Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5, 2016 môn cướp cờ trên cát và cơn bão Vàng kỳ lạ của đoàn Việt Nam

06-10-2016 18:40 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ở cuộc đấu thể thao vẫn được quảng bá tầm cỡ châu lục tại Đà Nẵng vừa kết thúc có cả môn… cướp cờ trên cát. Đoàn thể thao chủ nhà đã đoạt ngôi đầu toàn đoàn với 52 HCV, gấp đôi đối thủ Thái Lan xếp thứ 2, cho dù ở cả bốn kỳ Đại hội trước chưa bao giờ giành quá 8 chiếc.

Môn… cướp cờ, túm người trên cát

14 môn thi của Đại hội lần đầu do Việt Nam đăng cai tại Đà Nẵng có nhiều môn lạ ngay từ cái tên mà thậm chí khán giả qua nhiều ngày theo dõi vẫn chưa nhớ nổi.

Trong đó, lạ nhất phải kể tới kabbadi  - môn thi xuất phát từ Ấn Độ, giống hệt trò chơi dân gian cướp cờ trên cát. Mỗi đội 4 người đứng ở hai phía đầu sân. Mỗi thành viên trong hai đội sẽ luân phiên sang phần sân đối phương tấn công. Họ phải chạm được vào người đối thủ và sau đó chạy về sân nhà hoặc về tới giữa sân và chạm vào sợi dây màu phân cách. Nếu thành công, đội nhà sẽ ghi điểm. Ngược lại, nếu bị túm lại trên phần sân đối thủ coi như thua.

Luật chơi rất đơn giản, cách chơi thoạt tiên tưởng như rất ít yếu tố thể thao song lại đòi hỏi thể lực, khả năng di chuyển và kỹ năng rất đặc thù. Đội tuyển kabbadi Việt Nam với thành phần là các đô vật chuyển sang dù rất quyết tâm và nỗ lực vẫn dừng bước ngay từ vòng bảng với hai trận thua đúng nghĩa “không đỡ nổi”.

Ngoài kabbadi, đông đảo khán giả cũng chẳng thể nhớ tên những môn  kurash (môn thể thao xuất xứ từ vùng Trung Á kết hợp giữa vật và judo), sambo (môn võ tự vệ của Nga, mang đặc thù của judo), jujitsu (môn võ thuật cổ truyền khởi phát từ Nhật Bản). Cũng lần đầu tiên, đông đảo khán giả được thấy nhiều môn vốn chỉ quen thuộc trong NTĐ đã được đưa ra bãi biển tổ chức trên cát như vật, silat, bóng gỗ. Có lẽ “lạ” chính là yếu tố nổi bật nhất, làm nên nét riêng của Đại hội.

Nước chủ nhà Việt Nam độc chiếm ngôi đầu tiên bảng xếp hạng của giải đấu năm nay.

10 tỷ tiền thưởng từ cơn bão Vàng mờ ảo

Xét về mặt thành tích thuần túy, chưa bao giờ thể thao Việt Nam lại thắng lớn và thắng dễ như vậy khi “gặt” tới 139 huy chương, trong đó có tới 52 HCV, tại một giải đấu chỉ gồm 14 môn với 172 nội dung. Tỷ suất giành huy chương, kể cả Vàng của đoàn chủ nhà thuộc diện cao nhất thế giới và thậm chí còn có thể cao hơn nhiều nếu “bung” hết sức. Chỉ tiêu mà đoàn đặt ra chỉ là đoạt trên dưới 20 HCV, lọt vào nhóm dẫn đầu. Ở cả ba kỳ Đại hội trước đó, Việt Nam cao nhất cũng chỉ giành được 8 HCV.

Thực tế cuộc đấu tại Đà Nẵng, chuyện Việt Nam chiếm thế áp đảo hoàn toàn, độc chiếm ngôi đầu trên bảng xếp hạng thì lại không có gì bất ngờ. Chính xác hơn, nhìn vào chương trình thi đấu, vào lực lượng VĐV dự tranh, Việt Nam không thắng lớn và thắng dễ mới lạ. Ngoài một số môn đặc thù, nước chủ nhà đã đưa hàng loạt môn thế mạnh của mình từ trong nhà ra bãi biển như thể hình, vovinam, pencak silat, vật, hay thậm chí cả võ cổ truyền với số nội dung tối đa có thể. Cùng đó là hàng trăm tuyển thủ “xịn” của hầu hết các môn cũng được mang tới Đà Nẵng. Có rất nhiều ngôi sao như nhà vô địch thế giới muay Nguyễn Trần Duy Nhất, Á quân nhảy xa ASIAD Bùi Thu Thảo, nhà vô địch judo SEA Games từng hai lần dự Olympic Văn Ngọc Tú, kỷ lục gia SEA Games môn bơi Lâm Quang Nhật... Trong khi đó, các đoàn, kể cả các cường quốc thể thao biển truyền thống như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ cử sang một đội hình khiêm tốn cả về số lượng, chất lượng.

Càng đáng nói hơn vì những môn quen thuộc như dù lượn, lướt ván, thuyền buồm được lý giải vì nguyên nhân kinh phí cũng làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của chính Đại hội.

Bởi thế, ngôi đầu tuyệt đối của đoàn thể thao Việt Nam không phản ánh gì nhiều về giá trị chuyên môn cũng như phong trào và sự phát triển của thể thao biển. Phần nào đó, nó còn phơi bày biểu hiện của việc “gom”, “gặt” huy chương gắn với căn bệnh thành tích cố hữu.

Rõ ràng một cuộc đấu thể thao nhằm kích cầu du lịch, giao lưu văn hóa đã trở thành một cuộc đấu mang quá nặng tính chuyên môn, thành tích. Cái được duy nhất có lẽ chỉ là việc mấy trăm HLV, VĐV đã có được số tiền thưởng lên tới cả chục tỷ đồng, từ chiến tích 52 HCV, 44 HCB, 43 HCV quá lớn và quá dễ ấy. Theo quy định, mức thưởng cho thành tích tại Đại hội siêu đặc thù này là 50 triệu/HCV, 25 triệu/HCB, 20 triệu đồng/HCĐ.


Bài, ảnh: Xuyến Chi
Ý kiến của bạn