Hà Nội

“Đại lộ” chủ quyền

05-02-2014 21:03 | Thời sự
google news

Kéo một vệt dài hàng chục cây số ôm eo biển Đà Nẵng từ Sơn Trà tới Ngũ Hành Sơn, tiếp giáp với Quảng Nam là đại lộ Hoàng Sa - Trường Sa, những con đường mang tên Võ Nguyên Giáp, Đỗ Bá... ăm ắp thông tin chủ quyền riêng có của thành phố biển này.

Kéo một vệt dài hàng chục cây số ôm eo biển Đà Nẵng từ Sơn Trà tới Ngũ Hành Sơn, tiếp giáp với Quảng Nam là đại lộ Hoàng Sa - Trường Sa, những con đường mang tên Võ Nguyên Giáp, Đỗ Bá... ăm ắp thông tin chủ quyền riêng có của thành phố biển này.

Gọi tên chủ quyền

Từ mạn Sơn Trà phóng tầm nhìn bao quát chạy dọc đại lộ Hoàng Sa - Trường Sa, con đường đẹp đến mê hồn. Đường phố lên đèn, lung linh. Cung đường to đẹp, dài nhất ven biển Đông được nâng cấp thành đường đô thị loại 1, rộng 30-48m, uốn lượn ôm trọn cả phần phía đông nam thành phố rộng lớn.

Công viên Biển Đông trên đường Hoàng Sa.Ảnh: Nguyễn Huy

Tháng 7/2010, con đường này được HĐND thành phố Đà Nẵng thông qua nghị quyết mang tên đường Hoàng Sa, Trường Sa. Bắt đầu từ bãi Bắc - cực đông bán đảo Sơn Trà, đường Hoàng Sa kéo dài gần 16km, chạy dọc tới bãi biển Mỹ Khê. Kế tiếp là đường Trường Sa dài hơn 11 km, tiếp giáp với xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Ngày Đà Nẵng chính thức gắn tên đường đề án, đông đảo phóng viên cố ghi khoảnh khắc bảng tên nền xanh, chữ trắng, in to đậm những chữ “Hoàng Sa”, “Trường Sa”. Chuyện 3 năm trước giờ tiếp tục nhân lên, khi Đà Nẵng đặt thêm nhiều tuyến đường âm hưởng chủ quyền xuyên suốt đại lộ này. Đường Đỗ Bá – tên người đầu tiên vẽ bản đồ về Hoàng Sa, khẳng định quần đảo này là của Việt Nam từ cách đây hơn 300 năm.

Từ ngã ba với Trường Sa, đường Đỗ Bá cắt ngang đến điểm cuối là đường Lê Quang Đạo nằm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, rộng 10,5m, dài gần 500m. Đặc biệt, tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2013, tên đường Võ Nguyên Giáp được thông qua đặt nằm giữa đại lộ Hoàng Sa-Trường Sa, với nguyện ước “bảo vệ vững chắc chủ quyền”.

Phóng một đường xe, chạy dài từ bán đảo Sơn Trà, theo đường Hoàng Sa đến đường Võ Nguyên Giáp, qua công viên Biển Đông, tiếp đường Trường Sa, cắt ngang đường Đỗ Bá. Cung đường ven biển từng được tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ - Forbes bình chọn là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, giờ ăm ắp âm hưởng chủ quyền.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương (Đà Nẵng) xúc động: Hoàng Sa quần đảo không chủ quyền của Việt Nam, giờ có thể sờ nắn, hiện thực hóa. “Đó là bảo tàng chủ quyền sống động”, ông nói. Lần theo sách sử “Tứ chí lộ đồ” của Đỗ Bá, tự Đạo Phụ phủ ở Bích Triều (Thanh Giang), biên soạn, kí ức chủ quyền sáng tỏ.

Đỗ Bá từng thi đậu Giám Sinh (năm 1672, niên hiệu Dương Đức đời Lê Gia Tông), sau đó từ quan, bôn ba, vẽ bản đồ, hiến kế Nam chinh, mở rộng biên cương cho Chúa Trịnh Cán. Ông được Trịnh Cán trưng dụng soạn vẽ cho “Tứ chí lộ đồ” hay còn gọi là bộ sách Toàn tập Thiên Nam Tứ chí lộ đồ thư.

Trầm tích vọng hải đài

Từ đại lộ Trường Sa, rẽ vào danh thắng Ngũ Hành Sơn, qua những bậc tam cấp dựng đứng, lên đỉnh đá rộng, dưới Vọng hải đài một khoảng không thoáng đãng, phóng tầm mắt bao quát khắp ven biển Đà Nẵng ra tận miền biển Đông xa ngái.

Nghĩa địa liên quân Pháp-Y Pha Nho, trầm tích lịch sử tâm thế gác biển Đà Nẵng.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đà Nẵng, đặc trưng nhiều điểm núi ven biển Việt Nam có độ cao để có thể đặt các đài quan sát nhìn ra hướng biển. Tuy nhiên, chỉ Đà Nẵng mới có Vọng hải đài. Vua Minh Mạng khi đặt tên cho Ngũ Hành Sơn đã đặt ở đây “Vọng hải đài” (nhìn biển từ xa) và “Vọng giang đài” (nhìn sông từ xa) tại Thủy Sơn.“Vọng hải đài” không chỉ thể hiện tầm tư duy phòng thủ chiến lược, vai trò cửa biển, giao thương mà còn khẳng định ý thức giữ gìn an ninh, tâm thế bảo vệ chủ quyền suốt chiều dài lịch sử. Vai trò đặc biệt này, khiến Đà Nẵng luôn là cửa ngõ, hướng tấn công chiến lược trước các cuộc xâm chiếm Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Y Pha Nho (Tây Ban Nha) khi nổ phát súng đầu tiên đánh Đà Nẵng đã bắt đầu từ hướng biển. Hơn 100 năm sau, tháng 3/1965, quân đội viễn chinh Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam cũng mở màn tấn công vào Đà Nẵng, từ hướng biển.

Trầm tích lịch sử vẫn còn đồi hài cốt của khoảng 1.500 binh sĩ liên quân Pháp-Y Pha Nho tử trận trong cuộc chiến xâm lược phi nghĩa. Ngọn đồi này nằm cuối con đường dẫn ra cảng Tiên Sa, bên cạnh nhà thờ nhỏ, chạm nổi dòng chữ “Ossuaire” (tiếng Pháp nghĩa là Đồi hài cốt), trở thành điểm khá nổi tiếng của du lịch, thu hút du khách, đặc biệt khách nước ngoài.

“Việc đặt tên đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với tuyến đường Trường Sa - Hoàng Sa là thể hiện niềm tin về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. Nhiều cử tri đồng tình đặt tên đường Đại tướng ở đây có ý nghĩa bảo vệ vững chắc chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, hướng ra biển Đông”.

Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy,Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng

Trong kí ức của các vị cao niên vùng Thọ Quang (Sơn Trà) vẫn còn nhớ khu “chùa Tây” (còn gọi chùa Mỹ) với nấm mộ của lính Mỹ đầu tiên gửi thân xác trên đất Việt, nằm phía bãi biển Tiên Sa. Người lính Mỹ xấu số có tên William Cook, gia nhập hải quân hơn 1 năm (tháng 3/1844) chơi đàn trên chiến hạm USS Constitution, trong hải trình vòng quanh thế giới.

Ngày 10/5/1845, khi ngang qua vùng biển Đà Nẵng, Wiliam Cook lâm bệnh kiết lị, qua đời. Hạm trưởng John Percival bẻ lái, đưa chiến hạm vào phía Tiên Sa để chôn xác người tử sĩ. Những tư liệu còn lại, cho thấy William Cook được đưa tiễn với nghi lễ cần thiết, tấm bia mộ khắc tên Cook, đặt ở một trong hai ngôi miếu nhỏ bao bọc bởi một bờ đá thấp.

Dennis M. ÓBrien, một cựu binh Mỹ từng tham chiến Ðà Nẵng, tình cờ đọc thông tin trên trong biên niên sử sinh động của Tyrone Martin, Thành Sắt Cổ, Chiến Hạm May Mắn Nhất (Old Ironsides, A most Fortunate Ship).

Dennis cùng nhà báo Peter Kneisel của Tạp chí Boston Globe, thực hiện cuộc tìm kiếm kiếm lịch sử này. Ngày 16/4/2000, họ tìm thấy nơi yên nghỉ của Wiliam Cook, như những gì sách viết. Thông tin này lập tức gây chấn động, lập tức nhiều đoàn du khách trong, ngoài nước tìm đến.

Kì vọng

Gợi nhắc về một “đại lộ chủ quyền” của ngành du lịch, anh Đinh Văn Lộc, Giám đốc Cty Du lịch Việt (Đà Nẵng) hồ hởi: Tiềm năng tuyến du lịch chủ quyền với những tên gọi hành trình chủ quyền, con đường chủ quyền xâu chuỗi tất cả các địa danh, tên đường chắc chắn sẽ thu hút đông đảo du khách, học sinh, sinh viên tham gia.

Cty CP Du lịch Việt Nam Vitours - đơn vị mở hàng loạt tour Con đường di sản, “Địa chỉ đỏ”, tour du lịch biển đảo đến với Lý Sơn, tượng đài hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa) kì vọng kết nối, mở rộng tour chuyên đề về chủ quyền, nhằm tuyên truyền cho bạn trẻ, sinh viên.

Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng chuyên đề- liên kết (Vitours) vẫn cần thêm một số “chất liệu”: Tượng đài, bản đồ, hay nhà trưng bày... dọc tuyến đường chủ quyền để tour thêm sinh động.

Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), thông tin: Nhà trưng bày tư liệu Hoàng Sa được thành phố phê duyệt nằm trên lô đất rộng gần 700m2, trên đường Hoàng Sa-Lê Văn Thứ, gần công viên Biển Đông, tạo sự gắn kết thiêng liêng không gian văn hóa biển, chủ quyền. Đây là nơi trưng bày các tư liệu, hiện vật khẳng định chủ quyền Việt Nam phục vụ người dân, du khách tham quan, nghiên cứu...

“Đà Nẵng không ngẫu nhiên chọn đặt tên chủ quyền cho con đường ven biển. Một nghị quyết của cả chính quyền và lòng dân nhằm quy hoạch không gian biển, chủ quyền sinh động, ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chủ quyền với mọi tầng lớp nhân dân”, ông Ngữ nói.

Ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh: Đà Nẵng đứng trên tâm thế “vọng hải đài” không chỉ để nêu cao cảnh giác mà còn hướng cái nhìn ra biển, hướng tới tương lai, sự thông thương, kinh tế biển; quốc phòng biển... Đà Nẵng đang sinh động hóa, cụ thể hóa để mọi người cùng “sờ nắn” Hoàng Sa-Trường Sa một cách riêng, thiêng liêng”.

Theo Tiền Phong

 

 

 


Ý kiến của bạn