái gì, vấn đề gì cũng có hai mặt. Nhân viên y tế nỗ lực, tận tâm phục vụ làm tăng sự hài lòng của người bệnh, nhưng ngược lại cũng cần nhận được sự tôn trọng, an toàn. Tôn trọng, an toàn ở đây được hiểu cả về tính mạng, chuyên môn, danh dự nghề nghiệp. Có như vậy mới an tâm, phục vụ người bệnh tốt được, tránh tình trạng luôn làm việc trong áp lực, lo lắng, sợ có sai sót.

Cụm từ "hướng tới" theo tôi cũng cần cân nhắc, xem xét. Hướng tới là chưa tới, cần tới. Trong khi theo đánh giá độc lập của các chuyên gia của Viện chiến lược chính sách y tế thì tỷ lệ hài lòng của người bệnh tại các cơ sở y tế hiện nay khá cao, có nơi trên 90%. Vậy nếu có "hướng tới" thì chúng ta chỉ hướng tới 100%, mà đây là điều rất khó, nếu như không muốn nói là không thể. Mục tiêu thì phải có đích chi tiết, cụ thể, nên theo tôi thay vì hướng tới ta dùng "làm tăng sự hài lòng của người bệnh" để các cơ sở và nhân viên y tế luôn phấn đấu phục vụ người bệnh với tỷ lệ sự hài lòng sau cao hơn trước. Nhưng  đó cũng mới chỉ là một mặt của vấn đề. Nên chăng cần đặt ra vấn đề bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế, trước khi có luật chống bạo hành nhân viên y tế (hy vọng được Quốc hội thông qua). Nhân viên y tế cần được tôn trọng, an toàn để toàn tâm, toàn ý phục vụ người bệnh. Đó chắc chắn là một trong những yếu tố góp phần làm tăng sự hài lòng của người bệnh. Vì vậy thay vì "hướng tới sự hài lòng của người bệnh" tôi xin mạo muôi đề xuất đổi thành một trong hai khẩu hiệu: "người bệnh hài lòng, nhân viên y tế được tôn trọng" hoặc "hài lòng cho bệnh nhân, an toàn cho nhân viên y tế". Như vậy sẽ có cả hai phía, người bệnh hài lòng, nhân viên y tế an tâm công tác, phục vụ. Chúng ta vẫn đặt người bệnh lên trước, là trung tâm, là đối tượng phục vụ đặc biệt, nhưng nhân viên y tế cũng cần có hành lang pháp lý để bảo vệ chính mình, khi chưa có luật thì chúng ta hãy bắt đầu bằng khẩu hiệu, kết hợp đồng bộ với nhiều biện pháp khác.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Y tế, đứng đầu là Bộ trưởng và sự nỗ lực của nhân viên y tế trong toàn ngành, ngành y tế đã có những bước tiến ngoạn mục, thay đổi theo hướng tích cực trên nhiều lĩnh vực từ chuyên môn đến công tác quản trị, đổi mới cơ chế tài chính, từ y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu. Chúng ta đã phục vụ người bệnh và nhân dân tận tâm, tận lực, hết mình nhưng chúng ta cũng có quyền đòi hỏi được an toàn và tôn trọng.


Nguyễn Đức Luyện
Ý kiến của bạn